Con đường của thanh niên… - Bài 6

Cập nhật: 23-03-2016 | 06:58:23

Bài 6: Người tiếp lửa cho các phong trào Đoàn  

Từ năm 1997, tỉnh Sông Bé được chia tách thành 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước. Sau khi chia tách, Bình Dương tập trung đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa để bước vào một giai đoạn phát triển mới. Đảm nhận vai trò là Bí thư Tỉnh đoàn Bình Dương trong thời gian này, ông Trần Văn Nam, hiện là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã dìu dắt phong trào của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong tỉnh vươn lên tầm cao mới với rất nhiều hoạt động nổi bật.

Được gặp gỡ, trò chuyện cùng với ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương trong những ngày tháng 3 đặc biệt, tháng của tuổi trẻ, tháng chào mừng Đoàn thêm tuổi mới là một niềm vinh dự với những người trẻ như chúng tôi. Buổi trò chuyện đã mang đến cho chúng tôi những cảm xúc đặc biệt về tinh thần nhiệt huyết, xung kích của người thủ lĩnh thanh niên (TN) trong giai đoạn tỉnh nhà đang từng bước xây dựng và phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Tỉnh đoàn tặng hoa cho các thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cán bộ Đoàn tỉnh Bình Dương qua các thời kỳ tại buổi họp mặt các thế hệ cán bộ Đoàn nhân dịp kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Ảnh: Q.CHIẾN

Dù đã không còn trực tiếp làm công tác Đoàn hơn 14 năm qua, nhưng ông Trần Văn Nam luôn quan tâm đến thế hệ trẻ. Nhắc lại kỷ niệm một thời áo xanh, những xúc cảm và lòng nhiệt huyết tuổi thanh xuân trong ông như vẫn còn nguyên vẹn. Ông Trần Văn Nam hào hứng khi kể cho chúng tôi nghe về những phong trào Đoàn tạo những dấu ấn mạnh mẽ, sức lan tỏa rộng khắp trong tuổi trẻ ngày ấy. Ông chia sẻ: “Lúc đó, khí thế tham gia công tác Đoàn của tuổi trẻ rất hừng hực. Nhiều phong trào, mô hình được xây dựng, thực hiện và mang lại hiệu quả nổi bật”.

Trong thời kỳ vừa tái lập tỉnh, mặc dù có nhiều thuận lợi về vị trí địa lý, tài nguyên, nhân lực… nhưng Bình Dương cũng phải đối mặt với không ít khó khăn. Trong khi đó, đời sống nhân dân còn chưa cao, các vấn đề về an sinh xã hội chưa được thực hiện toàn diện. Vì thế, công tác TN cũng phải gắn liền với công tác chăm lo đời sống người dân và vấn đề nhà ở nổi lên khá bức thiết. Trong quá trình công tác, ông cũng luôn quan niệm rằng, làm công tác Đoàn không chỉ chăm lo tốt các đối tượng chính sách, các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, thanh thiếu nhi... mà đối tượng cán bộ Đoàn cũng rất cần được chăm lo về đời sống vật chất lẫn tinh thần. Trong những năm gắn bó với màu áo xanh của Đoàn, vị thủ lĩnh TN Trần Văn Nam đã đi đến các cơ sở Đoàn trong tỉnh, tận mắt chứng kiến hoàn cảnh sống khó khăn của đội ngũ cán bộ Đoàn, nhiều người không có được mái nhà tươm tất để ở. Trăn trở về điều này, ông đã mạnh dạn xây dựng mô hình “100 ngôi nhà tình thương cho cán bộ Đoàn”. Với sự giúp sức của Công ty Xổ số kiến thiết Bình Dương, ông đã đứng ra ký hợp đồng với giá trị lớn để nhận vé số về cho các cán bộ Đoàn, đoàn viên TN từ huyện, thị đến tỉnh bán nhằm tạo nguồn kinh phí. Ông xúc động kể lại: “Từ lúc xin chủ trương đến lúc thực hiện công trình, chúng tôi đã phải gặp không ít những khó khăn, thử thách. Để chương trình được thành công đã có rất nhiều hy sinh thầm lặng của đông đảo các cán bộ Đoàn - Hội. Nhưng bằng tất cả tâm huyết, bằng tình cảm đặc biệt dành cho Đoàn, chúng tôi quyết tâm đồng lòng, chung sức vượt qua khó khăn thực hiện thành công mô hình. Khi tổng kết lại ròng rã hơn 1 tháng bán vé số, chúng tôi nhận được vừa đủ tiền để xây dựng 100 căn nhà. Khi đó, không biết nói gì hơn, tất cả chúng tôi đã vỡ òa trong niềm vui! Hạnh phúc nhất là khi chứng kiến hình ảnh 100 đoàn viên TN, hội viên có hoàn cảnh khó khăn cuối cùng đã có được ngôi nhà tươm tất để ở…”.

Không chỉ nổi bật công tác chăm lo vấn đề an sinh xã hội, ở giai đoạn này, Đoàn TN tỉnh nhà đã có nhiều phong trào gắn với từng đối tượng, tạo nên những thành công và được duy trì và phát huy đến thời điểm hiện tại. Điển hình như các phong trào chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng TN công nhân nhà trọ. Đối với TN nông thôn thì có phong trào áp dụng khoa học vào sản xuất nông nghiệp bằng phương pháp IPM. Theo đó, cán bộ Đoàn đã hướng dẫn cho người dân, TN nông thôn áp dụng khoa học kỹ thuật để phòng chống sâu bệnh trong sản xuất nông nghiệp. Mô hình đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho sự phát triển kinh tế của tỉnh nhà. Hay như phong trào “Bàn tay vàng” được tổ chức hàng năm trong tuổi trẻ ngành cao su, tiền thân của hội thi “Thợ giỏi thu hoạch mủ” được duy trì hàng năm ở các công ty cao su trên địa bàn tỉnh sau này. Phong trào đã khuyến khích hàng ngàn TN công nhân cao su nâng cao tay nghề trong hoạt động lao động, sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Ngoài ra, việc xây dựng mô hình doanh nhân trẻ, hay việc thực hiện kết nạp Đảng trong đối tượng học sinh khối trung học phổ thông cũng là một trong những nét mới nổi bật trong phong trào TN lúc bấy giờ, được Trung ương Đoàn đánh giá cao…

Trong buổi gặp gỡ, trò chuyện với chúng tôi, ngoài việc kể về những kỷ niệm một thời tuổi trẻ, ông Trần Văn Nam còn gửi gắm đến TN trong tỉnh nhiều kinh nghiệm quý báu. Ông bảo, TN cần phải luôn nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, đặc biệt là có ý chí kiên định, quyết tâm cao thực hiện hoài bão, ước mơ đó. Trong giai đoạn hiện nay, rất cần sự tham gia một cách mạnh mẽ, tạo ra sức mạnh tổng hợp để quyết tâm đưa Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020. Qua đó, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân từ sự hưởng thụ những phúc lợi xã hội tốt nhất dựa trên những thành quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chính vì thế, lực lượng TN cần xung kích tham gia vào nhiều lĩnh vực, tạo thành phong trào rộng lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất cho công nhân lao động, đặc biệt là công nhân lao động đến từ ngoài tỉnh.

Ông Trần Văn Nam cũng cho rằng, trong giai đoạn mới, các phong trào của Đoàn phải được nâng lên về chất, không nên thể hiện ở bề nổi mà cần phải hướng đến chiều sâu, tính hiệu quả kinh tế - xã hội cũng phải được bảo đảm thiết thực. Điều quan trọng, theo ông Nam là phải nâng cao nhận thức cho TN trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cải tiến phương thức tập hợp TN sao cho phù hợp, đa dạng, hiệu quả hơn. “Ngoài việc quan tâm đến đoàn viên TN, hội viên, tôi luôn mong muốn có sự quan tâm hơn nữa đối với đội ngũ cán bộ Đoàn, những người lăn lộn với cơ sở, chăm lo mọi mặt đời sống cho TN. Trước đây, công tác Đoàn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng chính bằng sự nhiệt huyết mà các phong trào luôn được thực hiện tốt. Ngày nay, thử thách đặt ra với cán bộ Đoàn là phải làm sao thu hút được TN tham gia các phong trào thật sôi nổi; làm sao tập hợp được đông đảo TN công nhân. Để làm được điều này, cần phải có những người cán bộ Đoàn giỏi, biết giữ cho ngọn lửa Đoàn cháy mãi…”, ông Trần Văn Nam nhắn nhủ. (Còn tiếp)

NGỌC NHƯ 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=641
Quay lên trên