Là một người lính trí thức, những năm dài chiến đấu ở vùng đất Sông Bé, đại tá, nhà văn Chu Lai, sau này đã có cái nhìn rất nhân văn về cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta, dù chiến tranh chỉ là bom rơi, máu đổ. Tôi nhớ, ông đã đúc kết một câu rất hay rằng: Sự xuất hiện của “đàn bà” trên chiến trường đã làm “mềm” sự tàn bạo của chiến tranh. Vâng! Tôi hiểu! Ẩn sau câu nói của Chu Lai là một thông điệp lịch sử. Thông điệp như thế nào? Dưới đây tôi xin kể một câu chuyện về một người “phụ nữ thời chiến”…
Cô gái ngồi trên xe tăng Hai Mỹ đang chỉ đường cho Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu tiến vào giải phóng Chi khu Lái Thiêu (ảnh do nhân vật cung cấp)
Nhân vật mà tôi trân trọng viết lên trang báo này là bà Nguyễn Thị Ngọc Mỹ (Hai Mỹ) - người không xa lạ gì với đồng bào Sông Bé cách đây 40 năm và cả Bình Dương hôm nay. Mùa xuân này, bà Hai Mỹ bước qua tuổi 60 nhưng dường như thời gian vẫn không làm phai mờ nét đẹp mỹ miều của người phụ nữ Nam bộ này. Cách đây tròn 40 năm, vào sáng ngày 30-4 lịch sử, cô gái xinh đẹp Hai Mỹ, đầu đội mũ tai bèo, hiên ngang ngồi trên chiếc xe tăng dẫn đường đưa đoàn quân cách mạng tiến vào giải phóng Lái Thiêu trong niềm vui khôn tả của đồng bào đứng chật ních hai bên đường. Mọi người reo vang: “Nữ Việt cộng đẹp ghê”. Người phía sau xô người phía trước, bắc ghế lên cao chỉ mong nhìn cho được nữ Việt cộng xinh đẹp đang tiến về giải phóng quê hương. Họ ngạc nhiên và ngỡ ngàng trước một cô gái tuổi đôi mươi, bởi trước đó, chế độ ngụy quyền đã xuyên tạc “Việt cộng độc ác, dáng người còm cõi. Việt cộng tiến vào là sẽ tắm máu tất cả…”. Sự xuất hiện của cô gái trên xe tăng đã mang một ý nghĩa vô cùng lớn lao trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh!
Nhìn tấm hình bà ngồi trên xe tăng hào hùng năm xưa, tôi vô tư hỏi: Trong thời khắc ác liệt như vậy, bà không sợ chết hay sao? Hỏi xong, tôi biết mình đã lỡ lời vô duyên, định nói qua chuyện khác nhưng bà trả lời ngay: “Tôi chẳng sợ gì cả! Không sợ! Trong cuộc chiến hơn 20 năm trời đã biết bao đồng đội của tôi đã ngã xuống. Ngã xuống vô tư! Những đêm dài hành quân, đi giữa bom rơi, đạn thả chúng tôi vẫn hát, hát say sưa. Và khi bom rơi trúng ai đó thì mọi người đều chấp nhận hy sinh. Cả cuộc chiến kéo dài chúng tôi đều sống như vậy. Lằn ranh sinh tử cực kỳ mong manh, vẫn lạc quan yêu đời. Huống chi ngày 30-4, thời khắc lịch sử đang tới, thống nhất non sông đang trở thành hiện thực, nên dù có hy sinh, miệng tôi vẫn mỉm cười. Bởi tôi ý thức rằng, chết cho Tổ quốc là cái chết vinh quang, là chết không hổ thẹn, là đã góp phần giải phóng quê hương…”.
Bà Hai Mỹ sinh ra trong một gia đình nông dân yêu nước ở xã Vĩnh Phú, TX.Thuận An ngày nay. Năm 18 tuổi, bà thoát ly gia đình công khai hoạt động cách mạng ở địa phương. Lòng yêu nước của bà đã được thử thách bằng những năm tháng trong ngục tù đế quốc, bị địch tra tấn dã man. Ra tù bà tiếp tục hoạt động, rồi bị bắt, bị đánh đập tàn bạo nhưng bà vẫn một lòng son sắt với lý tưởng của Đảng và Bác Hồ. Bà kể, lần bà bị bắt sau cùng là do một kẻ chiêu hồi, chỉ điểm. Nó nói, bà tiếp tế cho Việt cộng ở rừng Cò Mi. Rừng Cò Mi là khu rừng bạt ngàn thuộc phường Thuận Giao, Bình Chuẩn và Hòa Lân, TX.Thuận An ngày nay. Trong kháng chiến chống Mỹ, Cò Mi là nơi đóng quân của rất nhiều cơ quan, lực lượng vũ trang của ta. Bởi thế, quân địch thường nói, rừng Cò Mi còn, Sài Gòn mất. Để đối phó, địch đã thành lập một khu phòng thủ rất kiên cố ở Chi khu Lái Thiêu nhằm ngăn chặn quân ta đánh vào Sài Gòn từ phía bắc. Chúng thường xuyên càn vào khu rừng hòng xóa sổ lực lượng của ta nhưng đều chuốc lấy thất bại. Vì vậy, khi biết Hai Mỹ tiếp tế cho Việt cộng ở rừng Cò Mi, chúng đánh đập bà rất dã man. Nhưng địch chỉ nghi ngờ chứ không thu được bằng chứng, cuối cùng phải thả bà về. Ra tù, Hai Mỹ tiếp tục hoạt động cách mạng sục sôi hơn. Một hôm hai cha con bà đi nhổ mạ chuẩn bị cấy lúa vụ mùa thì địch tổ chức bao vây. Thấy vậy, bà nói: “Cha ơi, tạm biệt cha, lần này con phải vô rừng với bộ đội thôi, nếu để địch bắt lại nó đánh chết con cha ơi…”. Thôi con đi đi, người cha của Hai Mỹ nghẹn ngào nhìn con gái băng qua cánh đồng, khuất dần vào cánh rừng.
Vào rừng được một thời gian, cấp trên thấy Hai Mỹ có năng lực nên giao nhiệm vụ cho bà làm Bí thư Huyện đoàn Lái Thiêu và yêu cầu bà trở lại hoạt động bí mật trong lòng địch. Chấp hành nhiệm vụ, bà về địa phương tổ chức đào hầm bí mật, giả dạng là người buôn bán, ngày đêm theo dõi kẻ địch báo cáo về cho tổ chức; làm công tác binh vận, địch vận kêu gọi con em lính ngụy buông súng trở về. Trong mùa xuân đại thắng 1975, khi đại quân ta đang bừng bừng tiến về sào huyệt cuối cùng của chế độ ngụy quyền, hòa trong khí thế rực lửa ấy, bà Hai Mỹ đã nhanh chóng tổ chức các cơ sở mật chuẩn bị đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền, đón đoàn quân giải phóng tiến vào.
Đêm 29-4, tiếng súng quân ta nổ vang ở phía Bắc Lái Thiêu. Nhiều lính ngụy hoảng loạn, kể cả một số bà con không nắm hết chủ trương của cách mạng cũng bỏ chạy tán loạn. Trước tình hình đó, bà Hai Mỹ hòa vào nhân dân, tuyên truyền, giải thích cho bà con hiểu và yêu cầu họ ở trong nhà. Rồi bà ngược lên Thuận Giao gặp gỡ các cơ sở mật. Sáng 30-4, tình cờ bà gặp được đoàn quân của Trung đoàn 27, Quân đoàn 1 do Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu (sau này là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) chỉ huy đang tìm đường đánh vào Chi khu Lái Thiêu. Thấy vậy, Hai Mỹ xung phong nhảy lên xe tăng dẫn đường cho Trung đoàn 27 hành tiến.
Trận đánh vào khu phòng thủ Chi khu Lái Thiêu của địch diễn ra vô cùng ác liệt. Giữa những làn đạn đan xéo của quân thù ngoan cố nhắm vào quân ta, bà Hai Mỹ và những chiến sĩ của Trung đoàn 27 vẫn xông lên phía trước, quyết tử sẵn sàng chiến đấu đến giọt máu cuối cùng. Nhiều tấm gương anh dũng ngã xuống trong trận đánh này đã để lại sự khâm phục và tiếc nuối khôn nguôi trong lòng nhân dân Lái Thiêu năm ấy. Trước sức mạnh tấn công như vũ bão của quân giải phóng, toàn bộ khu phòng Chi khu Lái Thiêu sau một hồi chống cự đã sụp đổ, toàn bộ chỉ huy và binh lính ngụy phải giương cờ trắng ra đầu hàng. Bà Hai Mỹ kể lại: “Chúng tôi và các anh bộ đội sau khi giải phóng Chi khu Lái Thiêu tiếp tục đánh vào chi khu Tân Thới (nay là trụ sở UBND phường Lái Thiêu - PV). Quân địch ở đây đã bỏ chạy tán loạn, tôi hăng hái giương cao ngọn cờ giải phóng định chạy vào cắm cờ lên nóc nhà chỉ huy của địch. Chợt một anh chiến sĩ kéo giật tôi lại phía sau và nói để anh vào rà mìn trước. Nghe vậy, tôi đứng lại chờ đợi. Bỗng một tiếng nổ vang ở khu nhà phía trong, khiến tôi bàng hoàng. Lúc tôi chạy vào đã thấy một cảnh tượng rất đau lòng, người chiến sĩ vào rà mìn đã hy sinh trong những giây phút cuối cùng của cuộc chiến tranh…”.
Bà Hai Mỹ nay đã về hưu sống ở phường Lái Thiêu, TX.Thuận An. Chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ nhưng hôm trò chuyện với chúng tôi, bà nhớ rõ từng chi tiết về một thời đánh giặc oanh liệt. Hình ảnh những anh chiến sĩ Trung đoàn 27, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu - người Trung đoàn trưởng năm xưa vẫn luôn sống mãi trong tâm hồn bà, bởi chính họ đã từ miền Bắc xa xôi thần tốc tiến vào giải phóng mảnh đất Sông Bé, quê hương của bà và góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Tạm biệt bà Hai Mỹ, cô gái ngồi trên xe tăng, người phụ nữ thời chiến đầy kiêu hãnh của dân tộc Việt Nam.
KIẾN GIANG