Theo Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, tính đến 30-11-2011, toàn tỉnh đã phát hiện 7.294 người có HIV. Trong đó, người thường trú tại Bình Dương là 2.855 người. Đã có 89/91 xã, phường có người nhiễm HIV/AIDS. Con số này quả không nhỏ. Vậy những người có HIV hiện đang sống ra sao? Sau cú sốc đầu tiên khi phát hiện có HIV, họ đã gượng dậy và vươn lên. Và mùa xuân đã trở lại đối với những con người không cam tâm đầu hàng số phận. Bác sĩ Vương Thế Linh (phải) khoa điều trị HIV/AIDS TTPC HIV/AIDS tư vấn cho phụ huynh cách chăm sóc bé khi bệnh cơ hội
Chiến thắng bệnh tật...
Căn nhà trọ nhỏ của N.V.N, ở ngã ba Cây Lơn, phường Đông Hòa, TX.Dĩ An, vang tiếng cười trẻ thơ. N. tâm sự: “Khi vợ có bầu đi xét nghiệm mới biết bị nhiễm HIV/AIDS. Em cũng đi xét nghiệm “dương tính”. May sao con em “âm tính”. Nên khi bệnh nặng quá, tưởng không qua khỏi cơn bệnh hiểm nghèo, vợ chồng em phải đem con đi cho một người giàu có Sài Gòn. Sau đó, vợ chồng em được chương trình Life Gap thu dung điều trị. Lại sức dần, chúng em đi xin lại con về nuôi. Vợ chồng em đều đen nhưng bé trắng trẻo, xinh đẹp lắm. Nay bé đã được 4 tuổi”.
D. nhà ở Bình Dương cũng đã qua giai đoạn bệnh hiểm nghèo: “Em tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm, ngành âm nhạc. Nhưng do sống buông thả em bị nhiễm HIV đến khi bệnh lao nặng, đi điều trị, em mới biết mình bị bệnh”. P. ở ấp Nội Hóa, phường Bình An thì bị nhiễm HIV do tiêm chích ma túy. Khi bị bệnh nặng, nhập viện, em mới biết mình có HIV: “Khi xét nghiệm CD4 tế bào tụi em bị tuột còn mấy chục. Người hoàn toàn suy kiệt. Sau thời gian điều trị, bỏ hẳn tiêm chích ma túy, nay sức khỏe ổn định”.
L. ở Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP.HCM, mấy năm nay là cư dân của TX.Dĩ An cho biết: “Em đi bụi lăn lóc với cuộc mưu sinh từ nhỏ. Khi trở về, em bị bệnh ghẻ lở đầy người, sốt về chiều, người suy kiệt. Khi đi khám bệnh mới hay “dương tính”. Em được điều trị đã gần 10 năm nay. Giờ thì em nghe rất khỏe”...
... Và cuộc sống cơm áo gạo tiền
Đa số những người có HIV đang hòa nhập cộng đồng, làm việc để nuôi sống bản thân và gia đình.
P. làm cửa sắt ở suối Lồ Ồ, em sắp xếp gia đình thật ngăn nắp, vén khéo: “Hàng ngày, em làm nghề hàn cửa sắt, cũng đủ sống”. Còn D.: “Vợ em làm công nhân, em nuôi gà. Cuộc sống cũng đắp đổi qua ngày”. L. và A.L ở Bình An, TX.Dĩ An cho biết: “Trước ở Bình Chiểu, vợ chồng em làm nghề bán cá ở chợ. Rồi khi về TX.Dĩ An em lái xe mướn, còn vợ em là công nhân trong khu công nghiệp. Hai vợ chồng sống cũng thoải mái”.
Còn N. ở Đông Hòa cho biết trước em làm đủ nghề thợ bạc, thợ hàn. Đến khi bị bệnh, được điều trị, rồi em làm việc cho chương trình luôn. Lương tháng 1 triệu đồng, rồi còn tiền công tác phí. Vợ là công nhân. Cũng đủ sống qua ngày”. Tôi nhìn chiếc xe Max màu vàng mới toanh có dòng chữ: “Công ty Bạn giúp bạn” và khen: “Xe đẹp quá!”. Em cười thật vui: “Công ty bán trả góp, tạo điều kiện cho em công tác!”.
Vươn lên sống có ích
Anh V.T ngoài 50 tuổi, tháng tháng, ngày ngày, tích cực phụ giúp các bác sĩ, điều dưỡng trong việc điều trị cho người có HIV tại Phòng khám Ngoại trú Bệnh viện Đa khoa Bình Dương (OPC- 01, tiểu dự án Life Gap). Vừa hỗ trợ điều trị, anh T. còn tư vấn, chia sẻ và là tấm gương sáng, tiếp thêm sức mạnh cho bao người có HIV những lúc họ bối rối, mất phương hướng và chán sống nhất. Vì anh đồng cảnh ngộ, lại đang rất khỏe, nên là tuyên truyền viên hiệu quả nhất cho chương trình.
N. là trưởng nhóm giảm tác hại và chăm sóc bé có HIV và chịu ảnh hưởng của HIV tại khu vực TX.Dĩ An. Em cho biết: “Ngày bệnh tưởng chết em cho con đi mà còn đau lòng hơn là bị ai cắt ruột. Nên em rất thông cảm và mong muốn làm vơi đi nỗi đau của những người có HIV nhất là các em bé có HIV. Người lớn như chúng em khi uống thuốc còn mệt huống gì các em. Em đã góp phần cùng với chương trình làm được điều tưởng như không thể: nhiều em bé có HIV, trong đó có cháu em, đã sống đến hơn 10 tuổi và học hành đàng hoàng”.
Các anh, em T., N., D., P. tâm sự: “Chúng em đã cố gắng vượt lên bệnh hoạn, mưu sinh. Và đặc biệt là cố gắng hỗ trợ những người đồng cảnh ngộ. Để người có HIV vươn lên sống tốt hơn và sống có ích cho xã hội!”.
Vẫn cần lắm những tấm lòng
D. cho biết: “Em thấy sự truyền thông trước đây có nhiều cái chưa đúng. Báo, đài cứ gọi người có HIV, người tiêm chích, gái mại dâm là “đối tượng”, rồi vẽ con vi-rút là trái sầu riêng gai góc khủng khiếp, bị “sida” có “xi măng” trị... nên làm cho người khi phát hiện có HIV tưởng mình đã đến đường cùng. Và tệ hại hơn cả là sự kỳ thị đối với chúng em rất nặng nề...”. Trường học, nơi không hề có kỳ thị đối với trẻ có HIV (Trong ảnh: Cô giáo đang rèn cho bé những con chữ đầu đời (ảnh chỉ mang tính minh họa)
L. cho biết: “Trước đây, vợ chồng em bán cá rất khấm khá ở chợ Bình Chiểu. Nhưng bên y tế báo về địa phương là chúng em có HIV. Địa phương “quan tâm” kêu tụi em lên tặng quà. Thế là mọi người đều biết và “tẩy chay”, không ai mua cá của em nữa, làm tụi em mặc cảm, chịu không nổi, phải bán nhà mà đi đến TX.Dĩ An sinh sống”.
Bạn nào cũng mong mỏi: “Chúng em ước sao mọi người hiểu thấu đáo các đường lây truyền để bớt kỳ thị, cho chúng em có thêm niềm vui sống!”.
Còn H., cô gái “chân dài”của nhóm “giúp bạn” Bình Dương tâm sự: “Em rất cần tình thương của gia đình chồng. Do tưởng em lây cho chồng nên mẹ chồng em rất giận em. Em không thanh minh, em cố chịu đựng. Nhưng khi thấy họ ghẻ lạnh con em, em rất đau khổ. Nhân đây, em muốn nói với mẹ: hãy thương yêu cháu của mẹ, vì bé may mắn không có HIV. Khi bé bệnh, mẹ hãy cho bé một hộp sữa nhỏ. Chỉ vậy thôi là con mang ơn mẹ lắm. Con không muốn bé thiếu tình cảm của bà nội!”.
Để mùa xuân trở lại
P. và các bạn ở TX.Dĩ An cho biết: “Thuốc ở OPC 01 rất ổn, nhưng chúng em đang muốn về Phòng khám OPC- 02 ở Bệnh viện Đa khoa Dĩ An (Dự án Quỹ toàn cầu) để điều trị cho gần. Nhưng em lo phòng khám mới quá, lịch làm việc một tuần có một ngày, lại chưa có đầy đủ thuốc men, thiết bị, con người. Lỡ như thiếu thuốc, bỏ lỡ phác đồ điều trị thì khổ cho chúng em và tốn kém hơn cho chương trình!”.
H. cho biết: “Điều em lo nhất là khi khám ở Trung tâm Y tế Cộng đồng Bình Thạnh, thì họ vừa điều trị AIDS bằng ARV, vừa điều trị bệnh nhiễm trùng cơ hội. Nhưng về OPC- 02, thì các bác sĩ nói chương trình chỉ điều trị AIDS bằng ARV, bệnh nhân phải tự điều trị bệnh nhiễm trùng cơ hội”.
Khi chúng tôi chuyển lời này đến bác sĩ Nguyễn Kiều Uyên, Giám đốc TTPC HIV/AIDS Bình Dương, bác sĩ Uyên cho biết: “Do OPC-02 Dĩ An mới thành lập, đi vào hoạt động mấy tháng, số lượng bệnh nhân chưa ổn định, chúng tôi đã bổ sung đủ cơ cấu thuốc. Bộ máy cũng như trang thiết bị ở đây đang dần hoàn thiện, để phục vụ tốt nhất. Chương trình đã mua thẻ BHYT cho 13 trẻ em có HIV. Còn về điều trị bệnh nhiễm trùng cơ hội, chúng tôi cũng đã có dự trù, nhưng chưa đủ cung cấp”.
Bác sĩ Uyên nhắn gửi: bệnh AIDS đã có ngành y tế, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, chương trình Life Gap, Quỹ Toàn cầu hỗ thợ thuốc. Còn bệnh cơ hội, thì các bạn nên đầu tư vài trăm ngàn để mua thẻ BHYT. Vì đây là chính sách ưu việt của Nhà nước mình, nhằm mục đích chia sẻ, người khỏe giúp người bệnh, người giàu giúp người nghèo. Chỉ với vài trăm ngàn, chiếc thẻ BHYT là tấm vé thông hành để bạn được chăm sóc, điều trị tốt các bệnh nhiễm trùng cơ hội.
Tôi rất xúc động khi biết cái bao to trên xe của D. Bình Dương là cơm khô mà N. ở Dĩ An đã thu nhặt, phơi phóng với cả tấm chân tình, để cho D. mang về cho gà ăn. P. N. D... đều mong muốn làm việc nhiều hơn trong chương trình “Bạn giúp bạn”. Vì khi làm những việc này các em thấy vui, hạnh phúc và còn có quyền lợi.
Một mùa xuân nữa lại về. Và với những vòng tay ấm áp của các chương trình phòng chống AIDS đang được xã hội hóa cao độ, mùa xuân đã trở lại với cộng đồng người có HIV. Họ phấn chấn, vươn lên sống chung với HIV, với AIDS, chiến thắng bệnh tật, tự tin hòa nhập vào cộng đồng trong cuộc mưu sinh. Đặc biệt, đã có nhiều gương sáng trong việc làm ăn kinh tế, hỗ trợ điều trị, bạn giúp bạn. Đây chính là những cánh én mang thêm hương sắc cho mùa xuân mới đang đến thật gần.
Bảo Anh