Có một nơi nghẹn ngào nhớ thương Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Cập nhật: 12-10-2013 | 00:00:00

Băng qua những con đường mưa nặng hạt, chúng tôi về Uyên Hưng, Tân Uyên vào chiều muộn và buồn cùng nỗi buồn tiếc thương Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tập thể cán bộ, công nhân viên (CB-CNV) HTX mây tre lá Ba Nhất. Ít ai biết được rằng, nơi đây mặc dù đại tướng chưa một lần ghé thăm, nhưng hình bóng và tình thương bao dung của ông đã lan tỏa khắp các phân xưởng chiếu cói, lục bình, mây tre… Chuyện xuất phát từ một cuộc điện thoại bất ngờ của Đại tướng đến với HTX và yêu thương bện chặt yêu thương từ ấy đến nay và còn mãi tiếp nối…!  

Vợ chồng Đại tướng Võ Nguyên Giáp (giữa) cùng vợ chồng bà Nguyễn Thị Cúc tại tư gia 30 Hoàng Diệu, Hà Nội năm 2005

Nỗi buồn lan tỏa…!

Tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi về cõi vĩnh hằng đến với tập thể CB-CNV HTX mây tre lá Ba Nhất, khiến đơn vị nằm lọt thỏm giữa những hàng cây xao xác rũ lá dưới mưa trong con đường nhỏ càng trở nên buồn bã. Hàng trăm công nhân trong các phân xưởng tuy vẫn đều tay với công việc thường nhật của mình, nhưng không ai bảo ai, họ không cười đùa, không nói to như mọi ngày, tất cả như lặng đi trong nỗi buồn thương nhớ. Đối với tập thể CB-CNV HTX Ba Nhất, họ đã mất đi một người cha, người anh tinh thần to lớn. Cái tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất ảnh hưởng mạnh đến người đứng đầu HTX là bà Nguyễn Thị Cúc. Và rồi, nỗi buồn cứ thế lan tỏa đến mọi người trong HTX. 

Bức thư viết tay của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gởi HTX Ba Nhất và chị Lâm Tú Phụng

Năm 2003, Đại tướng lần đầu tiên biết đến HTX Ba Nhất, những năm sau đó ông liên tục điện thoại, viết thư thăm hỏi động viên HTX cố gắng sản xuất, kinh doanh góp phần xóa đói giảm nghèo. Hàng trăm lượt CB-CNV đã chuyền tay nhau bức thư Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết tay trên tờ thiếp trang trọng với nội dung thật xúc động và thắm đượm nghĩa tình. Hàng chục bức ảnh chụp lại các khoảnh khắc quây quần bên nhau giữa người đứng đầu HTX Nguyễn Thị Cúc và Đại tướng được trưng bày cẩn thận trong văn phòng HTX. Điều đó khiến CB-CNV nơi đây thấy vui hơn, có trách nhiệm hơn, vì mỗi sản phẩm họ làm ra đều được Đại tướng Võ Nguyên Giáp biết đến và động viên: “Làm tốt hơn để góp phần xóa đói giảm nghèo cho Chiến khu Đ”.  

Giữa bà Nguyễn Thị Cúc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp có một mối quan hệ bền chặt như anh em ruột thịt

Tôi gặp chị Lâm Tú Phụng, người được Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết thư chúc mừng thoát nghèo thành công trong một góc tối của kho nguyên liệu. Chị thẫn thờ nhìn trời mưa và khi chúng tôi hỏi về những dòng thư năm xưa, chị đã bật khóc như một đứa trẻ nhớ cha. Năm 2004, nhờ vào làm việc tại HTX Ba Nhất mà chị Lâm Tú Phụng có nguồn thu nhập ổn định, từng bước thoát nghèo và có tiền nuôi con ăn học. Chuyện đến tai Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ông đã viết thư động viên chị Phụng, động viên HTX Ba Nhất vững bước đi lên. Chị Phụng nghẹn ngào: “Buồn lắm em ạ! Dù chưa một lần gặp mặt nhưng chị xem đại tướng như ân nhân của mình. Chẳng thể nào ngờ một người phụ nữ nghèo khổ như chị lại được đại tướng quan tâm, viết thư động viên. Trong bao năm qua, có lúc khó khăn tưởng chừng không còn sức để gượng dậy, nhưng cứ nhớ lời đại tướng căn dặn, động viên là chị phấn đấu vươn lên. Lần này ông mất, chị chỉ tiếc một điều là không có điều kiện để đến thăm viếng, san sẻ nỗi đau với gia đình”.

Một nhân cách lớn

Năm 2003, khi bật kênh BTV1 Đài Truyền hình Bình Dương xem, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ấn tượng với một phóng sự về công tác xóa đói giảm nghèo của HTX Ba Nhất tận Uyên Hưng, Tân Uyên, Bình Dương xa xôi. Và, ông đã lập tức yêu cầu các thuộc cấp tìm cách liên lạc với Ban Chủ nhiệm HTX. Thư đi, tin lại một thời gian, biết bà Nguyễn Thị Cúc cùng chồng từng hoạt động cách mạng ông liền ngỏ ý mời ra Hà Nội thăm chơi, với tư cách là những người anh em, bè bạn.

“Lần đầu tiên được mời gặp lãnh đạo tối cao của Quân đội Nhân dân Việt Nam, bản thân một người cựu binh như tui run lắm. Tui chuẩn bị nhiều ngày sẽ ăn nói sao, ứng xử sao với đại tướng. Nhưng thật bất ngờ, hai vợ chồng ra Hà Nội rồi bắt xe xuống Đồ Sơn 21 giờ đêm thì anh chị đã đợi sẵn và ân cần trò chuyện, hỏi han sức khỏe, tình hình kinh doanh”. Hơn một ngày được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp chuyện riêng ở Đồ Sơn khiến vợ chồng bà Nguyễn Thị Cúc đi hết từ xúc động này đến xúc động khác. Cảm giác choáng ngợp giữa một người lính với vị chỉ huy tối cao, giữa một người dân thường với anh hùng dân tộc đã bay biến sau những cử chỉ nồng ấm, ân cần, thắm đượm nghĩa tình như người thân một nhà của đại tướng. Một ngày gặp gỡ ngắn ngủi trôi nhanh và bà Cúc xin về để lo cho công việc của HTX. Bất ngờ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề nghị cả nhà cùng ngồi với nhau chụp hình lưu niệm. Lúc đó, bà Cúc có đôi phần mặc cảm, nên nói: “Dạ thôi anh, em có phải tướng tá gì mà được chụp hình với anh”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp ôn tồn bảo: “Làm tướng đâu chỉ ở chiến trường. Em là tướng thời bình! Anh đánh giặc Điện Biên Phủ có tiếng tăm còn em đánh giặc đói nghèo thời bình thì đâu được tiếng thơm gì. Nhưng cái giặc đói, giặc nghèo phải đánh mãi không được dừng lại nghe em!”.

Chiều hôm đó vợ chồng bà Cúc về Hà Nội rồi bay vào TP.HCM mà trong lòng bâng khuâng với biết bao nỗi niềm xúc cảm. Không chỉ thế, năm 2004 khi vào làm việc tại TP.HCM, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng mời bà Nguyễn Thị Cúc xuống thăm chơi, hỏi về tình hình HTX. Cũng năm đó, ông viết thư tay cho chị Lâm Tú Phụng và năm 2005, ông mời bà Cúc ra tận nhà riêng thăm hỏi tình hình sức khỏe… “Vậy mà giờ đây anh ấy đã đi rồi”, bà Cúc không kìm được nước mắt khi lần giở những kỷ vật quen thuộc, vốn là quà của đại tướng xuyên suốt hơn chục lần gặp mặt từ cái lần ở Đồ Sơn năm 2003 đáng nhớ. Bà Cúc cho biết: “Mỗi lần gặp mặt và thăm hỏi, động viên nhau là một lần tôi hiểu thêm về bản lĩnh, sự ân cần, quan tâm chia sẻ của một nhân cách lớn của dân tộc. Một HTX nhỏ như Ba Nhất lại đón nhận được sự quan tâm của anh như người anh cả trong gia đình. Nghĩ đến điều đó thôi là tôi không thể cầm được nước mắt! Đáng tiếc quá, đất nước đã mất đi một con người vĩ đại, luôn lo lắng và quan tâm đến người nghèo!”.

Tôi rời HTX Ba Nhất lúc trời đã nhá nhem tối sau bữa cơm tối buồn bã với công nhân và bà Chủ nhiệm HTX Nguyễn Thị Cúc. Bữa cơm tuy có đầy đủ cá, thịt và nhiều món ngon khác, nhưng không khí vẫn buồn tẻ! Tất cả đều cắm cúi ăn như để nạp lại năng lượng sau một ngày làm việc nhưng miệng chẳng hề thấy ngon. Dường như, tất cả đều đang có vị đắng ở trong lòng. Vị đắng đến từ sự ra đi của người mà họ xem như anh cả trong gia đình…

LÝ KHÁNH VINH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên