“Chúng tôi đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử”...

Cập nhật: 30-04-2015 | 09:14:00

“40 năm rồi đó sao? Vậy mà tôi cứ ngỡ như mới hôm qua. Bao ký ức về một thời chiến tranh ác liệt vẫn còn đó. Biết bao mồ hôi, nước mắt và xương máu của đồng đội đã đổ xuống. Nhưng cũng rất mừng là chúng tôi đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Đất nước ta đã sang trang mới, thay da đổi thịt từng ngày”. Đây là những tâm sự của bà Nguyễn Thị Một, người vinh dự được treo lá cờ Mặt trận giải phóng trên cột cờ Nhà việc Phú Cường vào ngày 30-4-1975 lịch sử.

 Bà Nguyễn Thị Một kể về thời khắc treo cờ giải phóng trên Nhà việc Phú Cường Ảnh: C.THANH

Bà Nguyễn Thị Một giờ đây tuổi đã xế chiều. Ngôi nhà nhỏ của bà ở phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một giờ trở thành điểm hẹn thường xuyên của những đồng đội năm xưa. Bà chia sẻ: “Tui không lấy chồng và không có con nên tương đối rảnh rỗi. Giờ nghỉ hưu rồi cũng không làm gì, thỉnh thoảng bà này thích món này, bà kia thích món nọ... kêu tui nấu rồi cùng về tụ tập. Một thời đạn bom đã qua, giờ chúng ta an hưởng thái bình”.

Tiếp chúng tôi khi đang dở tay làm món ăn đãi khách, bà bảo, với những người từng vào sinh ra tử, bao ngày chờ đợi đất nước được giải phóng thì ký ức về những ngày cuối tháng 4-1975 lịch sử như sống mãi trong lòng, không thể nào quên. Nhớ về những ngày lịch sử hào hùng, bà Nguyễn Thị Một bắt đầu kể: “Từ ngày 27- 4, lực lượng vũ trang của ta đã phối hợp với du kích xã tấn công nhiều đồn bót, căn cứ lớn, nhỏ của địch, giải phóng nhiều xã, huyện. Vòng vây của ta đang siết chặt trên các hướng vào nội ô Sài Gòn, bọn địch phòng thủ với tâm trạng hoang mang cực độ. Tình hình trên toàn mặt trận đang diễn ra quyết liệt và diễn biến nhanh từng giờ, báo hiệu sự sụp đổ hoàn toàn của bộ máy chính quyền tay sai do Mỹ dựng lên. Nhằm bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy các lực lượng tham gia tiến công giải phóng thị xã và các huyện phía trước, đêm 29-4, Thường trực Tỉnh ủy từ căn cứ ở Bình Mỹ chuyển xuống đứng chân tại xã Phú Chánh. Sở Chỉ huy tiền phương của tỉnh cùng Ban Chỉ huy Sư đoàn 312 từ căn cứ gò Ông Đông xuống đứng chân tại bàu Cây Trang đồng Bàu Bèo, cách trung tâm thị xã Thủ Dầu Một 3km. Đúng 5 giờ sáng ngày 30-4, sau những đợt pháo của sư đoàn bắn dồn dập, đơn vị xe tăng của Sư đoàn 312 tấn công vào căn cứ Phú Lợi, Tiểu khu quân sự Bình Dương. Trong cơn hoảng loạn, quân địch vứt cả súng đạn, cởi bỏ quân trang tháo chạy. Căn cứ Phú Lợi bị ta đánh chiếm, địch trong thị xã rúng động và náo loạn. Phát huy sức mạnh đột kích của xe tăng, Sư đoàn 312, cùng cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Phú Lợi 2 và các đoàn công tác của tỉnh, thị xã nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu đã được phân công. Các tổ chức quần chúng hoạt động bí mật ra công khai, phối hợp với các đoàn cán bộ, đơn vị bộ đội cắm cờ giải phóng, chiếm giữ các mục tiêu, công sở địch...”.

 

Bà Nguyễn Thị Một giờ đã nghỉ hưu, sống an nhàn với thú điền viên Ảnh: T.THẢO

Trong khi đó, để chuẩn bị đánh những sào huyệt cuối cùng của địch trên toàn miền Nam, ngày 28-4-1975, bà Một đã nhận được chỉ thị khẩn cấp của đồng chí Lê Văn Cao là phải chuyển ngay 3 công văn gấp xuống cho cánh quân phía nam, còn bà Hồng Nhung chuẩn bị gấp một lá cờ Mặt trận giải phóng để ngày 30-4 tham gia cùng cánh phía bắc tiến vào giải phóng Thủ Dầu Một. Đồng thời, bà được phân công trực tiếp treo lá cờ Mặt trận giải phóng lên cột cờ Nhà việc Phú Cường (đây là một trung tâm hành chính quan trọng của chính quyền ngụy tại Thủ Dầu Một lúc bấy giờ). Bà Nguyễn Thị Một tự hào chia sẻ, trong giờ phút sục sôi khí thế thắng trận, không có niềm vui sướng nào bằng việc nhìn thấy cờ cách mạng tung bay trên nóc nhà các cơ quan, công sự trọng yếu của địch. Dù trải qua bao nhiêu năm tháng, bao thăng trầm của lịch sử nhưng cứ đến ngày 30-4, nhớ lại phút giây lịch sử ấy, trong lòng bà lại lâng lâng niềm vui sướng, xen lẫn niềm tự hào.

“Tối 29-4, tôi cùng chị Hồng Nhung đến nhà chị Năm Xuân (chị ruột của chị Hồng Nhung, cũng là một cơ sở cách mạng) ở chợ Cây Dừa để may cờ. Suốt đêm không ngủ, chúng tôi cắt may cờ và 30 băng đỏ để sử dụng trong ngày giải phóng. Sáng hôm sau, tôi được lệnh tham gia giải phóng Thủ Dầu Một. Từ chợ Cây Dừa về trung tâm thị xã hai bên đường vắng vẻ, ít người đi lại. Khi về đến ngã sáu, tôi thấy quần áo, quân trang quân dụng của lính ngụy vứt ngổn ngang hai bên đường. Trước sức mạnh của lực lượng ta, bọn chúng bỏ của chạy lấy người. Các cán bộ, chiến sĩ của ta đã nhanh chóng tiến lên chiếm lĩnh các vị trí, cơ quan then chốt của ngụy quân, ngụy quyền ở trung tâm tỉnh lỵ Thủ Dầu Một. Khi chúng tôi tiến vào Nhà việc Phú Cường thì đồng chí Bảy Tấn (sau này nguyên là Bí thư Thành ủy Thủ Dầu Một) cũng ở đó cùng với những cán bộ, chiến sĩ cách mạng khác để chiếm lĩnh mục tiêu…”, bà Nguyễn Thị Một kể.

Ánh mắt bà Một như rực lên trong phút chốc. Rồi bà lại kể tiếp về sự kiện này trong niềm xúc động: “Tôi nhớ, lúc ấy khoảng 9 giờ sáng, đúng như phân công, tôi và chị Hồng Nhung thực hiện việc treo cờ. Tôi đã tháo cờ của chế độ cũ ném xuống đất, bình tĩnh treo là cờ Mặt trận giải phóng lên. Lá cờ tung bay trước niềm vui sướng của cán bộ, chiến sĩ cách mạng và nhân dân Thủ Dầu Một. Khó có thể nói gì hơn cảm xúc của chúng tôi lúc đó, vui mừng đến rơi nước mắt! Bao năm đất nước lầm than, bao nhiêu chiến sĩ cách mạng đã ngã xuống, tù đày… khiến cho nhiều gia đình ly tán, ba mẹ mãi mãi mất con, vợ mất chồng, con mất cha… nhưng cuối cùng cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã giành thắng lợi hoàn toàn vào ngày 30-4-1975. Niềm vui sướng hân hoan không gì diễn tả được bởi chúng ta đã đánh đổi biết bao mồ hôi, xương máu và nước mắt để làm nên điều kỳ diệu ấy. Từ đây, lịch sử đất nước ta bước sang trang mới: xây dựng, hội nhập và phát triển…”.

Bà Nguyễn Thị Một xuất thân trong một gia đình lao động nghèo. Bản thân bà làm công nhân ở làng sơn mài Tương Bình Hiệp. Do sớm được tiếp xúc với cách mạng và được Đảng giác ngộ, bà đã sớm tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với vai trò là một người kháng chiến nằm vùng tại địa phương ngay trong lòng địch. Năm 1973, khi ấy chưa đầy 17 tuổi, bà Nguyễn Thị Một đã là một người hoạt động mật của cách mạng. Nhiệm vụ của bà là chuyển thư từ, tài liệu từ chiến khu vào nội thành và ngược lại; móc nối đưa thanh niên yêu nước vào chiến khu tham gia kháng chiến; theo dõi nắm tình hình hoạt động của địch để báo cáo. Hai lần bị địch bắt, tra tấn dã man nhưng cuối cùng chúng phải trả tự do vì không khai thác được gì từ bà.

 

 THU THẢO

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2077
Quay lên trên