Mang trong mình nhiệt huyết tuổi trẻ, lớp thanh niên Bình Dương sau ngày giải phóng hăng hái lên đường vượt sóng, vượt gió tới đảo Gạc Ma. Những người lính đảo kiên cường năm xưa đã góp một phần công lao của mình vào nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc. Rời tay súng trở về, họ lại là những tấm gương làm kinh tế, sản xuất, kinh doanh giỏi để khẳng định lòng nhiệt huyết vì Tổ quốc không bao giờ nhạt phai.
Gạc Ma - Ký ức hào hùng
Tháng 7 - tháng tri ân, chúng tôi tìm gặp chú Trần Văn Phước, thương binh 4/4 (khu phố 7, phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một) để được nghe chú kể lại những ngày tháng oai hùng của người lính đảo. Cuốn hút vào câu chuyện, hiển hiện trước mắt chúng tôi hình ảnh đảo Gạc Ma là một rạn san hô thuộc cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa. Nơi đây các chiến sĩ thuộc Trung đoàn 83 Hải quân công binh đã từng đóng quân xây dựng và bảo vệ đảo. Đôi mắt xa xăm, chú Phước kể lại: “Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, ngày 30-7- 1979 theo tiếng gọi quê hương, lớp thanh niên Bình Dương hăng hái lên đường bảo vệ Tổ quốc, tới đảo Gạc Ma. Lúc ấy, nhiệm vụ của anh em trong Trung đoàn 83 Hải quân công binh là xây dựng và bảo vệ đảo. Cuộc sống của anh em lính đảo thiếu thốn trăm bề, nhất là rau xanh”.
Chú Trần Văn Phước và chú Nguyễn Văn Long đang ôn lại ký ức hào hùng của người lính đảo
Nói về cuộc sống khó khăn của người lính đảo, chú Nguyễn Văn Long, thương binh 4/4 (khu phố 7, phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một) vẫn còn nhớ mãi cuộc sống khắc nghiệt ấy. Giọng kể chầm chậm, chú Long cho biết: “Năm 1979, tôi và một số anh em khác ở Bình Dương đóng quân ở vịnh Cam Ranh. Nhiệm vụ của tôi là đổ bê tông cốt thép, cắm cờ bảo vệ chủ quyền đất nước. Một năm chúng tôi ra đảo 3 lần và ở lại từ 1 - 2 tháng. 2 năm không thấy bóng dáng người. Mỗi tháng, đơn vị cấp cho mỗi người 21kg gạo, nước ngọt được phát theo tiêu chuẩn và phải uống dè sẻn từng ngụm một. Anh em trong đơn vị quý nước như quý vàng nên mỗi lần tắm chỉ lấy khăn ướt thấm lên người”.
Cuộc sống đổi thay
Như bao anh bộ đội khác, phục viên trở về với ý chí của người lính đã thôi thúc họ quyết tâm xây dựng kinh tế trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình. Từ một người lính đảo chỉ quen với biển dập sóng dồn, trở về đời thường xây dựng kinh tế mới thấy khó khăn. Năm 2002, Công ty TNHH Thành Thái do chú Phước làm chủ được thành lập với ngành nghề là sản xuất ván lạng, ván ép, trang trí nội thất bằng gỗ. Doanh thu hàng năm của công ty đạt từ 7 - 8 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước mỗi năm hơn 100 triệu đồng. Công ty có khoảng 60 công nhân lao động kỹ thuật có tay nghề biết sử dụng thành thạo công nghệ hiện đại. Mức lương bình quân của công nhân khoảng 8 triệu đồng/người/tháng và các chế độ chính sách khác.
Xuất ngũ trở về, chú Nguyễn Văn Long theo nghiệp truyền thống gia đình làm nghệ nhân sơn mài. Tích lũy số vốn kha khá, chú Long quyết định đầu tư làm nhà nuôi yến. Nhờ chịu khó làm ăn nên đến nay kinh tế gia đình chú Long tương đối khá, gia đình hạnh phúc, con cháu hiếu thảo.
Từ những người lính đảo lăn lộn trong chiến trường, trở về cuộc sống đời thường họ lại là người lính trên mặt trận kinh tế. Thành quả của những người lính có được như hôm nay một phần nhờ sự quan tâm, chăm lo chu đáo của các cấp, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh với các đối tượng chính sách, gia đình có công.
Trong năm qua, Bình Dương đã thực hiện đồng bộ các chính sách chi trả chế độ, mua bảo hiểm y tế, ưu đãi về giáo dục - đào tạo, dạy nghề, chăm sóc sức khỏe cho người có công. Trong 6 tháng năm 2019, tỉnh đã chi cho công tác chăm sóc người cócông hơn 81 tỷđồng, giải quyết 1.392 hồ sơ chính sách các loại. Hiện nay, 99,90% người cócông trong tỉnh cómức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân cư nơi cư trú. Trong tổng số6.278 hộgia đình chính sách cótới 1.206 hộgiàu, 2.125 hộkhá. Đặc biệt, tỉnh cũng đã xóa bỏ việc phân biệt giữa trường công lập và trường tư thục trong xem xét trợ cấp ưu đãi giáo dục - đào tạo. Bên cạnh đó, tỉnh cũng lồng ghép các chính sách đào tạo nghề, khuyến khích các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp đóng trên địa bàn ưu tiên tuyển dụng con thương binh, liệt sĩ vào làm việc.
Những việc làm thiết thực này đãgiúp các đối tượng chính sách vươn lên trong cuộc sống, xứng đáng với danh hiệu “Gia đình cách mạng gương mẫu”.
KIM HÀ