Chiều 19-4, cùng với các phiên chuyên đề Hội thảo khoa học “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ: Thành tựu và triển vọng”, phiên chuyên đề về kinh tế - phát triển đô thị đã tiến hành thảo luận nghiêm túc, sôi nổi. Các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tham dự chuyên đề đã trao đổi thẳng vào các vấn đề có trọng tâm, trọng điểm nhằm đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - phát triển đô thị của Bình Dương ngày càng bền vững trong thời gian tới, hiện thực hóa mục tiêu chiến lược là phát triển bền vững tỉnh Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại của đất nước vào năm 2030, là đô thị thông minh vào năm 2045.
PGS-TS Bành Quốc Tuấn, Viện Đào tạo sau đại học, trường Đại học Thủ Dầu Một phát biểu tại phiên thảo luận chuyên đề kinh tế - phát triển đô thị
Tìm kiếm những động lực mới
Điều hành hội thảo có ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban Tổ chức hội thảo; PGS-TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, Phó trưởng ban Tổ chức hội thảo; ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Becamex IDC; GS-TS Trần Thọ Đạt, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư ngành kinh tế; PGS-TS Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng…
Bắt đầu Hội thảo chuyên đề Kinh tế - Phát triển đô thị, ông Võ Văn Minh, cho biết trải qua 25 năm tỉnh Bình Dương đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp vào sự phát triển của cả nước. Từ những kết quả đạt được, Bình Dương tiếp tục cố gắng, nỗ lực hơn nữa, để có những kết quả cao hơn, mới hơn, tiếp tục đóng góp cho Trung ương nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, cần khơi thông các “điểm nghẽn” để thúc đẩy phát triển kinh tế - phát triển đô thị của tỉnh.
Đề xuất các giải pháp đẩy mạnh triển khai các mô hình kinh tế tuần hoàn hướng đến phát triển bền vững tỉnh Bình Dương đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, cho rằng sau 25 năm phát triển, Bình Dương đã vươn lên thành một điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế và phát triển đô thị. Tuy nhiên, Bình Dương đang phải đối mặt với nhiều thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm, suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu. Kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế tất yếu nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh.
Kinh tế số đóng vai trò quan trọng
Tham luận về vấn đề kinh tế số tại hội thảo, GS-TS Trần Thọ Đạt, nhấn mạnh trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang phát triển mạnh mẽ, kinh tế số ngày càng có vai trò quan trọng, nhất là trong quá trình phục hồi hậu Covid-19, đặc biệt cho các địa phương có tiềm năng và cơ hội phát triển như tỉnh Bình Dương. GS-TS Trần Thọ Đạt đã đề xuất 5 kiến nghị về phát triển kinh tế số cho Bình Dương, gồm: Bộ chỉ số đánh giá toàn diện cấu trúc kinh tế số của tỉnh; đánh giá thực trạng kinh tế số theo cấu trúc phần kinh tế số; đặt ra mục tiêu cụ thể phát triển kinh tế số, chú ý liên kết vùng; xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế số gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh; khả năng về nguồn lực của tỉnh và khung thời gian thực hiện.
GS-TS Võ Xuân Vinh cho rằng sau giai đoạn tăng trưởng ấn tượng, nền kinh tế Bình Dương đang có dấu hiệu chững lại. Việc tìm kiếm động lực tăng trưởng mới là cấp thiết đối với sự phát triển bền vững của tỉnh. Theo ông Vinh, ba động lực tăng trưởng chính của một nền kinh tế bao gồm vốn, con người và công nghệ. Với việc đã thu hút rất nhiều vốn đầu tư, đặc biệt là FDI, cũng như việc bùng nổ số lượng lao động nhập cư trên địa bàn, công nghệ có thể xem là hướng đi tất yếu của Bình Dương trong tương lai. Thời gian tới, Bình Dương cần nghiên cứu phát triển mô hình đô thị thông minh, với ba trụ cột là chính quyền, con người và công nghệ. Bên cạnh đó, tỉnh cần hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn phát triển chiến lược chuyển đổi số nhằm tăng hiệu quả hoạt động và nâng cao tính cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Thảo luận và phản biện tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học cho rằng sau 25 năm tái lập, Bình Dương đạt nhiều thành tựu quan trọng, trở thành điểm sáng trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đồng thời, các chuyên gia cũng chỉ ra những thách thức mà Bình Dương phải đối mặt sau 25 năm phát triển, như: Nền kinh tế thâm dụng lao động, chưa chú trọng đổi mới sáng tạo; bùng nổ dân số cơ học; môi trường…
Phát biểu tại hội thảo, PGS-TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, Phó trưởng ban Tổ chức hội thảo, cho biết việc tổ chức Hội thảo “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ: Thành tựu và triển vọng” tỉnh mong muốn nhận được những đóng góp tích cực từ các học giả, nhà nghiên cứu. Riêng chuyên đề kinh tế - phát triển đô thị, tỉnh đã nhận được 55 báo cáo tham luận. Qua các tham luận này sẽ giúp Bình Dương có thêm ý kiến đa chiều nhìn lại 25 năm và định hình cho 30 năm tiếp theo. Kết quả của hội thảo sẽ cập nhật những định hướng giúp cho Bình Dương hoạch định được quy hoạch đáp ứng yêu cầu của xu thế trong tương lai, đưa tỉnh phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2030, trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước.
Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương: Đổi mới sáng tạo luôn gắn với kỹ năng, tài năng và tri thức mới. Bình Dương cần thu hút tối đa nguồn lực này cả ở trong và ngoài nước. Phát huy truyền thống “chung lưng đấu cật” giữa chính quyền và doanh nghiệp, Bình Dương sẵn có nền tảng để thúc đẩy mạnh mẽ hơn các hệ sinh thái cho đổi mới sáng tạo, với sự tham gia của ba nhà: Nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà trường. Đặc biệt, sự năng động, tích cực và đổi mới sáng tạo của chính quyền địa phương là điểm sáng của Bình Dương, cũng là bài học quan trọng nhất giúp trả lời câu hỏi: Trong cùng một môi trường thể chế chính sách, với những điều kiện địa kinh tế tương đồng, có những địa phương phát triển bứt phá vượt lên, trong khi có những địa phương chững lại. Bình Dương có đủ điều kiện và nền tảng để tiếp tục phát triển bứt phá trong thời gian tới. Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Trải qua 25 năm tỉnh Bình Dương đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp vào sự phát triển của cả nước. Từ những kết quả đạt được, Bình Dương tiếp tục cố gắng, nỗ lực hơn nữa, để có những kết quả cao hơn, mới hơn, tiếp tục đóng góp cho Trung ương nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, cần khơi thông các “điểm nghẽn” để thúc đẩy phát triển kinh tế - phát triển đô thị của tỉnh. Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Becamex IDC: Thời gian qua, Bình Dương đã tạo nền tảng tốt, thu hút doanh nghiệp đến đầu tư cũng như người lao động đến làm việc. Để giải quyết các thách thức trên, Bình Dương đã xây dựng Định hướng quy hoạch khung chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2050. Trong thời gian tới, tỉnh triển khai nhiều giải pháp tạo giá trị gia tăng, như thu hút đầu tư có chọn lọc, xây dựng thành công Vùng Đổi mới sáng tạo. Trong phương án tiếp theo, Bình Dương sẽ tiếp tục xây dựng hạ tầng mới, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp hoạt động thuận lợi, chuyển đổi phát triển thương mại - dịch vụ, đô thị, đáp ứng yêu cầu tốc độ tăng trưởng của công nghiệp. |
NGỌC THANH - PHƯƠNG LÊ