Năm 2020 là năm đặc biệt khó khăn của ngành dệt may, giày da Việt Nam khi thị trường có nhiều biến động phức tạp, khó dự báo. Dưới tác động của dịch bệnh Covid-19, các ngành này chịu thiệt hại trực tiếp lớn nhất. Đối với ngành dệt may, dịch bệnh Covid-19 gây thiệt hại kép, đứt gãy nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc và chuỗi cung ứng. Khi dịch bệnh dần được khống chế, nguồn cung đã được phục hồi, chuỗi nguồn cung đã gần như trở lại như cũ. Tuy nhiên, vấn đề tiêu thụ sản phẩm là vướng mắc lớn nhất với các DN sản xuất công nghiệp của Việt Nam khi nhu cầu tiêu thụ giảm sút. Và để giữ chân hàng ngàn lao động, các DN đã nỗ lực “gồng gánh” việc chăm lo cho đời sống, thể hiện đạo lý “có trước có sau” trong kinh doanh.
Từ giữa tháng 9, một tín hiệu vui lan tỏa khắp khi gần như tất cả các DN trong ngành dệt may, da giày bắt đầu nhận những đơn hàng mới từ đối tác châu Âu, Mỹ, Nhật… Theo chia sẻ của nhiều DN trong ngành, tình hình đơn hàng đã phục hồi khoảng 60%. Thế nhưng, từ đây lại nảy sinh thêm những vấn đề, đó là nỗi lo về nguồn nhân lực và tài chính. Các chủ DN “thắt ruột gan” khi sau dịch bệnh, máy móc hỏng hóc… đụng đến đâu hư hại đến đó”, mà nguồn lực dự trữ đã cạn kiệt trong chống chọi, duy trì đời sống công nhân lao động…
Đã thế, DN lại sốt vó khi những lao động có tay nghề nghỉ việc về quê, chuyển đổi công việc, không trở lại làm việc như lời hứa. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi tâm lý người lao động là chưa biết đơn hàng sẽ có trong bao lâu, nên việc họ quyết định quay trở lại làm việc là rất ít vì không có tính ổn định. Trong khi đó nếu tuyển người mới thì phải trải qua quá trình đào tạo một thời gian, nhưng trong thời điểm hiện tại các DN cần lao động đã có tay nghề để hoàn thành các đơn hàng trong thời gian sớm nhất.
TIỂU MY