Phát biểu tại chương trình “Doanh nghiệp Việt Nam hướng tới Cộng đồng Kinh tế ASEAN - AEC” tổ chức sáng qua (13-12) tại Hà Nội, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, AEC sẽ không tạo ra cú sốc nào đối với doanh nghiệp (DN) Việt Nam vì các cam kết trong AEC tương đương như cam kết trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tương đối phù hợp với đường hướng và chính sách của Việt Nam. Ông Vũ Tiến Lộc cũng đánh giá, thời điểm tuyên bố về hình thành AEC kể từ ngày 1-1-2016 mới chỉ là điểm khởi đầu, chưa phải là “điểm tới”. Tuy nhiên, để nắm bắt cơ hội AEC mang lại, các DN Việt Nam cần bền bỉ nỗ lực chuẩn bị trong một thời gian dài và dường như cộng đồng DN các nước khác trong ASEAN đã có những bước tiến xa hơn Việt Nam khá nhiều.
Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu ASEAN (ISEAS - Singapore), có 90% DN Malaysia, 81% DN Singapore và hơn 50% DN các nước Đông Nam Á khác đã có sự chuẩn bị sẵn sàng cho AEC. Trong khi đó, tại Việt Nam, một số điều tra trong khoảng hơn một năm trở lại đây cho thấy, chỉ có một tỷ lệ thấp (khoảng 35%) biết đến AEC.
Mặc dù vậy, cũng có nhiều điểm mạnh mà các DN Việt Nam đã, đang có và có thể phát huy được trong tương lai. Đó là khả năng bứt phá và khả năng hội nhập nhanh của cộng đồng DN Việt Nam. Các DN Việt Nam cũng chú trọng nhiều đến nền tảng văn hóa, chính vì vậy mà những nét văn hóa tương đồng trong AEC sẽ tạo lợi thế cho DN Việt Nam đưa ra những sản phẩm, dịch vụ phù hợp với thị trường ASEAN. Đối với các thị trường EU, Bắc Mỹ, Bắc Á, DN Việt Nam chủ yếu tập trung vào các hoạt động thương mại thì đối với thị trường ASEAN, DN Việt Nam đã có những bước đi toàn diện bằng việc đầu tư trực tiếp. Điều này sẽ giúp DN Việt Nam có thể đóng vai trò chủ đạo trong việc phát triển chuỗi giá trị trong nội khối ASEAN cũng như tận dụng những yếu tố tổng hợp của ASEAN để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu...
K.T (tổng hợp)