Chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính: Cần “nhập vai” người dân, doanh nghiệp để khảo sát

Cập nhật: 30-03-2023 | 09:10:52

Công tác chuyển đổi số (CĐS) của tỉnh đã đạt được nhiều thành quả, nhất là CĐS trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Tuy nhiên, nhìn từ thực tế cho thấy người dân, doanh nghiệp hiện nay khi thực hiện TTHC trên nền tảng số vẫn còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc...

Nhiều vướng mắc

Nhiều người dân phản ánh thực tế còn rất nhiều khó khăn khi thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến đối với các TTHC đủ điều kiện thực hiện ở mức độ 3, mức độ 4. Ông Nguyễn Anh Duy, ngụ huyện Bàu Bàng, cho biết ông vừa làm TTHC cấp phiếu lý lịch tư pháp trên môi trường mạng. Ông tìm hiểu và thực hiện trong nhiều ngày mới làm xong, trong đó có sự trợ giúp, hướng dẫn tận tình của bạn ông là người am tường công nghệ thông tin mới thực hiện được. Bà Trần Thị Mỹ Loan, ngụ phường An Thạnh, TP.Thuận An cũng cho biết bà tìm hiểu TTHC thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia và của tỉnh, làm TTHC lĩnh vực đăng ký kinh doanh nhưng hồ sơ nộp trực tuyến cứ trả về hoài do tắc nghẽn mạng liên tục từ hệ thống xử lý. Bí quá, bà điện thoại cho người có chuyên môn nhờ giúp đỡ. “Do nhu cầu cần nên đơn vị tôi thường xuyên làm hồ sơ trực tuyến để giảm đi lại nhưng hệ thống xử lý tiếp nhận TTHC trên hệ thống vẫn có rất nhiều vướng mắc, có khi làm cả ngày không được”, Bà Loan cho biết.

Cán bộ phường Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên hướng dẫn người dân tạo tài khoản giải quyết TTHC

Ghi nhận chung cho thấy, hiện nay nhiều địa phương đã vào cuộc hỗ trợ người dân trong công tác giải quyết TTHC trên môi trường mạng, nhưng cũng có địa phương còn lơ là, thiếu hướng dẫn người dân làm TTHC mức độ 3, mức độ 4. Khi người dân không hiểu thì không biết hỏi ai, điện thoại đường dây nóng thì chỉ được hướng dẫn chung chung hoặc hẹn có ghi nhận ý kiến chuyển cơ quan chức năng trả lời sau. Nhiều khó khăn khác như cách ghi biểu mẫu trong các tờ khai sao cho đúng; việc scan nộp hồ sơ; chưa có sim chính chủ… Những nguyên nhân rất nhỏ nhưng cũng cần có đội ngũ hướng dẫn cho người dân thì mới có thể đẩy nhanh quá trình CĐS.

Khảo sát thực tế

Theo các chuyên gia nhận định, CĐS trong TTHC là rất phức tạp. Bởi CĐS không chỉ là phần cứng, phần mềm mà còn cả yếu tố con người. Chỉ cần một yếu tố không vào đúng “đường ray” là cả hệ thống sẽ đình trệ. Điều ấy cũng có nghĩa là nếu CĐS chỉ tập trung vào mua sắm máy móc hay thuê lập trình và báo cáo số TTHC giải quyết trên môi trường mạng là chưa đủ mà cần phải có một phương pháp, cách thức quản lý theo chất lượng đầu vào, đầu ra của cả quá trình CĐS, giải quyết TTHC trên nền tảng số.

Các chuyên gia và người dân, doanh nghiệp cũng đề nghị cần thành lập một đội khảo sát về TTHC điện tử. Đội này sẽ “vào vai” người dân, doanh nghiệp. Họ cũng đi làm TTHC, cũng nộp hồ sơ, cũng đợi phiếu hẹn, điều chỉnh, bổ sung hồ sơ và lấy kết quả... mà không phải nhờ cậy bất kỳ ai. Sau đó, họ sẽ báo cáo thực chất quá trình CĐS trong TTHC đang ở đâu, vướng mắc chỗ nào. Từ đó có các kiến nghị gửi cơ quan chức năng của tỉnh để bổ sung vào các nhiệm vụ chi tiết và nhiệm vụ chung trong cải cách TTHC để xử lý giải quyết TTHC trên môi trường mạng tốt hơn.

Nhiều kiến nghị cũng cho rằng, tỉnh cần thành lập đoàn điều tra, khảo sát độc lập để người dân và doanh nghiệp từng làm TTHC phản hồi, có ý kiến. Các điều tra này cần được làm khoa học, chọn mẫu ngẫu nhiên, giữ bí mật danh tính người tham gia để tìm hiểu khó khăn, vướng mắc chung của cả hệ thống mạng, đường truyền và cả con người phục vụ CĐS. Từ đó có những tham mưu hợp lý cho tỉnh thực hiện tốt nghị quyết về CĐS… 

Theo kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, kiến thức về CĐS của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ, công chức cấp xã còn chưa được trang bị đầy đủ. Từ đó làm cho nhận thức về CĐS chưa cao. Các chương trình, kế hoạch về CĐS chưa xác định được ngành, lĩnh vực cần ưu tiên, tập trung phù hợp với thực tiễn của từng địa phương, điều kiện và năng lực của xã hội. Một số sở, ngành, địa phương chưa xây dựng kế hoạch thực hiện CĐS theo báo cáo của UBND tỉnh; một số chỉ tiêu trong kế hoạch CĐS chưa được tập huấn, hướng dẫn và phương pháp đánh giá, khảo sát định kỳ gây khó khăn cho cơ sở trong quá trình thực hiện. Trước những thực tế này, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị UBND tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương quan tâm để công tác CĐS của tỉnh thành công.

HỒ VĂN - KHẮC TUẤN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=793
Quay lên trên