Chuyện về ông Nghĩa “thép”

Cập nhật: 05-01-2012 | 00:00:00

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo miền Trung, anh em ông không chỉ chịu cảnh thiếu thốn như bao đứa trẻ nghèo khác mà còn phải gánh thêm cảnh mồ côi. Tình yêu thương của người mẹ, hình ảnh oai hùng của người cha liệt sĩ đã giúp ông vượt lên khó khăn, học tập đỗ đạt bằng chính sự rèn luyện của mình. Kết quả đó đã đưa ông lên đến chức trưởng phòng nhập khẩu của một công ty Nhà nước tầm cỡ tại TP.HCM. Tuy làm được nhiều việc nhưng quyền lợi, chức tước thì chẳng được bao nhiêu, nên ông đã quyết định ra đi chỉ với hai bàn tay trắng và bầu nhiệt huyết tuổi trẻ. Thăng trầm cuộc sống đã gắn ông chặt hơn với ngành thép, “bền bĩ - lạnh lùng - rắn chắc, mà cũng rất sâu lắng tình người”...  

Ông Nguyễn Thanh Nghĩa (bìa phải) đón nhận Huân chương Lao động hạng III của Chủ tịch nước trao tặng

“Quan trẻ” gốc... bảo vệ!

Có thể nói đây là nỗi đau đời người, nhưng với nghị lực, ý chí sắt thép và trái tim rực lửa cuộc sống, chàng trai trẻ Nguyễn Thanh Nghĩa đã chấp nhận xuyên qua nỗi đau, biến nó thành nguồn năng lượng vô tận để tiếp tục chinh phục khó khăn, tự khẳng định mình. Từ quê vào Sài Gòn học đại học, có lúc gián đoạn vì hoàn cảnh nghèo nhưng rồi chàng sinh viên Nguyễn Thanh Nghĩa vẫn tốt nghiệp Đại học Tài chính kế toán. Để có tiền trang trải cuộc sống lúc xa nhà và tiếp tục việc học anh đã từng làm hết mọi việc từ bốc vác, bảo vệ, kế toán... Ra trường anh được tuyển dụng vào làm việc tại Công ty Seaprodex Sài Gòn không qua con đường lý lịch mà chính bằng năng lực và sự phấn đấu của bản thân, bởi vì nhà nghèo, không người thân quen có cố gắng đến mấy cũng khó! Có năng lực, nhiệt tình lại đam mê nghề xuất nhập khẩu, liên tục đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong công việc nhưng vẫn cứ bị “đì” hoài ở một vị trí. Tuy được xem xét, tạo điều kiện phát triển từ nhân viên kế toán lên phó phòng rồi Trưởng phòng Nhập khẩu II, liên tục lập thành tích trong công tác nhưng khen thưởng, chức tước không xứng đáng. Nhiều lần anh làm đơn xin nghỉ nhưng công ty không giải quyết mà cho “nghỉ” bằng cách không giao nhiệm vụ gì rồi còn buộc phải có mặt tại cơ quan như kiểu “kỷ luật mềm”!

Quá bức xúc và không để lỡ thời cơ phát huy năng lực, anh đã chọn con đường rời bỏ công ty để ra ngoài làm riêng với chỉ hai bàn tay trắng và hoài bão lập thân lập nghiệp của tuổi trẻ.

Quyết định táo bạo

Từ kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được cộng với mối quan hệ quen biết trong quá trình làm việc, chàng trai Nguyễn Thanh Nghĩa đã tập tành làm ăn theo phương thức “mua chịu - bán ủy thác” vì vừa không có vốn vừa chưa có cơ chế cho tư nhân làm xuất nhập khẩu. Nhờ bảo đảm uy tín, giữ đúng chất lượng cam kết nên công việc kinh doanh dần dần phát triển, anh đã lập ra công ty riêng với tên Thiên Lộc để vừa cầu nguyện cho vong linh người cha vừa tự răn mình phải làm theo những gì mà người cha yêu quý anh đã làm! (cha anh tên Lộc).

Việc kinh doanh ngày một phát triển cần phải sản xuất hàng hóa tại chỗ để đáp ứng nhu cầu thị trường, năm 2001 Nghĩa đã liên kết với một người bạn để lập thêm công ty mới với nhiệm vụ sản xuất tại KCN Sóng Thần II. Do công ty sau hoạt động mạnh hơn, giá trị đầu tư lớn hơn nên được gắn thêm chữ Đại để thành Đại Thiên Lộc. Giai đoạn đầu thị trường phát triển khá tốt, nhưng sau đó do ảnh hưởng suy thoái kinh tế hàng hóa tồn kho nhiều, công việc sản xuất lâm vào đình trệ nên đối tác quyết định rút vốn để bảo toàn lực lượng. Kế hoạch rút vốn cũng khá ly kỳ “Nếu ông Nghĩa chọn tiền mặt sẽ được nhận 40%/tổng tài sản hoặc ngược lại”. Dù đang thiếu tiền làm vốn kinh doanh nhưng sau một đêm vắt óc suy nghĩ ông Nghĩa đã đưa ra quyết định rất táo bạo và bất ngờ: “Bạn thấy thị trường sụt giảm nên lo sợ, rút vốn để bảo toàn vốn. Bây giờ mà lấy nhà máy là chỉ thêm khổ thân, nên tôi quyết định chọn hướng ngược lại: Tôi chọn lấy nhà máy và bạn sẽ nhận được 60% tiền mặt”. Trước đề nghị quá “ngốc nghếch” của ông Nghĩa người bạn của ông đã không chần chừ để quyết định chọn nhận ngay số tiền mặt (60%) có giá trị cao hơn giá trị của cái nhà máy (40%) đang nằm chờ thời mà không biết bao giờ mới đến...

Rèn chí  thép

Tham gia thành lập công ty mới, ông Nghĩa được giao quản lý lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu theo nghiệp vụ của mình còn phần sản xuất thuộc chuyên môn của người khác, nên khi tiếp thu nhà máy toàn bộ kỹ sư, thợ giỏi đã theo hết “về với người có nhiều tiền”. Ông Nghĩa đã cùng anh em bắt tay vào vận hành lại nhà máy trong lúc thị trường thép vẫn trong tình trạng khó khăn. Đã vậy nhà máy còn liên tục xảy ra sự cố kỹ thuật. Chảo mạ kẽm dày trên 5cm nặng hàng tấn bị bể vừa hao tiền tốn của lại ảnh hưởng đến tinh thần, ý chí của bộ phận sản xuất nên có người cho rằng “không có thời, không hạp phải đổi nghề”... Sau khi họp bàn, tìm hiểu nguyên nhân, tổ chức cúng kiến để thỏa mãn yêu cầu tâm linh của anh em cộng với việc chủ động tìm hiểu học tập kinh nghiệm ở người đi trước, ông Nghĩa đã  “trụ” hẳn tại công ty cả ngày lẫn đêm ròng rã hơn 1 tháng để cùng sản xuất, tìm hiểu, nghiên cứu nguyên nhân xảy ra sự cố cũng như kỹ thuật sản xuất thép mạ kẽm. Cuối cùng nguyên nhân sự cố đã được phơi bày “Chảo thép và kẽm có 2 độ nóng chảy khác nhau nên khi luyện phải gia nhiệt từ từ để cân bằng nhiệt độ, khi hạ nhiệt cũng thế. Tăng giảm nhiệt độ đột ngột là nguyên nhân gây bể chảo. Nhờ đó mà ý chí quyết tâm được nâng cao, kinh nghiệm, kiến thức của người quản lý, của anh em và sự hiểu biết về thép sâu thêm”!

Để thành công

Nhờ lượng hàng tồn kho lớn trong nhà máy bị đối tác “chê” khi chia tài sản mà chỉ 1 năm sau giá thép bắt đầu đảo chiều do nền kinh tế phục hồi trở lại cũng là lúc tay nghề sản xuất của anh em được nâng lên đã tạo thời cơ cho Đại Thiên Lộc phát triển, lợi nhuận về giá lúc này là cực kỳ hấp dẫn, giúp công ty trưởng thành nhanh chóng. Sau này ông Nghĩa mới tiết lộ: “Tôi yêu kinh doanh, đam mê ngành thép từ hồi còn làm việc ở Seaprosex nên biết chắc tình trạng đóng băng thị trường chỉ là tạm thời vì nước ta là nước đang phát triển, nhu cầu xây dựng là rất cao, nên nhu cầu về thép là rất lớn. Hơn nữa giá thép lên xuống đều theo quy luật của thị trường, hễ chạm đáy thì phải dần lên đỉnh và ngược lại. Tôi tiếp thu nhà máy với lượng hàng tồn kho lớn ai cũng nghi ngờ, điều này hoàn toàn đúng. Nhưng là người am hiểu thị trường, thích mạo hiểm, chịu đối đầu với khó khăn tôi đã chọn con đường khó. Khi thị trường phục hồi chính lượng hàng tồn kho đã mang lại cho tôi khối lợi nhuận lớn bởi vì thép để lâu chẳng có thay đổi gì. Trước khó khăn, thử thách mình dám đương đầu vượt qua cộng với may mắn hiếm hoi đã giúp mình thành công nhanh chóng và không ngừng lớn mạnh”.

Và phát triển bền vững

Để phù hợp với quy mô hoạt động và đà phát triển của thị trường, ngày 12-4-2007, Công ty Đại Thiên Lộc chuyển đổi thành Công ty Cổ phần Đại Thiên Lộc theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Sản phẩm tôn kẽm thương hiệu Đại Thiên Lộc có chất lượng ổn định, giá cả cạnh tranh nên được khách hàng ưa chuộng. Đơn đặt mua hàng không ngừng gia tăng cả trong và ngoài nước. Dây chuyền mạ kẽm chạy 100% công suất vẫn không sản xuất đủ lượng hàng cung cấp cho thị trường nên công ty quyết định tăng vốn và đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước. Sau đó công ty đã thành lập thêm 3 công ty con cũng chuyên sản xuất, kinh doanh về thép. Đến tháng 12-2008, công ty tiếp tục đầu tư để thành lập Khu liên hợp Sản xuất thép Đại Thiên Lộc tại KCN Sóng Thần 3, tỉnh Bình Dương với diện tích đất 105.285m2 với tổng vốn đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Cũng trong năm 2008 xảy ra khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kéo dài đến tận cuối năm 2009. Trong khoảng thời gian này, công ty đầu tư nhỏ giọt nên tiến độ thực hiện dự án chậm so với kế hoạch. Sang đầu năm 2010, khi nền kinh tế dần dần hồi phục thì công ty mới đẩy nhanh tiến độ. Đến nay với nguồn vốn chủ sỡ hữu của công ty đạt hơn 786 tỷ đồng (trong đó vốn điều lệ hơn 501 tỷ đồng và các khoản khác), đội ngũ nhân viên 500 người, với thu nhập bình quân hơn 4,3 triệu đồng/người/tháng và đều được công ty ký hợp đồng lao động, mua đầy đủ các loại bảo hiểm theo quy định của Nhà nước. Cũng trong năm 2010 cổ phiếu của Công ty Cổ phần Đại Thiên Lộc chính thức được niêm yết trên thị trường chứng khoán (DTL), mở ra thời kỳ phát triển mới trên con đường sản xuất, kinh doanh sắt thép một cách bền vững.

Công ty Đại Thiên Lộc đã 3 năm liền nhận giải thưởng Sao Vàng Đất Việt tốp 100 thương hiệu nổi tiếng quốc gia. Tổng Giám đốc Nguyễn Thanh Nghĩa là doanh nhân xuất sắc đất Việt năm 2010. Năm 2010 công ty đã đóng góp 1.073 triệu đồng vào các quỹ từ thiện xã hội, xây dựng nhà tình nghĩa. Ngoài việc lãnh đạo công ty làm ăn hiệu quả, tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội, đền ơn đáp nghĩa bản thân ông Nghĩa còn là Đảng ủy viên Đảng ủy khối Doanh nghiệp, đại biểu HĐND tỉnh và là thành viên tích cực của Ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh.

 

DUY CHÍ

 
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=599
Quay lên trên