Chuyện về ba anh em cùng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ

Cập nhật: 07-05-2015 | 07:55:22

Chúng tôi về phường An Thạnh, TX.Thuận An thăm ông Vũ Tiến Luyến, người chiến sĩ Điện Biên năm xưa. Điều đặc biệt là ông còn có 2 người anh trai cùng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông Vũ Tiến Luyến, quê gốc ở Thái Bình. Ngoài quê của ông vẫn còn truyền tai nhau “bài thơ” viết về ba anh em họ Vũ ở xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng, trong đó có đoạn: Anh “ba năm mốt pháo binh”/ Em “ba lẻ tám” Thái Bình mới lên/ Bố mừng ngày được đoàn viên/“Sáu thằng” ra trận Điện Biên “ba thằng”/ Tưởng rằng nằm lại Him Lam/ Lại về sum họp đàng hoàng cả ba…

 

 Ông Vũ Tiến Luyến (thứ 2, bên phải), ông Vũ Như Úy (thứ 3, bên phải) và ông Vũ Như Ý (thứ 4, bên phải) chụp ảnh cùng những người em trai trong gia đình. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

 Khi chúng tôi đến thăm, vợ ông Luyến - bà Bùi Thị Thanh (năm nay đã 74 tuổi) niềm nở đón tiếp. Bà bảo: “Ông ấy năm nay ngoài 80 rồi mà còn khỏe mạnh lắm, mỗi ngày ăn hai bát cơm to, uống vài ly rượu… Cứ có khách ghé chơi, hỏi chuyện đi bộ đội là ông ấy như được sống lại thời bom đạn ác liệt. Ông kể chuyện đánh nhau với Pháp hồi chiến dịch Điện Biên Phủ cả ngày mà không biết chán…”. Uống ngụm trà Bắc được người thân gửi từ quê nhà Thái Bình, ông Luyến bắt đầu câu chuyện về chiến dịch huyền thoại 56 ngày đêm giải phóng Điện Biên mà ông vẫn còn nhớ như in.

Năm 18 tuổi, ông Vũ Tiến Luyến bắt đầu tham gia quân ngũ, đầu quân cho Sư đoàn 316 và duyên nghiệp đã đưa ông gắn bó với miền hoa ban Tây Bắc. Với vai trò là công binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị ông được giao nhiệm vụ xây dựng trận địa, đào hào và làm đường kéo pháo. Để tránh kẻ địch phát hiện, đơn vị công binh của ông phải làm nhiệm vụ vào ban đêm, trên đầu là pháo sáng, hỏa châu sáng rực của quân địch, là bom đạn chờ trực rơi xuống. Ông kể: “Mỗi chiến sĩ được giao nhiệm vụ đào 3m hầm, chiều sâu 1m4 chiều ngang 60cm… Giao thông hào gồm hai loại, một là giao thông hào trục dùng cho việc cơ động bộ binh, hai là giao thông hào cho pháo binh và vận chuyển thương binh… Tất cả hình thành một đường vòng rộng, vây quanh trận địa khu trung tâm. Càng đào tới sát mục tiêu thì hiểm nguy càng lớn. Lúc đầu anh em còn đông đủ, sau đó vơi bớt dần, các đồng đội của ông nhiều người đã hy sinh. Có lúc chứng kiến cảnh 30 - 40 chiến sĩ bị pháo bắn một loạt thương vong gần hết, nhưng xẻng cuốc của người còn sống vẫn phải đào, phải bảo đảm đường giao thông hào phục vụ cho chiến dịch…”.

Trận đánh có tính chất quyết định cho toàn bộ chiến dịch là trận đánh trên đồi A1. Lực lượng công binh của ông vừa tích cực đào hầm tới sát chân lô cốt để bí mật đặt thuốc nổ, vừa phối hợp với lực lượng bộ binh mở đường tiến công, giành giật quyết liệt với địch từng tấc đất. Trong đêm 6-5- 1954, ông bị pháo bắn trúng vào hai tay, ngực và đầu. Lúc này, ông đang bất tỉnh nhưng thông tin chiến thắng khắp chiến trường vang về văng vẳng bên tai như một liều thuốc diệu kỳ, giúp ông vượt qua lưỡi hái của tử thần.

Người anh cả của ông là Vũ Như Ý sinh năm 1930. Năm 1945, ông Ý theo anh rể là nhà văn Chu Văn tham gia giành chính quyền ở Đông Quan (nay thuộc huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) rồi tiến sang thị xã Thái Bình. Đến năm 1949, ông Ý được kết nạp vào Đảng và được cử đi học trường Lục quân Trần Quốc Tuấn khóa V, sau đó tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Lên Điện Biên Phủ trước Tết Nguyên đán, ông Vũ Như Ý cùng đồng đội tận dụng từng phút, từng giây luồn rừng, xuyên núi tiến hành đo đạc để phục vụ lực lượng pháo binh chuẩn bị tiến công theo phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh”. Pháo đã vào trận địa, mọi việc chuẩn bị cho việc tấn công Tập đoàn cứ điểm Điện Biên đã sẵn sàng. Trong thời khắc đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có thay đổi mang tính quyết định là chuyển từ phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” sang phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. Dưới sự chỉ huy tài tình sáng suốt của Đại tướng và Đảng ủy chiến dịch đã giúp mỗi chiến sĩ xốc lại tinh thần tiếp tục chiến đấu theo chiến lược mới. Đơn vị ông đã đề ra cách đánh “hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung”. Chính vì thế, ngay từ đợt đánh đầu tiên, pháo binh của ta đã gây cho Pháp những tổn thất nặng nề, tiếp tục những đợt tấn công sau, lực lượng pháo binh đã trút vào đầu não địch những trận lửa đạn kinh hoàng làm tiêu tan ý chí chiến đấu của quân thù.

Người anh thứ 2 của ông Luyến là Vũ Như Úy sinh năm 1932, tham gia cách mạng từ rất sớm. Năm 1950, ông Úy gia nhập Trung đoàn 64, Đại đoàn 320 và tham gia chiến dịch Trung du khi tròn 18 tuổi. Năm 1952, ông Úy được về Đại Từ, Thái Nguyên học tập, chỉnh huấn chính trị, quân sự chuẩn bị lực lượng cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau đó, đơn vị của ông được cấp trên ra lệnh hành quân sang Lào với nhiệm vụ cô lập Điện Biên Phủ, đánh chặn đường rút của địch, truy kích tới Luông-pha- băng mới quay về. Đơn vị ông về lại Điện Biên Phủ cũng là lúc mở màn chiến dịch, tấn công cứ điểm Him Lam.

Kể về giây phút trùng phùng của 2 người anh, ông Luyến nói: “Kết thúc chiến dịch, trên đường hành quân về đơn vị, khi đi qua một con suối, bỗng anh Úy thấy một người rất giống người anh trai cả. Đúng lúc ấy, anh cả tôi cũng nhận ra người em nhờ mái tóc bạc đặc biệt. Anh Úy vội tháo chiếc đồng hồ Amica mà anh cả tặng cho từ hồi cả hai đi tập huấn bên Trung Quốc. Hai anh tôi ôm nhau không nói được lời nào, rồi hai người chia tay nhau mỗi người về đơn vị của mình tiếp tục nhận nhiệm vụ mới…”.

Còn ông Vũ Tiến Luyến bị thương nên sau chiến dịch được đưa về đơn vị chữa trị. Mãi sau ngày thống nhất đất nước, cả ba anh em họ mới được trùng phùng và khi đó mới biết rằng cả ba đều tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Hiện ba anh em nhà ông Luyến vẫn còn khỏe mạnh, cho dù tóc đã bạc, mắt đã mờ, chân đã mỏi nhưng những ký ức về 56 ngày đêm tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn mãi trong lòng mỗi người. Riêng ông Vũ Tiến Luyến, đã chọn Bình Dương là nơi an dưỡng tuổi già. Trong những dịp kỷ niệm ngày 7-5 và 30-4, ông Luyến vẫn hay đi tới các trường trung học, kể cho các em học sinh về những ngày tháng ác liệt của chiến tranh, sự hy sinh anh dũng của đồng bào và những người lính Cụ Hồ với mong muốn góp phần trong công tác giáo dục truyền thống cha ông cho thế hệ trẻ hôm nay.

 PHÙNG HIẾU

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2282
Quay lên trên