“Tù nhân lương tâm” là gì? Đó thực sự là một khái niệm mập mờ! Thế nhưng, có một thực tế rõ ràng mà ai ai cũng phải thừa nhận: Những hành vi chống phá chế độ, làm tổn hại đến lợi ích, an ninh quốc gia cũng như cuộc sống bình thường của nhân dân cần phải bị nghiêm trị, và chắc chắn, không thể lấy cái khái niệm “tù nhân lương tâm” để cổ súy, bảo vệ cho những hành vi như thế.
Chiêu trò mập mờ
Lâu nay, các đối tượng thù địch thường dựa vào khái niệm “tù nhân lương tâm” để thổi phồng vấn đề dân chủ, tôn giáo và nhân quyền ở Việt Nam, nhằm thực hiện âm mưu dai dẳng là bôi nhọ, vu cáo và chống phá Nhà nước Việt Nam, làm suy giảm lòng tin của nhân dân Việt Nam vào hệ thống chính trị của nước ta. Ví dụ cụ thể có nhiều, mà gần đây nhất là bản thông cáo báo chí đầy ý đồ do Tổ chức “Bảo vệ người bảo vệ nhân quyền” (Defend the Defenders-DTD) tung ra vào đầu tháng 7 vừa qua.
Thông cáo báo chí của DTD chắc hẳn sẽ khiến những kẻ thường xuyên lợi dụng vấn đề nhân quyền để chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam rất hả hê. Theo bản thông cáo này, tính đến ngày 30-6-2020, Việt Nam đang giam giữ ít nhất 276 “tù nhân lương tâm” trong các nhà tù hoặc các hình thức giam giữ khác, trong đó có 213 người đã bị kết án, chủ yếu là các tội phạm chính trị và 63 "nhà hoạt động" đang bị giam giữ trong thời gian điều tra hoặc chờ xét xử. Thông cáo cũng khẳng định chắc mẩm rằng, đó là những blogger, luật sư, nhà hoạt động về quyền đất đai, nhà bất đồng chính kiến, người hoạt động nhân quyền và tín đồ của các tôn giáo thiểu số không đăng ký bị bắt giữ và kết án “chỉ vì thực hiện một cách ôn hòa” các quyền được bảo vệ bởi các công ước nhân quyền quốc tế và Hiến pháp Việt Nam, như: Quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp và tự do của tôn giáo hoặc niềm tin... Và như để nhân lên niềm tin của người đọc về tính chân thực, công tâm của văn bản này, DTD “bồi” thêm: Danh sách 276 “tù nhân lương tâm” nói trên không bao gồm các cá nhân đã tham gia hoặc ủng hộ bạo lực.
Càng nực cười hơn khi DTD cho rằng, sau khi bắt giữ hơn 40 "nhà hoạt động" và blogger, kết án khoảng 40 người bất đồng chính kiến vào năm 2019, Việt Nam tiếp tục trấn áp giới bất đồng chính kiến và người hoạt động xã hội để bảo đảm “sự ổn định xã hội” trong khi Đảng Cộng sản Việt Nam đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; và rằng, trong khi các nước khác đang tập trung giải quyết những vấn đề do đại dịch Covid-19 gây ra, Việt Nam dường như lại sử dụng cơ hội này để tăng cường đàn áp đối với giới bất đồng chính kiến-những người không bị cộng đồng quốc tế chỉ trích.
Cù Huy Hà Vũ thời điểm bị xét xử. Ảnh: TTXVN.
Người viết bài này hoàn toàn đồng tình với quan điểm được nêu ra trong bài viết “Ở Việt Nam không có cái gọi là "tù nhân lương tâm” (đăng trên Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 25-5-2020), trong đó tác giả khẳng định rằng, ở Việt Nam không bao giờ có cái gọi là “tù nhân lương tâm”, mà thực chất đó chỉ là những người vi phạm pháp luật, bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Một trong những dẫn chính điển hình là Cù Huy Hà Vũ, từ một trí thức biến thành đối tượng có tư tưởng và hành động chống đối Nhà nước Việt Nam, tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, tuyên truyền luận điệu chiến tranh tâm lý, đòi lật đổ chế độ, thực hiện đa nguyên, đa đảng, kêu gọi nước ngoài can thiệp...
Chẳng riêng gì ở Việt Nam mà ở mọi quốc gia trên thế giới, rất nhiều cá nhân đã bị bắt giữ, thậm chí bị đem ra xét xử và phạt tù vì những tội danh như làm tổn hại tới an ninh quốc gia, tung tin sai sự thật gây hoang mang trong dư luận, gây nguy hiểm cho người dân... Điểm chung của các vụ việc này là đều được xử lý dựa trên luật pháp hiện hành, trên tinh thần thượng tôn pháp luật mà bất cứ quốc gia nào cũng đã và đang nỗ lực hướng tới.
Vậy nên, “tù nhân lương tâm” thực chất chỉ là một khái niệm hết sức mập mờ được tạo ra nhằm đánh lạc hướng, thậm chí đầu độc dư luận, khiến họ khó có thể phân biệt đâu là những người hoạt động vì nhân quyền đích thực, đâu là những đối tượng sử dụng con bài nhân quyền nhằm mục đích gây rối, phá hoại.
Trên thực tế, trong thông cáo báo chí nói trên, DTD cũng khẳng định rằng, trong số 213 người đã bị kết án ở Việt Nam thì chủ yếu là các tội phạm theo các Điều 79, 87 và 88 của Bộ luật Hình sự 1999 hoặc Điều 109, 117 và 331 tương ứng trong Bộ luật Hình sự 2015. Vậy thì, các nhà soạn thảo thông cáo vô tình sơ hở, hay họ đã trực tiếp thừa nhận rằng, những đối tượng kể trên không hề bị kết án một cách vô căn cứ, mà trái lại, hoàn toàn dựa trên luật pháp?
Cần những cái đầu tỉnh táo
Phải thừa nhận rằng, “tù nhân lương tâm” thực sự là một cái mác dễ khơi gợi lòng trắc ẩn trong công chúng. Có lẽ đó cũng là lý do ngày càng có nhiều đối tượng sau khi vi phạm và bị xử lý theo luật pháp Việt Nam, bỗng nhiên được dựng lên như những “tù nhân lương tâm”, tiếp tục trở thành công cụ để các thế lực thù địch vu cáo và bịa đặt về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
Để biết thực, giả cái gọi là vấn đề “tù nhân lương tâm” ở Việt Nam ra sao, trước hết phải đặt ra vài câu hỏi: Có hay không thứ gọi là “lương tâm” trong Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, đối tượng lợi dụng các quyền tự do dân chủ, kích động nhân dân chống chính quyền, chống chế độ, gây phương hại tới an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội? Có lương tâm hay không khi hết lần này đến lần khác đăng tải các bài viết trên mạng xã hội, đả kích, xuyên tạc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; bôi nhọ, xúc phạm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam như đối tượng Nguyễn Quốc Đức Vượng (sinh năm 1991, ở huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng); hoặc chủ mưu, cầm đầu, khởi xướng việc tổ chức lập “nhà nước Mông” tại huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên), gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến chế độ chính trị của Nhà nước Việt Nam như đối tượng Sùng A Sính, Lầu A Lềnh...? Với những người am hiểu luật pháp, mưu cầu cuộc sống ổn định và có ý thức thượng tôn pháp luật, câu trả lời dĩ nhiên là “không”! Chắc chắn là “không”!
Đáng nói hơn, khi âm mưu của những Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh hay Lê Công Định, Nguyễn Thị Công Nhân bị lật tẩy kèm theo những bản án thích đáng, người ta cũng dễ dàng nhận thấy một mưu đồ khác phía sau, đó là biến các đối tượng này “từ kẻ đáng tội thành kẻ đáng thương” bằng nhãn hiệu “tù nhân lương tâm”, dù tội danh của họ đã rõ rành rành. Mục đích cuối cùng là cổ súy, bảo vệ cho những hành vi xem thường luật pháp, gây rối xã hội, chống phá chế độ, xâm phạm an ninh quốc gia, từ đó tạo thêm vây cánh và nhân rộng “chân rết” phục vụ cho những hành động chống phá Việt Nam thông qua các vấn đề về tự do, tôn giáo và nhân quyền. Nói cách khác, “tù nhân lương tâm” thực chất chỉ là một món hàng để đem ra trao đổi và mua chuộc, một thứ công cụ đen để đánh lừa dư luận.
Tiếc rằng, trong chúng ta vẫn còn không ít người nhận thức đơn giản, dễ dàng bị mê hoặc trước những luận điệu và thông tin sai sự thật mà những kẻ đáng bị coi là “lái buôn lương tâm” ấy dựng lên.
Sứ mệnh đấu tranh với các âm mưu chống phá của các thế lực thù địch trong và ngoài nước dựa trên chiêu bài nhân quyền nhằm vào Việt Nam chắc chắn còn dài. Để tạo thêm niềm tin của nhân dân vào sứ mệnh ấy, rất cần những cái đầu tỉnh táo để nhận diện và vạch trần sự thật về thứ đang được các trang web, diễn đàn phản động phát ra rả mỗi ngày: “tù nhân lương tâm”.
Theo QĐND