Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau

Cập nhật: 01-09-2018 | 09:42:02

Đó là một trong những khẩu hiệu để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2019-2020 của tỉnh. Với mục tiêu không để tái nghèo, giảm hộ nghèo (HN), Bình Dương đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể để thực hiện. Trên cơ sở đó, các cấp, các ngành, địa phương sẽ nỗ lực để tiếp thêm sức mạnh, động lực cho các HN vững tin thoát nghèo.


Ông Đặng Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen của UBND tỉnh cho tập thể làm tốt công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2018

3 năm giảm 1.850 HN

UBND tỉnh vừa tổ chức hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Tham dự không chỉ có lãnh đạo các cấp, các ngành, địa phương, cán bộ làm công tác giảm nghèo từ tỉnh, huyện, xã mà còn có rất nhiều HN đang nỗ lực vươn lên thoát nghèo, hay những tấm gương thoát nghèo tiêu biểu. Gặp nhau tại hội trường UBND TP.Thủ Dầu Một, ngoài những cái bắt tay chào hỏi, cán bộ giảm nghèo, HN trong tỉnh còn trao đổi về công tác giảm nghèo, cách làm hay của địa phương, hay mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả. Đối với cán bộ giảm nghèo được gặp nhau và chuẩn bị được khen thưởng hớn hở vì những nỗ lực của mình sau 3 năm thực hiện tốt công tác giảm nghèo ở địa phương. Còn các hộ mới thoát nghèo rất tự tin khi mình đã thoát nghèo. Niềm vui đó đã chứng minh cho những nỗ lực trong công tác giảm nghèo từ cá nhân đến cả một hệ thống chính trị qua các con số cụ thể. Qua 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2018, tính đến tháng 7-2018, toàn tỉnh giảm 1.850 HN, bình quân mỗi năm giảm được khoảng 0,25% trên tổng số hộ nhân dân toàn tỉnh. Bình Dương cơ bản không còn HN theo tiêu chuẩn của Trung ương, cơ bản không có hộ tái nghèo.

Đạt được kết quả trên, các ngành, các cấp, địa phương trong tỉnh đã thực hiện nhiều chương trình giảm nghèo với những cách làm, mô hình hiệu quả. Từ năm 2016 đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác giải ngân cho 15.843 lượt HN. Từ nguồn vốn ưu đãi này, đã giải quyết được việc làm cho 26.833 lao động; 2.396 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; xây dựng 42.870 công trình nước sạch và công trình vệ sinh môi trường ở nông thôn. Thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với các huyện, thị, thành phố mở 160 lớp dạy nghề cho 2.864 học viên. Riêng Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp cùng với các tổ chức thành viên cùng cấp vận động hỗ trợ vốn sản xuất kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt cho các HN, các hội viên nghèo, khó khăn vươn lên vượt khó, ổn định cuộc sống với số tiền trên 19 tỷ đồng. Ngoài ra, Ủy ban MTTQ các cấp còn trích Quỹ “Vì người nghèo” hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh miễn phí cho 1.979 người thuộc HN mắc bệnh hiểm nghèo. Bên cạnh đó, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật về cây trồng, vật nuôi cho hội viên nghèo; ủy thác vốn vay để HN vững tin sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, Hội Cựu chiến binh còn tổ chức hội nghị tổng kết phong trào “cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” nhằm tôn vinh các cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, giảm nghèo ở các địa phương.

Được thoát nghèo, niềm vui đó toát lên qua lời nói, ánh mắt của những người nghèo khi chúng tôi tiếp xúc. Chị Trương Thị Mộng Tuyền, xã Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên tâm sự, trước đây, gia đình chị thuộc diện HN. Cách đây 14 năm chồng chị bị tai biến nên mọi gánh nặng cơm áo, gạo tiền và lo cho 2 con ăn học, một mình chị bươn chải. Ngoài cạo mủ cao su thuê, chị tranh thủ đi nhặt mủ cao su về bán kiếm thêm tiền. Cứ như vậy, suốt ngày chị luẩn quẩn với vườn cao su. May mắn, gia đình chị được địa phương hỗ trợ cho vay vốn Ngân hàng Chính sách để mua bò chăn thả. Từ đó, chồng chị đảm nhận việc chăm sóc bò. Nhờ mô hình chăn nuôi bò hiệu quả, gia đình có thêm thu nhập và đã chính thức thoát nghèo. “Ngày được nhận quyết định thoát nghèo gia đình tôi vui lắm. Tính ra cũng sống với cái danh HN lâu lắm rồi!”, chị Tuyền cho biết.

Không để tái nghèo

Đó là nhiệm vụ được UBND tỉnh giao cho các ngành, các cấp, địa phương nhằm quan tâm, tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế rơi vào tình trạng nghèo. Giai đoạn 2019-2020, tỉnh đã thống nhất mục tiêu, giảm tỷ lệ HN từ 0,2% - 0,3%/năm. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ HN toàn tỉnh còn dưới 1%. 100% HN, hộ cận nghèo có lao động và có nhu cầu, được vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để pht triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, được trợ giúp pháp lý miễn phí khi có nhu cầu. 100% học sinh nghèo được miễn giảm học phí và các khoản đóng góp khác; được vay vốn ưu đãi của Nhà nước theo quy định để học văn hóa và học nghề. 100% thành viên HN, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế. HN còn khókhăn vềnhà ở cơ bản được giải quyết.

Với mục tiêu đó, ông Hà Minh Trung, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh đã đưa ra giải pháp cụ thể. Bình Dương sẽ mở rộng việc thực hiện các chính sách gắn với các giải pháp nhằm nâng cao khả năng tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo; đổi mới nhận thức, cách làm, vận dụng linh hoạt các chính sách trong công tác giảm nghèo; gắn công tác giảm nghèo với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững”. Bên cạnh đó, nâng cao khả năng tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản cho HN; xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách giảm nghèo phù hợp tình hình mới, bảo đảm việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong công tác giảm nghèo.

Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác giảm nghèo cũng là vấn đề được quan tâm. Các ngành, các cấp, địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội về công tác giảm nghèo; vận động, tuyên truyền HN, người nghèo nâng cao nhận thức, tự phấn đấu vươn lên thoát nghèo gắn với thay đổi dần cơ chế, phương thức hỗ trợ để khơi gợi ý thức, sự chủ động phấn đấu, nâng cao trách nhiệm của HN, người nghèo đối với nguồn lực được hỗ trợ. Không chỉ sử dụng ngân sách, tỉnh khuyến khích xã hội hóa công tác giảm nghèo, tiếp tục phát huy việc động viên hiệu quả, đa dạng hóa các nguồn lực xã hội cho công tác giảm nghèo. Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên của mặt trận tiếp tục thực hiện tốt giải pháp “Tổ chức, cá nhân giúp HN”, huy động nguồn lực từ các tập thể, cá nhân ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”.

Ông Đặng Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Ban Chỉ đạo giảm nghèo các cấp cần rà soát kỹ số HN, hộ cận nghèo để họ được hưởng các chính sách hỗ trợ; tập trung các nguồn lực hỗ trợ để người nghèo tiếp cận các chính sách ưu đãi. Bên cạnh đó, tích cực tạo việc làm, đào tạo nghề để người nghèo tự vươn lên thoát nghèo; quan tâm chia sẻ từ cộng đồng dân cư với những cách làm giúp HN thoát nghèo như chia sẻ vốn, kinh nghiệm...

 

THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=493
Quay lên trên