Con chữ bắt nguồn từ yêu thương

Cập nhật: 06-12-2011 | 00:00:00

Trần nhà, những tấm ván ép la phông chực bong tróc, còn cuối lớp kiêm luôn chỗ trú ngụ của vài chiếc xe đạp cọc cạch. Vậy mà, trong lớp học là căn phòng mượn tạm của hội người cao tuổi ấy, những đứa trẻ vẫn say sưa nghe thầy giáo trẻ giảng bài.

Lớp học 4 bậc

Vừa rẽ vào đường Vườn Lài (P.An Phú Đông, Q.12, TP.HCM) hỏi lớp học của thầy Châu, hầu như người dân nào cũng biết. Theo chỉ dẫn, đi thêm chừng 500m, nhìn phía bên trái có văn phòng của hội người cao tuổi trước đây, đó chính là lớp học. Lúc ấy, hơn 4 giờ chiều, một nhóm trẻ em đủ lứa tuổi đang chơi trò ném lon. Chúng bảo: “Tụi con học ở đây, thầy chưa tới nên chơi cho vui”. 

Thầy nhiệt tình và trò nghèo ham học

Trong khi mấy đứa con trai say mê vui đùa, thì một vài đứa trẻ khác chạy đến, chúng tò mò: “Bộ cô dạy thay thầy Châu hả?”. Một bé trai người nhỏ thó chen vào giữa đám bạn, nhanh nhảu đến bất ngờ: “Con chỉ thích học thầy thôi, học thầy vui hơn”. Hỏi ra, cậu học trò này tên Phạm Văn Minh, năm nay 8 tuổi, tuy vừa đến học lớp 1 được gần tháng nay nhưng khá sáng dạ vì “Biết viết tên con rồi đó”. Minh kể: “Quê con ở Bình Phước, xuống đây cũng lâu rồi. Lúc nào không đi học thì ở nhà phụ mẹ làm ván”. Không chỉ có Minh mà hầu hết học trò trong lớp này đều rất hoàn cảnh. Do vậy, có em dù đã 10, 13, thậm chí đã 14 tuổi nhưng chỉ học lớp 1; 12 tuổi thì “gần lên lớp 2” hay cũng có em 14 tuổi đang học lớp 4. Và tất cả học sinh ngồi cùng một lớp, do một thầy giáo giảng dạy.

Quê An Giang, theo bố mẹ lên Sài Gòn được 2 năm nay, Bình đã 14 tuổi và cũng “lớn tướng” hơn so với các bạn song em tâm sự: “Con mới học lớp 1 à, hồi trước học làm vàng bạc nhưng nghỉ rồi, giờ đi học chữ”. Cha mẹ Bình đều làm phụ hồ, cả nhà em thuê phòng trọ ở khu vực này. Cùng lớp 1 với Bình có Mai Hữu Khanh, năm nay 12 tuổi cho biết: “Ba con chạy xe ôm kiếm tiền nuôi con”. Đưa tay vò tóc, Hữu Khanh buồn buồn: “Con học 4 năm rồi nhưng không lên lớp được do thi lúc nào cũng rớt”. Dù vậy, Khanh nói rằng vẫn rất muốn đi học, sẽ cố để lên lớp 2.

Không những thế, tại lớp học này, bắt gặp nhiều học sinh là chị em ruột như Nguyễn Ngọc Ánh Minh (lớp 4), Nguyễn Ngọc Thiện (lớp 2) và Nguyễn Ngọc Thùy Linh (lớp 1). Ngồi gần đó, Nguyễn Bé Quyền năm nay 10 tuổi, đang học lớp 1 khoe: “Em con cũng học ở đây nhưng học lớp 2 vì được đi học trước con”. Cuộc trò chuyện giữa tôi với đám trẻ bị gián đoạn khi có đứa hét: “Thầy tới rồi tụi bây ơi!”, bọn trẻ nhanh chóng ngồi vào bàn ngay ngắn.

Tấm lòng người thầy

Khối lớp 3 và lớp 4 ngồi một dãy, dãy bàn còn lại dành cho học trò lớp 1 và 2. Hôm nay thứ tư, nên theo quy định “cả lớp” cùng học môn toán. Mở đầu, thầy giáo ôn lại phép tính chia 2 chữ số cho học sinh lớp 3 và cả những bạn lớp 4. Lời giảng chậm rãi, cặn kẽ rồi thầy giáo gọi một học sinh lên làm thử để xem các em đã thực sự hiểu bài hay chưa. Sau khi ra bài tập cho nhóm học sinh này, thầy giáo quay sang giảng bài cho lớp 2. Bài giảng ngừng lại khi “anh, chị lớp 3, lớp 4” cầm tập chạy lên: “Thầy ơi kiểm tra cho con với, con làm đúng chưa thầy”... Còn với những cô, cậu học trò lớp 1, thầy giáo xuống từng chỗ để chỉ dẫn. Với những học sinh này, thầy giáo có phần vất vả hơn như nhắc nhở phải viết chữ to hơn, sắp xếp 2 bạn ngồi gần nhau để dùng chung sách bởi “mẹ con chưa mua sách thầy ơi”. Hay thầy đang chỉ cho bạn này thì trò kia la lên: “Thầy ơi, cho em qua chỗ bạn này chút” hay “Thưa thầy, cho con đi chuốt bút chì”... Chốc chốc, học trò nhỏ lại: “Thầy chỉ lại cho con đi, tự nhiên con quên mất tiêu rồi”. Như con thoi, thầy hết giảng cho em này thì đến em kia thắc mắc, đã thế còn phải làm “hòa giải” khi: “Thầy ơi, bạn phá không cho con học”...

Giờ giải lao, quệt vội những giọt mồ hôi, anh Nguyễn Ngọc Châu - thầy giáo của lớp cười nói: “Có lẽ bạn thấy lớp học của mình... chóng mặt nhỉ. Nhưng mình thì quen rồi, các em rất vui và ham học đó chứ”. Anh Nguyễn Ngọc Châu là cán bộ làm công tác khối vận tại P.An Phú Đông, Q.12. Cách đây hơn 4 năm, tình cờ biết lớp học này không có người đứng lớp trong khi các em thì rất thích học nên anh quyết định nhận lớp. Anh Châu chia sẻ: “Các em đều là dân nhập cư, nhà thuê trọ, thiếu thốn đủ thứ nên đi học ở trường như các bạn đồng trang lứa là điều rất khó”. Dù mưa hay nắng các em cũng đến lớp và tình cảm của học trò nhỏ càng khiến người thầy gắn bó hơn với lớp. Thế nên, vào thứ hai, thứ tư, thứ sáu hàng tuần; nhờ cơ quan tạo điều kiện, cứ đúng 4 giờ, anh Châu lại đến dạy chữ cho các em. Thời gian học chỉ vỏn vẹn 2 tiếng song là sự nỗ lực rất lớn của học trò nghèo và người thầy không ngại khó ngại khổ. Đáng quý hơn, không chỉ dạy học miễn phí, anh Châu còn vận động để các em có thêm quyển tập trắng, cây bút chì. Còn lúc này, mong muốn lớn nhất của người thầy giáo nghiệp dư tốt bụng đó là: “Làm sao có đủ sách giáo khoa mới cho các em học”.

NGỌC THANH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=251
Quay lên trên
X