Chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn: Hiệu quả bước đầu

Cập nhật: 21-08-2019 | 05:53:02

Sau 2 năm (2017-2018) triển khai thí điểm (tại 4/9 huyện, thị, thành phố trong tỉnh) chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo 2 cấp (cấp tỉnh và cấp huyện), ngành tài nguyên - môi trường tỉnh đánh giá bước đầu chương trình đã đạt kết quả tốt.

 Không phải thấy khó rồi... ngưng

Đối với cấp tỉnh, địa phương chọn các trung tâm thương mại, bệnh viện, nơi tập trung đông người dọc đại lộ Bình Dương từ Bệnh viện Quốc tế Becamex về đến Trung tâm Hành chính tỉnh.

Trước khi triển khai, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chuẩn bị sẵn nội dung, in ấn tờ rơi, phối hợp tập huấn, tuyên truyền và trang bị phương tiện để các địa phương thống nhất triển khai thu gom với 2 màu: Màu xanh chứa chất thải rắn sinh hoạt hữu cơ, phân hủy như thức ăn thừa, rau, củ, quả; màu vàng chứa chất thải rắn không phân hủy gồm lon bia, vỏ chai nhựa, bao bì nhựa. Ở cấp tỉnh, Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) đầu tư 2 xe chuyên dùng màu xanh và màu vàng để thu gom tuyến đường được giao. Đối với cấp huyện, các địa phương được chủ động lựa chọn địa bàn thí điểm phù họp với đặc điểm, thế mạnh của mình.

 

Các em học sinh TX.Dĩ An hưởng ứng phong trào đổi vỏ hộp sữa, chất thải rắn lấy dụng cụ học tập. Ảnh: DUY CHÍ

Kết quả, ở cấp tỉnh, Biwase thu gom trên trục đường đại lộ Bình Dương đến Trung tâm Hành chính tỉnh được 2.003,26 tấn chất thải rắn sinh hoạt hữu cơ, tương đương 257 chuyến; chất thải còn lại 232,29 tấn, tương đương 109 chuyến. Ở cấp huyện, các địa phương do thiếu phương tiện thu gom, số lượng chất thải không đủ chuyến xe, việc thu gom chậm trễ dẫn đến ứ đọng nên có nơi không đạt yêu cầu đề ra.

Lý giải về nguyên nhân thực hiện không đạt kế hoạch đề ra, đại diện UBND TP.Thủ Dầu Một cho biết do thiếu phương tiện nên việc triển khai thu gom rác trên địa bàn không đúng lịch dẫn đến bốc mùi hôi thối. Một nguyên nhân khác là kinh phí thực hiện kế hoạch thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn không nằm trong danh mục chi của địa phương. Thành phố kiến nghị UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo cụ thể giúp địa phương thuận lợi trong việc thực hiện kế hoạch.

Còn đại diện UBND TX.Bến Cát kiến nghị UBND tỉnh cho địa phương được điều chỉnh địa bàn, tuyến đường thực hiện kế hoạch thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Bởi hiện nay, địa bàn thí điểm tại thị xã nằm ở vùng nông thôn dân cư thưa thớt, tuyến đường dài nhưng lượng rác không đủ cho mỗi chuyến xe...

Ông Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết kế hoạch thí điểm đã phân loại thành 2 vùng nông thôn và thành thị nhằm rút ra bài học để triển khai đại trà, nên không vì khó khăn mà thay đổi kế hoạch. Kinh nghiệm cho thấy, nơi nào cấp ủy, chính quyền quan tâm thì nơi đó ý thức của người dân rất cao, hiệu quả thực hiện chương trình rất tốt.

Không có tiền vẫn thí điểm thành công

Từ kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn chung của tỉnh, TX.Dĩ An đã chọn khu phố Nhị Đồng 1, phường Dĩ An để thí điểm. Tại đây có đông dân cư (1.152 hộ dân) cùng 100 cơ sở kinh doanh quán ăn, tổng khối lượng rác thải phát sinh trung bình 7 tấn/ngày.

Phòng Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND thị xã ban hành Kế hoạch 2398/KH-UBND huy động sự tham gia của MTTQ, các đoàn thể cùng thực hiện phong trào phân loại rác thải tại nguồn kết hợp tuyên truyền giảm phát sinh rác thải nhựa sử dụng một lần.

Trên tinh thần đó, các đoàn thể ở địa phương đã kết hợp lồng ghép kế hoạch với nhiệm vụ chính trị được giao. Cụ thể như Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã lồng ghép, kết hợp kế hoạch với chương trình “5 không 3 sạch”; MTTQ lồng ghép kế hoạch với nhiệm vụ “Toàn dân đoàn kết xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa” thành các phong trào như: xóa điểm nóng ô nhiễm môi trường; biến bãi rác thành vườn hoa; đổi chất thải rắn sinh hoạt lấy nhu yếu phẩm...

Kết quả, TX.Dĩ An đã thu gom được 323,64 tấn chất thải hữu cơ (tương đương 32 chuyến xe). Riêng phong trào đổi vỏ hộp sữa lấy dụng cụ học tập, chỉ sau 3 tuần phát động trong tháng 5-2019 tại 8 điểm trường trên địa bàn, thị xã đã thu gom được 1.083 kg vỏ hộp sữa.

Ông Võ Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TX.Dĩ An, khẳng định thực hiện kế hoạch này địa phương không chi tiền và cũng không biết chi từ mục nào, nhưng yêu cầu của chương trình thì rất bức thiết đối với địa phương. UBND thị xã quyết định triển khai kế hoạch theo hướng xã hội hóa, theo đó đã kêu gọi, vận động doanh nghiệp đóng góp được 350 triệu đồng để “nhóm lửa” phong trào.

UBND thị xã đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra đến từng hộ dân kiểm tra việc phân loại tại nguồn. Qua kiểm tra của các đoàn, hộ nào phân loại không đạt yêu cầu thì phải phân loại lại; nếu để tái diễn đoàn kiểm tra sẽ lập biên bản và không thu gom rác của hộ đó. Đối với đơn vị thu gom, nếu thu gom không đúng cam kết, không chuyên chở rác theo đúng phân loại địa phương sẽ thay thế đơn vị mới.

“Đã nói là kế hoạch thì phải có lộ trình thực hiện. Khi phê duyệt kế hoạch, UBND thị xã bám sát lộ trình để kiểm tra; hộ nào, cá nhân nào, tập thể nào làm tốt thì kịp thời biểu dương, khen thưởng bằng nhiều cách, nhiều hình thức để vừa cổ vũ động viên vừa kích thích lan tỏa phong trào, tấm gương người tốt việc tốt. Ngược lại, những cá nhân, tập thể nào ở thị xã không làm đúng cam kết thì cũng phải kiểm điểm, xử lý đúng quy định và công khai ra. Tôi chắc chắn sẽ không ai muốn mình bị nêu tên trong trường hợp này”, ông Tuấn đúc kết kinh nghiệm.

Theo ông Nguyên, để chương trình đạt kết quả cao cần có chính sách động viên, hỗ trợ kịp thời người làm tốt. Bên cạnh đó, ngoài khen thưởng, cũng nên miễn phí tiền rác cho các hộ đã phân loại tốt.

 Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết để làm tốt chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn cần học tập kinh nghiệm ở nhiều nơi, nhưng mỗi nơi phải suy nghĩ, tìm cách để áp dụng cho phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương mình. Kế hoạch chung đã rõ, các địa phương phải tìm cách áp dụng cho hợp lý theo hướng cái gì dễ làm trước, để thấy được sự đúng đắn và sức thuyết phục của chương trình. Ví dụ, những nơi tập trung đông người, dễ áp dụng thì thực hiện chương trình, kế hoạch trước để làm gương và phát triển phong trào là đội ngũ cán bộ công chức Nhà nước, các đoàn thể, trường học.

UBND tỉnh sẵn sàng hỗ trợ chủ trương như vốn vay ưu đãi để mua sắm thiết bị giúp các địa phương làm tốt nhiệm vụ phân loại rác thải tại nguồn.

 DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=536
Quay lên trên