Cộng đồng kinh tế ASEAN: Cơ hội cho doanh nghiệp Bình Dương

Cập nhật: 07-10-2014 | 08:20:50

Cộng đồng kinh tế Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (AEC) chính thức ra đời năm 2015 sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp tỉnh Bình Dương khi Việt Nam là một trong những thành viên chính thức của AEC. Để hiểu hơn về AEC, cũng như cơ hội và thách thức trong quá trình hội nhập trong năm 2015 và những năm kế tiếp, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương nhân dịp ông tham dự hội thảo “Thách thức và cơ hội từ AEC” do Hội Doanh nhân trẻ tỉnh tổ chức vừa qua.

- Ý định thành lập AEC có từ khi nào, thưa ông?

- Trước tiên, chúng ta phải hiểu rằng AEC không phải mới bắt đầu từ năm 2015, mà đó là một quá trình. Năm 1998, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã có những nghiên cứu đầu tiên về năng lực cạnh tranh của các nước Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Năm 2004, lần đầu tiên ở Paris (Pháp), lãnh đạo 10 nước ASEAN quyết định xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN, dự định được thành lập vào năm 2020. Nhưng với tốc độ phát triển nhanh, lãnh đạo các nước ASEAN quyết định rút ngắn thời gian thành lập lại. Đó là lý do AEC sẽ chính thức thành lập vào năm 2015.

Doanh nghiệp trong tỉnh có cơ hội lớn khi AEC hình thành. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH đồ gỗ xuất khẩu Minh Phương (TX.Tân Uyên). Ảnh: T.MINH

- Thưa ông, tiêu chí của AEC là gì?

- Tầm nhìn của AEC là đưa ASEAN thành một khu vực ổn định, thịnh vượng và có tính cạnh tranh cao; một khu vực dịch chuyển tự do hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động có kỹ năng cũng như dịch chuyển tự do hơn về vốn. Đây không chỉ là câu chuyện về thị trường lưu thông, dịch chuyển, trao đổi được dễ dàng mà còn là câu chuyện chính sách cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, sở hữu trí tuệ, nông nghiệp, hợp tác… AEC là một cộng đồng nhiều văn hóa nhưng cùng một bản sắc, cam kết cùng phát triển.

- Như vậy, Việt Nam sẽ có cơ hội và thách thức như thế nào khi AEC chính thức đi vào hoạt động?

- Cơ hội đầu tiên là thị trường của Việt Nam sẽ được mở rộng sang các nước AEC với 600 triệu dân. Không chỉ thế, AEC còn là cánh cửa đưa các thành viên đến với cộng đồng kinh tế thế giới như các nước EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ, Úc, Newzeland, Nhật Bản, Hàn Quốc… Để thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các nước thành viên, AEC còn có những chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó có Việt Nam, Lào, Campuchia và Philippines. Đối với chương trình hỗ trợ này, Singapore là nước rất tích cực. Bình Dương là đối tác chiến lược với Singapore nên AEC đi vào hoạt động có thể nói sẽ là cơ hội lớn của Bình Dương.

- Các thành viên có cơ hội như thế nào khi gia nhập cộng đồng AEC?

- Có hai điểm quan trọng khi AEC chính thức đi vào hoạt động là ASEAN sẽ thành một cửa hải quan và hài hòa về tiêu chuẩn chất lượng. Tự do hóa không chỉ là cơ hội kinh doanh mà còn giảm chi phí giao dịch, tạo sự thuận lợi trong các hoạt động thương mại và đầu tư. Các chương trình hợp tác như phát triển về dịch vụ, du lịch, giải trí, nông nghiệp; thị trường mạng chuỗi, giải trí, kinh tế xanh, đóng tàu, ô tô, nông nghiệp… sẽ phát triển trong tương lai.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì khó khăn, thách thức cũng không phải là ít khi tham gia vào sân chơi chung AEC. Để chuẩn bị đón đầu AEC, chúng ta cần phải học hỏi nghiêm túc, nắm bắt vững chắc thông tin và những cơ sở pháp lý của AEC và kinh tế thế giới.

- Xin cảm ơn ông!

Nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong quá trình hội nhập và phát triển, ông Dương Tấn Thành, Trưởng phòng Kinh tế - Đối ngoại Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh, cho biết ngày 9-7-2014, UBND tỉnh đã ký Quyết định số 24/UBND ban hành quy định về bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh. Theo đó, điều kiện để được vay vốn là các doanh nghiệp phải có dự án, có hình thức kinh doanh hiệu quả, có khả năng trả vốn vay; dự án có tổng vốn giá trị tài sản thế chấp cầm cố tại các tổ chức vay vốn tín dụng bằng 15% giá trị khoản vay, có tối thiểu 15% vốn chủ sở hữu tham gia đầu tư vào phương thức kinh doanh; tại thời điểm đề nghị bảo lãnh thì không có khoản vay, khoản nợ nộp nghĩa vụ ngân sách đối với Nhà nước, nợ xấu với các tổ chức tín dụng và các tổ chức kinh tế khác…

 

NGỌC TRINH (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên