Bến Cát là một thị xã công nghiệp, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chỉ chiếm 0,3%, diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, cơ cấu lao động giảm dần nhưng nhu cầu sử dụng thực phẩm ngày càng tăng. Vì vậy xây dựng nền nông nghiệp đô thị, nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, tăng năng suất và chất lượng là hết sức cần thiết. Từ đó, nhờ sự hỗ trợ thiết thực của địa phương, các mô hình nông nghiệp đô thị hiệu quả cao trên địa bàn xuất hiện ngày càng nhiều.
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng ở xã An Điền, TX.Bến Cát mang lại hiệu quả kinh tế cao
Hiệu quả kinh tế cao
Thời gian qua, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao trên địa bàn TX.Bến Cát đã có những bước phát triển nhất định. Hiện, trên địa bàn có nhiều nông hộ, tổ hợp tác, trang trại đã ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, như: Canh tác trong nhà lưới, áp dụng các hệ thống tưới tự động; mô hình trồng chuối công nghệ khép kín từ trồng đến sơ chế, tiêu thụ sản phẩm; mô hình lan phát triển từ nông hộ sang hình thức liên kết thành tổ hợp tác, hợp tác xã… Từ đó đã góp phần giảm chi phí công lao động, đáp ứng nhu cầu nước và dinh dưỡng của cây trồng cho từng giai đoạn sinh trưởng. Có thể nói, đây là một trong những hướng sản xuất chính, đóng góp không nhỏ vào nền sản xuất nông nghiệp chung của tỉnh.
Mô hình trồng lan mokara cắt cành của hộ ông Nguyễn Văn Khoảnh, ấp Tân Lập, xã An Điền đã đem hiệu quả kinh tế cao, tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, phù hợp với tình hình phát triển nông nghiệp đô thị, bảo đảm môi trường sống ngày càng tốt hơn và làm tăng vẻ mỹ quan đô thị. Vốn xuất thân từ gia đình nhà nông, cộng với niềm đam mê cây cảnh, năm 2012, ông Khoảnh đã đầu tư 200 triệu đồng để trồng 2.000 gốc lan. Mới trồng, kỹ thuật, kinh nghiệm còn ít, song với sự đam mê tìm tòi học hỏi và thấy được lợi ích của hoa lan nên năm 2013, ông tiếp tục trồng thêm 10.000 gốc lan với số vốn đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Qua quá trình sản xuất đã rút kinh nghiệm và thấy rằng thời tiết ở địa phương thuận lợi, do đó ông càng mạnh dạn mở rộng diện tích. Cứ như vậy, đến nay vườn lan của ông đã có gần 25.000 gốc với tổng diện tích trên 5.000m2. Hiện tại trung bình mỗi tuần vườn lan của ông thu hoạch một lần, có giá từ 10.000 - 12.000 đồng/ cành. Bình quân một năm gia đình ông thu được gần 500 triệu đồng từ việc bán hoa lan và cây giống.
Nhận thấy xu hướng áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại trong nông nghiệp đang được khuyến khích, bà Phạm Thị Tình ở ấp Tân Lập, xã An Điền bước đầu thử nghiệm trồng dưa lưới trong nhà màng trên diện tích đất 500m2, với số tiền đầu tư 200 triệu đồng. Bà Tình cho biết khác với kỹ thuật canh tác nông nghiệp truyền thống, trồng dưa lưới trong nhà màng không sử dụng đất. Mỗi cây dưa lưới được trồng trong một chậu polymer và được trồng bằng xơ dừa đã qua xử lý. Đây là mô hình trồng theo công nghệ sạch, bảo đảm an toàn thực phẩm. Sau hơn 2 tháng chăm sóc, vườn dưa lưới của bà cho thu hoạch khoảng 2 tấn, trừ hết chi phí, lãi còn hơn 40 triệu đồng. Thời gian tới, bà Tình sẽ mở rộng trồng dưa lưới với diện tích 3.500m2.
Không chỉ với mô hình trồng hoa lan, trồng dưa lưới mà trên địa bàn thị xã còn có mô hình trồng các loại nấm cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là những mô hình nông nghiệp diện tích canh tác nhỏ nhưng mang lại giá trị trên đơn vị diện tích cao, phù hợp với nền nông nghiệp đô thị. Điển hình như mô hình trồng nấm của Tổ hợp tác Phú An với hơn 10 thành viên, có tổng diện tích khoảng 7.000m2, thu nhập mỗi tổ viên dao động từ 5 - 30 triệu đồng/tháng. Hợp tác xã Nấm sạch Bình Dương tại Thới Hòa, với tổng diện tích 6.000m2, cho thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/tháng...
Hướng tới bền vững
Có thể nói, tình hình phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao trong sản xuất ở địa phương đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, người dân đang có xu hướng tiếp cận và ứng dụng ngày càng nhiều những kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp, như: Trồng rau thủy canh, tưới nhỏ giọt, tưới - bón phân tự động... Bước đầu trên địa bàn đã hình thành các mô hình nông nghiệp chuyển đổi phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, một điều cũng cần phải nhìn nhận thẳng thắn, diện tích sản xuất trồng trọt và chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao còn thấp, các mô hình này còn mang tính tự phát, chưa được đầu tư đúng mức, chưa tạo động lực mạnh mẽ trong việc cải thiện nền nông nghiệp địa phương. Mặc dù đã có chủ trương khuyến khích phát triển nhưng việc hình thành các chuỗi giá trị từ khâu sản xuất, tiêu thụ nông sản sạch, nông sản công nghệ cao với nòng cốt là các tổ hợp tác, hợp tác xã vẫn chưa cho thấy tính bền vững.
Ông Nguyễn Hoàng Thông, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Bến Cát, cho rằng sản xuất theo hướng nông nghiệp đô thị là hết sức cần thiết và là cách phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp giảm, nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng của xã hội đối với sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao, an toàn. Theo đó, cần bám sát quy hoạch chung và quy hoạch ngành trồng trọt của TX.Bến Cát để thực hiện sản xuất nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu ngành, chú trọng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với hình thành các khu du lịch sinh thái ven sông, đi đôi với việc đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Đồng thời, tập trung xây dựng và phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp mở rộng theo chuỗi giá trị gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản đáp ứng nhu cầu thị trường. Tăng cường đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, tích cực chuyển giao công nghệ; nghiên cứu các mô hình hiệu quả để thí điểm và nhân rộng toàn thị xã gắn với chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực...
PHƯƠNG ANH