Ngày 8-4-1975: Nguyễn Thành Trung đánh bom dinh Độc Lập
Ngày 8-4-1975, một chiếc máy bay F5 của không quân ngụy đã đánh bom xuống dinh Độc Lập. Địch ngỡ ngàng tưởng đảo chính ra lệnh giới nghiêm. Tinh thần ngụy quân và ngụy quyền khắp nơi xao động vì ngay đầu não đã bị tấn công.
Anh Nguyễn Thành Trung trở về sân bay Phước Bình, Phước Long được đồng đội trong vùng giải phóng tiếp đón sau khi thả bom xuống dinh Độc Lập Ảnh: TL
Ngày 8-4-1975, Nguyễn Thành Trung được lệnh cất cánh trong phi đội 3 chiếc F5 từ sân bay Biên Hòa. Lợi dụng 5 giây địch sơ hở, Trung cất cánh bay một mình về hướng dinh Độc Lập. Lúc này trên máy bay có mang 4 quả bom, Trung định đánh Dinh Độc Lập 2 quả còn 2 quả đánh kho xăng Nhà Bè. Nhưng sau khi ném 2 quả bom chỉ rơi ngoài sân dinh, Trung liền vòng lại trút nốt 2 quả bom xuống dinh. Sau khi ném bom xong, Trung đưa máy bay ra vùng giải phóng hạ cánh an toàn xuống sân bay Phước Long. V.H (tổng hợp)
Ngày 8-4-1975, Bộ Tư lệnh Miền quyết định thống nhất lực lượng đặc công tham gia Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định gồm có Sư đoàn 2, Lữ đoàn 316 biệt động, Thành đội Sài Gòn - Gia Định… đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ Tư lệnh Miền bố trí trên 3 hướng: Hướng đông (gồm cánh đông và đông nam), hướng bắc (gồm cánh bắc và tây bắc) và hướng tây (gồm cánh tây và tây nam).
Chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra, riêng trên hướng Tây Bắc, Quân đoàn 1 tiến công bao vây địch ở Phú Lợi, buộc địch ở Thủ Dầu Một, Lái Thiêu phải đầu hàng; Quân đoàn 3 đánh chiếm Trảng Bàng, tiến vào Bà Quẹo, ngã tư Bảy Hiền; Trung đoàn 115 đánh chiếm các cầu Bình Phước, Tân An, Rạch Cát, Chợ Mới, cầu Sắt; sau đó đánh lui nhiều đợt phản kích của địch trong ngày 29-4-1975, chốt giữ cầu cho đến khi chủ lực ta tiến qua.
Cùng ngày 8-4-1975, Sư đoàn 320B đơn vị đi đầu của Quân đoàn 1, sau đó Sư đoàn 312 đến vị trí tập kết tại Đồng Xoài. Mấy ngày sau các đơn vị của quân đoàn III cũng vào đến Dầu Tiếng.
Từ tháng 4-1975, các binh đoàn chủ lực trên đường hành quân tiến về Sài Gòn đã đánh địch trên đường hành tiến, phá toang các tuyến phòng ngự vòng ngoài, từ xa của địch nhất là cánh quân phía Đông do Trung tướng Lê Trọng Tấn chỉ huy, giải phóng Phan Rang, Bình Thuận, Bình Tuy, Xuân Lộc, Bà Rịa. Ngày 7-4-1975, Trung ương Cục do đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục chủ trì đã duyệt kế hoạch tiến công Sài Gòn - Gia Định. Kế hoạch tác chiến của ta chia làm 2 bước. Bước 1, từ ngày 8-4 tiến công chia cắt chiến lược và bao vây; đánh trận “rúng động”, đánh vùng ven và 8 mục tiêu trong nội thành, chuẩn bị cho tổng tiến công. Bước 2, từ ngày 15 đến 20-4 tấn công đột kích Sài Gòn theo 5 hướng.
Để chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng đánh vào trung tâm cơ quan đầu não của chính quyền và quân đội ngụy, ngày 8-4, tại căn cứ Dương Minh Châu, Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, Đoàn A75 và cơ quan Bộ tăng cường đã họp thông qua kế hoạch tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Tại đây, đồng chí Lê Đức Thọ thay mặt Bộ Chính trị phổ biến nội dung Nghị quyết của Bộ Chính trị về quyết tâm giải phóng miền Nam trong tháng 4, không thể để chậm, công bố quyết định thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định và thông qua phương án tác chiến chiến dịch.
Tại Bình Dương, thực hiện Chỉ thị của Thường vụ Tỉnh ủy, các lực lượng tại địa phương đã chuẩn bị sẵn địa bàn, dự trữ lương thực, thực phẩm giúp bộ đội nhanh chóng ổn định nơi trú đóng quân, khẩn trương bước vào chiến đấu. Các cấp ủy Đảng và du kích địa phương giúp bộ đội điều tra nắm tình hình, chuẩn bị phương án phối hợp tác chiến trong những ngày sắp tới.
Trong những ngày đầu tháng 4-1975, tình hình diễn biến thuận lợi trên các chiến trường, Tỉnh ủy đã chỉ thị cho các cơ quan, đơn vị chuẩn bị bến bãi, kho tàng, trạm khách cho bộ phận tiền trạm của Quân đoàn 1 mới từ miền Bắc hành quân thần tốc vào chiến trường, chuẩn bị sẵn vị trí tập kết để đón bộ đội. Hàng ngàn dân công của tỉnh được huy động tham gia tải gạo, tải đạn ra chiến trường, chuẩn bị cho bộ đội tập kết lực lượng và cơ động chiến đấu… Tất cả mọi mặt đều được chuẩn bị, sẵn sàng phục vụ cho khởi nghĩa giải phóng quê hương, góp phần giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
VĂN HIỆP