Chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em

Cập nhật: 25-11-2019 | 07:55:17

 Với ý nghĩa bình đẳng giới (BĐG) là chìa khóa chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, thời gian qua, Bình Dương luôn nỗ lực chung tay xây dựng môi trường an toàn, bình đẳng. Tuy nhiên, BĐG không chỉ là những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước mà còn cần nhiều hơn nữa tiếng nói của cả cộng đồng.

 Xe diễu hành tuyên truyền Tháng hành động vì bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2019 đi qua các tuyến đường phố trung tâm TX.Tân Uyên. Ảnh: DUY TRỌNG

 Khẳng định vai trò của phụ nữ

BĐG là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. Thời gian qua, các cấp, các ngành, đoàn thể trong tỉnh luôn quan tâm đến BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Qua đó BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, xóa dần khoảng cách về giới. Nổi bật hơn cả là có nhiều phụ nữ nắm giữ các vị trí lãnh đạo, tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng trong tỉnh chiếm trên 26%; nữ được giải quyết việc làm mới hàng năm khoảng 59%; tỷ số giới tính khi sinh năm 2018 là 105,78 trẻ trai/100 trẻ gái. Nhiều năm trên địa bàn tỉnh không có tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em; phụ nữ nhận được sự ủng hộ nhiều hơn trong phát triển sự nghiệp và được hỗ trợ công việc gia đình.

Trong số những thành quả nói trên, việc trao quyền cho phụ nữ trên lĩnh vực chính trị là một điểm nhấn trong sự gia tăng về số lượng, trình độ năng lực quản lý của phụ nữ. Dấu ấn nam - nữ “bình quyền” về chính trị còn lan tỏa trong đồng bào dân tộc thiểu số. Chị Kim Ngọc Thế Ngân, dân tộc Khmer là một điển hình. Trưởng thành từ cơ sở, chị được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch UBND phường Uyên Hưng, TX.Tân Uyên. Chị Ngân không chỉ là minh chứng cho những đột phá trong công tác cán bộ mà còn là sự thay đổi trong ý thức hệ của cộng đồng về vai trò, vị thế của phụ nữ trong thời kỳ mới. Tuy nhiên hiện nay, công tác BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới của tỉnh còn gặp không ít khó khăn. Tình trạng bất BĐG, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái còn xảy ra ở một số nơi. Năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 111 vụ bạo lực gia đình; trong đó 110 nạn nhân là phụ nữ, 1 nạn nhân là trẻ em.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Tháng hành động BĐG năm 2019 mang ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội, gia đình, là đợt cao điểm đẩy mạnh công tác truyền thông và các hoạt động BĐG, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Hưởng ứng Tháng hành động vì BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới trong cả nước, vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2019 với chủ đề “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”.

Sau lễ phát động của tỉnh, đồng loạt 9 huyện, thị, thành phố cũng tổ chức ra quân nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức hệ của cộng đồng. Việc tuyên truyền, lồng ghép về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ trong các hoạt động của đơn vị, địa phương đã từng bước thay đổi nhận thức của người dân. Các mô hình nổi bật như: Mô hình “Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh tại cộng đồng” (phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một), mô hình “Ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới” (xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên và xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng)…

Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng cho biết: “Trong Tháng hành động vì BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, địa phương có nhiều hoạt động như treo băng rôn tuyên truyền, biểu ngữ, tranh cổ động, tổ chức diễn đàn, cuộc thi liên quan Luật BĐG. Ngoài ra, huyện còn đẩy mạnh xã hội hóa trong việc bảo vệ trẻ em, phụ nữ, hỗ trợ khắc phục hậu quả đối với nạn nhân bị xâm hại về sức khỏe và tinh thần”.

“Bình Dương là tỉnh phát triển công nghiệp với trên 1 triệu lao động, trong đó lao động nữ chiếm khoảng 56%. Mặc dù các chính sách về lao động nữ được tỉnh thực hiện khá tốt nhưng vẫn còn một số vấn đề liên quan đến chất lượng cuộc sống, việc tổ chức triển khai các quy định của Luật BĐG, nâng cao nhận thức về vai trò giới cho lao động nữ còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em vẫn còn xảy ra với người lao động. Vì vậy, BĐG cần được tiến hành thường xuyên và lâu dài, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và sự tham gia của toàn xã hội, của chính mỗi người dân để góp phần làm thay đổi ý thức hệ tư tưởng”.

(Bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh)

 KIM HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=359
Quay lên trên