Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020: Tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội

Cập nhật: 15-12-2020 | 07:53:02

UBND tỉnh chuẩn bị tổ chức tổng kết chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) Nhà nước giai đoạn 2011-2020 và định hướng giai đoạn 2021- 2030. Trong 10 năm qua, Bình Dương đã có nhiều nỗ lực trong CCHC và đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận.

Đề án thí điểm thành lập hệ thống đường dây “nóng” của tỉnh nhằm tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp giai đoạn 2018-2020 đã góp phần quan trọng trong việc tạo tương tác để giải quyết TTHC nhanh chóng cho người dân, tổ chức

Góp phần cải thiện môi trường đầu tư

Trong 10 năm qua, công tác CCHC được cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên quan tâm và chỉ đạo sâu sát. Các cấp, các ngành luôn xem công tác CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt trong quản lý, điều hành; công tác triển khai, kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ CCHC theo chương trình, kế hoạch của Trung ương và địa phương luôn được đặt lên hàng đầu. Điểm nổi bật trong CCHC giai đoạn 2011-2020 là việc xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm Hành chính tập trung tỉnh, hướng đến xây dựng một nền hành chính tập trung, thống nhất, thông suốt, minh bạch, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

Bên cạnh đó là việc thí điểm thành lập Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh, Trung tâm Phục vụ hành chính công TP.Thủ Dầu Một, bộ phận một cửa hiện đại cấp huyện như: TP.Thuận An, TP.Dĩ An, TX.Tân Uyên, TX.Bến Cát… đã có những giải pháp, cách làm hay sáng tạo được người dân, doanh nghiệp (DN) ghi nhận và đánh giá cao.

Ông Lý Văn Đẹp, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết trong những năm qua, nhiều mô hình, sáng kiến trong CCHC của tỉnh đã được ghi nhận và người dân, tổ chức đồng thuận, hài lòng, đánh giá cao, như: Mô hình “Chính quyền thân thiện của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” và “Công sở thân thiện vì nhân dân phục vụ”; thanh niên tình nguyện, hướng dẫn người dân, tổ chức trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) tại trung tâm hành chính công.

Tỉnh đã tổ chức thí điểm tiếp nhận hồ sơ tại nhà, tại DN đối với một số TTHC thông qua dịch vụ bưu chính công ích; thực hiện Đề án thí điểm bố trí nhân viên bưu điện tại bộ phận “một cửa” của UBND cấp xã thuộc TP.Thủ Dầu Một để thực hiện dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC các cấp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018- 2020. UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện tốt việc thí điểm liên thông TTHC; Đề án thí điểm thành lập hệ thống đường dây “nóng” để tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, DN giai đoạn 2018-2020…

“Tất cả những chỉ đạo của UBND tỉnh trong công tác CCHC và các cách làm hay ở từng địa phương đã góp phần cải thiện vào thành công chung trong công tác CCHC, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, là “cú hích” tạo động lực cho kinh tế - xã hội phát triển bền vững”, ông Lý Văn Đẹp cho biết.

Triển khai các đề án chiến lược

Trong 10 năm qua, UBND tỉnh đã ban hành những văn bản phù hợp với điều kiện, đặc điểm tình hình cụ thể của tỉnh trên cơ sở hệ thống pháp luật và những quy định của Trung ương; tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách TTHC nhằm giải quyết tốt hơn cho người dân, DN theo hướng nhanh gọn, thuận lợi, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ phát triển DN. Tỉnh cũng thực hiện tốt công tác cải cách thể chế, xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý thống nhất, đồng bộ và khả thi, ban hành các chính sách phù hợp, đúng chủ trương, đúng pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế để pháp luật đi vào cuộc sống trên tất cả các lĩnh vực. Qua đó, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Tại kỳ họp HĐND tỉnh mới đây, ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các cơ quan Nhà nước và phục vụ người dân, DN của tỉnh đã có bước phát triển vượt bậc. Đến nay, xếp hạng ứng dụng CNTT của Bình Dương đứng thứ 4/63 tỉnh, thành phố; 100% phần mềm quản lý văn bản các cấp kết nối với trục liên thông văn bản điện tử của Chính phủ; cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã kết nối đồng bộ một số tính năng với cổng dịch vụ công quốc gia; hoàn thiện giải pháp kỹ thuật các kênh thanh toán trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt tại Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện.

Xuất phát từ yêu cầu CCHC và định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã cần thực hiện tốt việc tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác xây dựng và thực thi các văn bản quy phạm pháp luật, trọng tâm là nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ. Song song đó là xây dựng, triển khai các đề án mang tính chiến lược về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23-4- 2018 của Chính phủ; kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh, bộ phận một cửa hiện đại cấp huyện và cấp xã; tích cực đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; xác định rõ vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập…

HỒ VĂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=568
Quay lên trên