Chuyện của những người “làm dâu trăm họ”

Cập nhật: 12-11-2021 | 09:50:36

Mỗi cuộc hòa giải thành tưởng rằng đơn giản nhưng nó là một quá trình cố gắng, tâm huyết với công việc của những người làm công tác hòa giải. Đôi khi hòa giải viên phải nhận lấy những bực dọc mà “đương sự” trút vào, nhưng họ cảm thấy vui khi hòa giải thành.


Ông Phan Văn Lia (áo trắng bên trái) trò chuyện cùng những người dân trong khu phố Bình Hòa 2 để giữ hòa khí tình làng nghĩa xóm

Việc lớn hóa nhỏ

Theo hẹn, khi chúng tôi đến Văn phòng khu phố Bình Hòa 2, phường Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên gặp ông Phan Văn Lia, trưởng khu phố đúng lúc ông đang trò chuyện với những người hàng xóm đang “khó chịu” với nhau suốt mấy tháng qua.

Không hỏi thẳng vào “chuyện không vui” của những người hàng xóm, ông Lia nhẹ nhàng nói chuyện thời sự, chuyện tình làng nghĩa xóm rồi “đá” qua tình hình trong khu phố nhằm mục đích… câu giờ làm dịu cơn giận của hai người hàng xóm. Khi được có ý kiến, bà Nguyễn Thị L. yêu cầu ông Hai Lia nhắc nhà bên cạnh không được để nước chảy tràn ra đường; nhắc nhở người ở trọ không nên gây ồn ào. Bà L. vừa dứt lời thì bà Trần Thị H. phản pháo: Nước xả ra đường là nước trong hồ đồ chơi có đáng gì đâu, xả ra đường nó tự rút! Nhà trọ nơi có người thì phải cho họ nói chuyện chứ, bắt họ im mãi sao được!”.

Thấy căng, ông Hai Lia góp ý “Chuyện nước đổ ra đường thì để tôi khắc phục. Nhà tôi còn ống dây, chiều đem sang cho. Sau khi các cháu tắm xong mình nối dây cho nó chảy xuống cống trong nhà cho sạch sẽ. Chuyện nhà trọ tôi sẽ đích thân ghé thăm mọi người rồi nói chuyện tí là ổn. Yên tâm đi, mấy chuyện nhỏ này bỏ qua cho nhau, hàng xóm với nhau ra vô gặp mặt nên mỗi người mở lòng một chút!”.

Rồi ông phân tích lẽ phải, tình làng nghĩa xóm. Trước những lời nói thấu tình của ông trưởng khu phố, bà L. và bà H. cũng mở lòng xin lỗi nhau và cùng vui vẻ như chưa có chuyện đã từng căng thẳng.

Ông Hai Lia tâm sự “Năm nay tôi đã 70 tuổi, có 20 năm làm công tác hòa giải với hàng ngàn vụ việc. Có nhiều buổi nói chuyện thân tình với bà con ở khu phố, họ buồn vui hay thắc mắc gì cũng tìm đến tôi để chia sẻ. Cũng nhiều lần chứng kiến cảnh bà con làng xóm cãi vã vì tranh chấp lối đi chung, đất đai; trong gia đình thì tranh chấp chia thừa kế, hôn nhân vợ chồng rạn nứt nên tôi tự nhủ mình cần phải cố gắng hơn nữa để đem lại hòa thuận đến với mỗi gia đình, giữ cho được cái bình yên của “tình làng nghĩa xóm”. Đây cũng là động lực và niềm vui khi hòa giải thành công để tôi gắn bó với công việc này”.

Nói về tầm quan trọng của việc hòa giải cơ sở, ông Đỗ Hữu Trí, Phó trưởng phòng Tư pháp TX.Tân Uyên cho biết, thị xã hiện có 70 tổ hòa giải với 590 hòa giải viên. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, các văn bản pháp luật luôn được cập nhật kịp thời đến các hòa giải viên. Qua đó phát huy vai trò của đội ngũ hòa giải viên tại cơ sở để giải quyết những tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, hạn chế được lượng đơn thư phải chuyển lên cấp trên. Thời gian qua, các tổ hòa giải trên địa bàn đã tiếp nhận và hòa giải 77/77 đơn. Kết quả hòa giải thành công được 74/77 đơn, đạt tỷ lệ 96,1%.

Công việc “làm dâu trăm họ”

Theo lời giới thiệu của Phòng Tư pháp TP.Dĩ An, P.V có dịp gặp và trao đổi với bà Nguyễn Thị Bé Ba, một điển hình trong công tác hòa giải tại khu phố Tân An, phường Tân Đông Hiệp (TP.Dĩ An). Ở tuổi 65, với kinh nghiệm hơn 10 năm tham gia hòa giải nhiều tranh chấp lớn nhỏ trong khu phố, bà chia sẻ làm công việc này như “làm dâu trăm họ”, phải là người chịu khó, kiên nhẫn chứ không có cuộc hòa giải nào giống cuộc nào. Chưa kể là khi nghe người dân báo có xung đột, tranh chấp thì mình phải bỏ việc nhà mà chạy cho nhanh việc xóm, nếu chậm trễ có khi dẫn đến xô xát.

Lần giở những câu chuyện đã qua, bà Ba kể bà nhớ mãi là lần hòa giải tranh chấp giữa hai mẹ con mà bà phải nhờ đến công an khu vực “trực chiến” bên ngoài để ứng cứu nếu có tình huống xấu. Nội dung vụ việc xuất phát từ tranh chấp chỗ làm của hai mẹ con nhưng dẫn đến hậu quả là “không nhìn mặt nhau”. Theo bà Ba, nhiều hàng xóm đã khuyên nhủ nhưng người con quá dữ dằn, không nghe lời ai khuyên can. Ai đến khuyên can cô cũng đòi đánh, vì vậy mọi người đều lánh mặt.

Sau khi nhận được thông tin, bà đích thân đến nhà gặp nhưng bị đuổi về vì cho rằng “đây là việc của gia đình, để gia đình tôi tự giải quyết”. Lúc này bên ngoài có cảnh sát khu vực sẵn sàng vào can thiệp nếu xảy ra tình huống xấu. Tuy nhiên qua quan sát, thấy cô gái này rất thương con, từ đó bà đã khai thác tình mẫu tử trong gia đình. Không ngờ cô gái nhanh chóng thay đổi thái độ và chấp nhận nghe lời “cô Ba” khuyên nhủ. Ròng rã suốt một tháng trời tới lui, phân tích đúng sai, cuối cùng bà đã thay đổi được suy nghĩ và cả hành động của cô con gái dành cho mẹ. Đến nay hai mẹ con hòa thuận và vui vẻ lắm.

Mới đây khu phố lại có chuyện tranh chấp lối đi chung giữa hai gia đình, lần này bà Ba đã đến tận nơi nắm bắt sự việc để hòa giải. Theo bà Ba, hòa giải không phải lúc nào cũng dắt nhau tới khu phố, đa phần là nắm bắt sự việc và hòa giải tại chỗ. Người hòa giải cần phải linh hoạt, biết vận dụng và kết hợp hài hòa giữa luật và thực tế. Trong tổ, khu phố hàng ngày có biết bao nhiêu là việc, từ chuyện đổ rác, để xe đến trồng cái cây cũng có chuyện nên người làm công tác hòa giải cần gần gũi nắm bắt tâm tư nguyện vọng của mọi người.

Là người hòa giải thành nhiều vụ nhưng bà Ba luôn mong muốn cộng đồng dân cư luôn được hòa thuận, vui vẻ, đoàn kết; tình làng nghĩa xóm được coi trọng để góp phần vào sự phát triển chung của xã hội.

Theo Sở Tư pháp tỉnh, hiện nay công tác hòa giải cơ sở đã được nhiều kết quả đáng mừng, nhiều vụ việc phức tạp liên quan đến tranh chấp tài sản được hòa giải thành, góp phần thắt chặt tình làng nghĩa xóm, giảm áp lực cho các cơ quan chức năng. Từ đầu năm đến nay, các tổ hòa giải cơ sở tiếp nhận 655 đơn, tăng 31 đơn so với cùng kỳ năm 2020. Đưa ra hòa giải 641/641 đơn đạt 100%. Trong đó hòa giải thành được 541/641 đơn đạt 86% tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, ngoài hòa giải trong khu dân cư thì công tác hòa giải ở các doanh nghiệp cũng được chú trọng. Ông Bùi Công Hoan, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật công đoàn tỉnh cho biết, hiện trung tâm tư vấn pháp luật đang tiếp nhận các thắc mắc của người lao động qua các kênh như: Điện thoại, đường dây nóng, Zalo, Facebook hoặc đến trực tiếp. Trung bình mỗi tháng giải đáp từ 350 - 400 cuộc về chính sách lao động, việc làm tiền lương, ngày nghĩ, các chế độ của người lao động. Sau khi hỗ trợ giải đáp các thắc mắc, nếu người lao động có nhu cầu làm đơn gửi cơ quan chức năng thì trung tâm sẽ làm giúp, đây cũng là cơ sở pháp lý để giúp người lao động bảo vệ quyền lợi của mình.

Trong khi đó ông Lê Minh Hoàng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TX.Tân Uyên cho biết khi vào cuộc hòa giải, cán bộ đến tận nơi, gặp gỡ, lắng nghe, phân tích đúng, sai, khuyên nhủ nhẹ nhàng và luôn tôn trọng lời trình bày của hai bên. Cán bộ hòa giải phải cố gắng kiềm chế sự bực bội trước những lời nói không hay, mất thiện cảm. Bên cạnh đó, để hòa giải thành công, người làm công tác hòa giải phải tìm hiểu am hiểu pháp luật, gần gũi với người lao động.

QUỲNH ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=875
Quay lên trên