Cô Nguyễn Thị Lợi: Sống là sẻ chia để yêu thương

Cập nhật: 30-08-2016 | 08:47:29

Trong đời sống cần lắm những tấm lòng sẻ chia để các hoàn cảnh kém may mắn có thêm một chỗ dựa, thêm một động lực hòa nhập cộng đồng. Còn với cô Nguyễn Thị Lợi (ảnh), giáo viên lớp may Trung tâm Dạy nghề người khuyết tật (TT) tỉnh lại cho rằng tình cảm của những học trò dành cho mình là quá lớn để khiến cô gắn bó với lớp học từ khi TT vừa thành lập đến nay. Tiếp xúc cùng thầy và trò đặc biệt này, bao câu chuyện thú vị chợt ùa về…

Đến lớp may của TT, có vẻ như im ắng nhưng thật sự cũng hết sức sôi động bởi thầy và trò trao đổi với nhau rất nhiều qua ngôn ngữ của những cái múa tay và ánh mắt trìu mến. Lớp học chỉ vỏn vẹn 14 học viên, mỗi bạn một hoàn cảnh, một tính cách. Bạn thì khiếm thính, bạn thì yếu chi và thậm chí có bạn thiểu năng cũng được gia đình đưa vào TT với mong muốn cải thiện thêm về giao tiếp xã hội. Vậy là ngay từ những ngày đầu, cô Lợi ngoài việc cố gắng cho chuyên môn của mình, cô còn vận dụng đủ mọi ngôn ngữ khác nhau như múa tay, mắt, miệng… để giao tiếp được với các em. Cô Lợi cho biết, hiệu quả nhất vẫn là thứ ngôn ngữ của tình cảm. Cô luôn dành trọn tình yêu thương của mình cho các em để hy vọng sau 1 - 2 khóa học ở đây các em có được cái nghề, có thêm niềm tin hòa nhập cộng đồng, đó là hạnh phúc lớn nhất của cô.

Hạnh phúc hơn khi đến với lớp học, các em không chỉ được đào tạo nghề mà dạy cho các em nên người cũng là cái mà cô hướng đến. Cô Lợi kể, ngay tại lớp may, những khóa đầu các em đến với lớp, học được nghề và còn được cả người yêu. Sau khi ra trường, các em xây dựng hạnh phúc cùng nhau. Trong đó, Thiện và Ngân ở TX.Bến Cát; Tuấn và Lan ở huyện Phú Giáo là các cặp học trò cưng của cô đang chung sống rất hạnh phúc. Thấy học trò hạnh phúc cũng chính là hạnh phúc của bản thân. Còn với những em, sau khi ra trường có thu nhập từ chính nghề mà cô đã dạy đó lại là động lực giúp cô gắn bó với các em.

Với lớp may, mỗi em chí ít cũng phải trải qua 2 khóa mới có thể hòa nhập hay tự đứng ra làm riêng. Vì thế sự nối tiếp của các khóa cũng là một trong những đắn đo, suy nghĩ để cô Lợi tiếp tục đồng hành cùng các em, không cho phép mình dừng bước. Cô Nguyễn Thị Lợi tâm sự: “Với các em khuyết tật, các em sống rất tình cảm, không muốn thay đổi giáo viên, vì thế tôi cũng dồn hết tâm sức dạy cho các em. Và để thành công tôi phải hiểu rõ từng hoàn cảnh, tính tình của từng em để mỗi em là một giáo án riêng...”.

SONG ANH 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=334
Quay lên trên