Từng rơi vào cơn bĩ cực, bị gãy cả hai tay, bản thân mù lòa, những tưởng cuộc đời đến đây là ngõ cụt, thôi thì phó mặc cho số mệnh. Và chính trong những ngày buồn tủi đó, ông đã tìm được lối ra cho mình - sáng tác thơ nhạc. Trong ngôi nhà nhỏ xinh xắn, khang trang ở phường An Thạnh (TX.Thuận An), nhạc sĩ khiếm thị Mai Minh Thiện (SN 1949) đã tâm sự về cuộc đời mình.
Vượt qua bóng tối
Bị mù do bệnh sởi từ năm lên 4 tuổi, cậu bé Mai Minh Thiện vẫn hồn nhiên, lạc quan với lời hứa mắt sẽ sáng lại khi con lên 20 tuổi của cụ thân sinh. Đồ đạc, máy móc để lâu ngày không sử dụng thì nó cũng bị mục, bị gỉ sét huống chi là con mắt. Đến năm 20 tuổi, khi cụ thân sinh đưa cậu đến phòng khám của một bác sĩ nổi tiếng ở Sài Gòn thì biết rằng đã quá muộn cho việc điều trị. Mắt của Mai Minh Thiện không thể sáng lại được. “20 tuổi, cái tuổi với biết bao mộng mơ, hoài bão, lời kết luận của bác sĩ như tiếng sét nổ sầm bên tai, đóng chặt tất cả những cánh cửa hy vọng của tôi. Nhưng khi nghĩ có nhiều người đang sáng mắt bị tai nạn mà mất đi đôi mắt mới đáng thương hơn, nên nỗi buồn của mình cũng dần dần nguôi ngoai” - ông Mai Minh Thiện kể về kỷ niệm buồn thời trai trẻ của mình.
Ông Mai Minh Thiện (người thứ hai từ phải qua) nhận giải thưởng tại Hội thi Tiếng hát từ trái tim
Ông tâm sự: “Bởi vì trước đó mình cũng đã quen với cuộc sống trong bóng tối nên cũng không buồn nhiều cho lắm. Gia đình rất yêu thương mình, luôn hết lòng hỗ trợ mình và các thầy cô, bạn bè ở Trường Nam sinh mù Chợ Lớn (nay là trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, Sài Gòn) cũng rất tốt với mình”. Năm 8 tuổi ông được một người bạn của cha giới thiệu vào Trường Nam sinh mù Chợ Lớn. Tại đây, ông được học chữ nổi - chữ Braille. Đây là hệ thống chữ nổi được đa số người mù và người khiếm thị sử dụng. Chữ Braille được Louis Braille phát minh năm 1821. Mỗi chữ Braille được tạo thành từ 6 điểm, các điểm này được sắp xếp một trong khung hình chữ nhật gồm 2 cột và 3 dòng. Tập hợp các điểm nổi/chìm trong 6 vị trí sẽ tạo ra một bộ 64 kiểu.
Tuy mù nhưng ông rất sáng dạ, chỉ trong 2 tuần đã học xong chương trình lớp 1. Ông tâm đắc kể rằng: “Còn nhớ hồi đó trong 2 năm liền tôi được tuyên dương 3 lần là học sinh gương mẫu”. Song song với việc học văn hóa, ông còn được trường dạy nhạc và đào tạo nghề làm chổi. Việc bó chổi với người bình thường đã khó, với người mù khó gấp trăm lần. Lúc mới học thường bị những sợi kẽm đâm vào tay chảy máu. Rồi những vết cắt ấy chưa lành thì những vết khác lại hằn lên, cứ thế đôi bàn tay cậu học trò nhỏ cứ chai sần thêm đến độ cầm bút viết chữ cũng cứng đơ luôn. Những lúc như thế ông không thấy đau mà cảm thấy vui vì mình đã rút ra thêm một bài học và quyết tâm học làm cho giỏi như các bạn khác. Với người mù ở Trường Nam sinh mù Chợ Lớn, làm chổi cũng là một môn học phải vượt qua. Để tốt nghiệp cấp 1 thì phải thi đậu môn làm chổi, phải làm được 6 cây chổi trong thời gian quy định thì mới đậu.
Dẫu mù nhưng lòng vẫn sáng theo từng nốt nhạc
Trải qua nhiều lận đận nên đến gần ngày giải phóng miền Nam ông mới tốt nghiệp tú tài. Ông kể, nguyên nhân một phần là do chiến tranh, mặc khác là do tài liệu học cho người mù còn hạn chế, không những thế chế độ thi cho người mù càng khó khăn hơn. Nếu thời gian thi là 60 phút thì người mù chỉ làm được trong 45 phút. 15 phút còn lại là khoảng thời gian đọc bài cho giám thị viết lại bài làm của mình.
Sau giải phóng, ông Thiện về quê nhà ở Bình Dương sinh sống. Nghe tiếng ông từng học nhạc ở Sài Gòn nên nhiều người tới hỏi xin chỉ dạy. Rồi ông trở thành thầy đờn lúc nào không hay. Bằng sách Bài tập ký tự âm nhạc do Permettant (người Pháp) viết, ông đã dạy cho biết bao thế hệ học trò những bản nhạc từ vỡ lòng đến nâng cao về đàn dương cầm (Piano) và đàn vĩ cầm (Violon). Đây là sách dành cho giáo viên khiếm thị dạy cho người bình thường, cho nên những nốt nhạc trong sách được viết theo 2 kiểu, kiểu bình thường cho người sáng và bằng chữ nổi cho người khiếm thị. Vì vậy, người bình thường rất dễ lĩnh hội. Rồi ông cưới vợ theo sự sắp xếp của gia đình, có với nhau 2 người con trai. “Hạnh phúc với tôi như thế là quá tuyệt vời”, ông chia sẻ.
Năm 1984, hưởng ứng theo chủ trương của Nhà nước, ông mở Hội người mù tại nhà. Với sự hỗ trợ kinh phí từ gia đình và chính quyền địa phương, vừa mở lớp dạy chữ nổi vừa mở thêm lớp dạy nghề cho hội viên. Đối với các hội viên, ông là một người thầy rất tận tâm, lúc nào cũng tận tụy hướng dẫn, giúp đỡ từ cái chữ cho đến tay nghề để có thể tự nuôi sống bản thân. Những khi không có nguyên liệu làm chổi, ông kêu vợ chở đi tìm mua cây bàng buông ở Đồng Nai. Chổi do các hội viên làm ra được ông đi chào bán ở khắp mọi nơi. Thương cho hoàn cảnh của ông, địa phương đã xây dựng trụ sở và bầu ông làm Chủ tịch Hội Người mù huyện Thuận An. Trong 16 năm làm Chủ tịch Hội Người mù của huyện, ông đã giúp cho nhiều hội viên cải thiện được đời sống, giúp họ xua đi nỗi mặc cảm tật nguyền, vươn lên khẳng định bản thân. Không còn làm chủ tịch của Hội Người mù huyện Thuận An, ông đi dạy chữ nổi và dạy nhạc ở Trung tâm Nhân đạo Quê Hương. Được một thời gian thì bị bệnh nặng phải nghỉ dạy. Sau khi khỏi bệnh ông đi dạy nhạc cho người mù, người khuyết tật vận động (liệt chi dưới) ở Trung tâm Hướng nghiệp Kỳ Quan 2 (quận 12, TP.HCM).
Chắp cánh đam mê
Đam mê âm nhạc từ năm lên 8 tuổi. Khi đi học ở Trường Nam sinh mù Chợ Lớn, nghe tiếng đàn Mandolin vừa vui vừa lãng mạn, ông đã xin theo học. “Những ngày mới học, đàn hoài không được, tôi đã xin sờ tay của thầy xem có gì mà đàn hay quá. Thì ra đầu ngón tay thầy chai cứng. Nghĩ thế nên tôi đã nhúng các ngón tay vào nước sôi để tạo vết chai cứng. Giờ nghĩ lại sao mà dại quá”, ông Thiện tâm sự.
Tốt nghiệp cấp 1, ông được học nhạc ở trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn. Rồi lấy bằng tốt nghiệp khóa vĩ cầm và dương cầm, khóa Nhạc pháp chuyên môn. Với những tấm bằng này, ông đã có thể sáng tác, hòa âm, phối khí các bài hát được rồi, nhưng vì vừa dạy học, dạy nghề, vừa làm công tác Hội Người mù, nên việc sáng tác của ông chỉ mới thực hiện gần đây. Đặc biệt là trong những ngày nằm viện vì bị gãy hai tay.
Ông Thiện kể lại cơn ác mộng thứ hai của cuộc đời mình, hôm đó là ngày đầu tiên đi học vi tính. Sau khi tan học, do tránh các cháu học sinh nên tôi không biết mình đã ở ngay bậc cầu thang. Thế là tôi ngã một cú thật đau tại cầu thang lầu ba. Khi biết cả hai tay bị gãy, tôi nghĩ không có đôi mắt đã là mất nửa cuộc đời, giờ mất thêm đôi tay nữa thì cuộc đời đến đây là ngõ cụt, thôi thì phó mặc cho số mệnh, tới đâu hay tới đó. Rồi trong những ngày hai tay bị bó bột, những vần thơ, ý nhạc lại trào dậy trong tôi. Nó như liều thuốc tinh thần giúp tôi vượt qua nỗi đau thể xác.
Theo lời ông, lúc đầu sáng tác vì muốn có bài hát mới cho các em thiếu nhi trong gia đình phật tử nên hầu hết đều viết về Phật giáo. Những năm sau này những bài hát về gương người mù, sự phát triển của quê hương, kêu gọi lòng yêu nước, giữ gìn biển đảo Trường Sa... Qua những bài hát, tôi muốn gửi thông điệp: “Các bạn trẻ nên có những văn hóa lành mạnh để làm nền tảng cho thế hệ mai sau. Nếu văn hóa thông tin phát triển thì sẽ đánh bại những tệ nạn mà báo đài đang lên án”. Bí mật được ông bật mí về cách sáng tác của mình như sau: “Mỗi khi có ý tưởng sáng tác tôi dùng điện thoại ghi âm lại, sau đó trong quá trình viết lại, tôi gọt giũa cho tác phẩm tròn trịa hơn”.
Thành quả của người đàn ông SN 1949 này tuy ít nhưng đa số được chọn đi thi và đều có giải thưởng. Có bài còn được chọn đăng trong cuốn Dòng điện Thác Mơ như tác phẩm đầu tay Quê hương Sông Bé. Không mắt bắt trộm đoạt giải tại hội thi Tiếng hát từ trái tim tỉnh Bình Dương lần thứ nhất. Thuận An ngày nay đoạt giải tại hội thi Tiếng hát từ trái tim lần thứ tư (2011)... Và mới đây ông vừa cho ra đời Xây dựng Đảo Tây, là một bài hát viết về Trường Sa thân yêu.
Ý chí và nghị lực vươn lên của ông đã trở thành tấm gương sáng để các con học tập. Con trai lớn sau khi tốt nghiệp đại học đã làm việc cho Công ty Xổ số kiến thiết Bình Dương. Còn người con trai thứ hai thì làm trình dược viên tại TP.HCM. Cả hai đều đã có gia đình và thành đạt là niềm hạnh phúc mà lúc nào ông cũng cho rằng “chắc chỉ có trong mơ”.
Tham gia hội thi Tiếng hát từ trái tim do Tỉnh hội Người mù Bình Dương tổ chức lần thứ tư, ông Mai Minh Thiện đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng đông đảo khán giả với 3 giải thưởng: thí sinh lớn tuổi nhất, tiết mục tự biên hay nhất và phong cách biểu diễn ấn tượng nhất.
Dù là thầy giáo hay nhạc sĩ, ông Mai Minh Thiện luôn cố gắng hoàn thành tốt vai trò của mình. Và không quên ước mơ cho mọi người sẽ ngày càng tiến bộ.
MINH HIẾU