Đó là ý kiến của ông Trịnh Đức Tài, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội (VH-XH) HĐND tỉnh trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Bình Dương xoay quanh vấn đề phòng, chống sốt xuất huyết (SXH) và các dịch bệnh trên người. Ông cũng khẳng định SXH không chừa một ai, người lớn hay trẻ em, do đó mỗi người phải tự ý thức bảo vệ mình.
Ông Trịnh Đức Tài (bìa phải), Trưởng ban VH-XH HĐND tỉnh cùng các thành viên trong Ban khảo sát dịch SXH tại Thủ Dầu Một Ảnh: THIÊN LÝ
- Thưa ông, qua đợt giám sát của Ban VH-XH HĐND tỉnh, ông đánh giá về công tác phòng, chống dịch bệnh ở các địa phương như thế nào?
- Qua giám sát của Ban VH-XH HĐND tỉnh, trong 8 tháng đầu năm 2017, tình hình dịch bệnh tăng cao so với cùng kỳ năm 2016, nổi lên là SXH hơn 4.000 ca, tay chân miệng hơn 2.200 ca. Qua khảo sát cho thấy, thời gian qua các cấp đã thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch bệnh trên người. BCĐ đã tích cực tuyên truyền nhưng hiệu quả chưa cao, nhất là trong công tác phối hợp các đoàn thể chính trị, xã hội theo công điện của Thủ tướng Chính phủ, cũng như của Bộ Y tế trong việc ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng.
Dự báo tình hình dịch SXH mấy tháng cuối năm sẽ tăng cao, do đó Ban VHXH HĐND tỉnh sẽ kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các BCĐ địa phương quyết liệt, triệt để, đồng bộ hơn trong việc ra quân diệt bọ gậy, lăng quăng, tổng vệ sinh môi trường; đồng thời bảo đảm kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh.
- Đặc thù của Bình Dương là đông lao động ngoài tỉnh sinh sống tại các khu nhà trọ, khu dân cư. Đây cũng là một trong những nguyên nhân, môi trường chính cho SXH gia tăng, như vậy Ban VH-XH HĐND tỉnh có định hướng như thế nào trong công tác chỉ đạo để giảm SXH, các dịch bệnh trên người khác, thưa ông?
- Dịch SXH lây lan nhanh ở những khu vực đông dân. Qua khảo sát cho thấy các địa bàn có dịch SXH tăng cao là TX.Thuận An, TX.Dĩ An, TP.Thủ Dầu Một, TX.Bến Cát. Đây là những địa bàn có dân nhập cư đông. Đối với người dân khu vực này phải tự đề cao ý thức bảo vệ bản thân, đồng thời chính quyền địa phương ở khu phố, ấp phải làm tốt công tác dân vận để người dân, chủ nhà trọ hiểu rõ hơn về phòng, chống dịch bệnh, cũng như tăng cường giám sát diệt lăng quăng, bọ gậy tại các khu nhà trọ. Riêng người dân phải thực hiện các biện pháp như ngủ màn, không để vật chứa nước cho muỗi sinh sôi, sớm đưa người bệnh đến điều trị khi nghi ngờ mắc SXH.
- Theo thống kê, số ca SXH đa phần là người lớn việc này nói lên điều gì? Cảnh báo ra sao đối với cộng đồng, thưa ông?
- Trong tháng 7 xảy ra 1 ca tử vong do SXH tại TX.Dĩ An, trong tháng 8 có 2 ca ở TX.Dĩ An và TX.Bến Cát. Năm nay, SXH hầu như xảy ra ở người lớn. Nguyên nhân là do sự chủ quan, ý thức cũng như trách nhiệm của từng cá nhân, gia đình chưa cao. Theo các chuyên gia, tháng 9, tháng 10 là thời điểm cao điểm nhất của dịch bệnh, do đó chúng tôi đề nghị các ngành chức năng phải có giải pháp quyết liệt, nhất là đổi mới phương pháp tuyên truyền, ra quân làm vệ sinh môi trường. Có như vậy, trong thời gian tới hy vọng dịch bệnh sẽ giảm.
- Thưa ông, để khống chế dịch bệnh, đối tượng quan trọng nhất là cán bộ y tế, nhưng qua khảo sát các chế độ dành cho họ vẫn còn thấp? Vậy qua đợt giám sát của Ban VH-XH HĐND tỉnh thì định hướng giải quyết vấn đề này ra sao?
- Hiện nay, Trung ương đã ban hành quy định hỗ trợ và phụ cấp cho thường trực và BCĐ trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Bình Dương cũng đang áp dụng quy định trên nhưng chậm hơn so với địa phương khác. Qua làm việc với các ngành, địa phương, Ban VH-XH HĐND tỉnh sẽ kiến nghị với UBND tỉnh sớm triển khai thực hiện chế độ dành cho những người làm công tác phòng, chống dịch bệnh. Từ đó, cộng tác viên, BCĐ công tác phòng, chống dịch bệnh sẽ được hưởng đúng, đủ chế độ, giúp họ có thêm điều kiện, cũng như động viên họ tăng cường hiệu quả hơn nữa công tác phòng, chống SXH và các dịch bệnh trên người khác.
- Xin cảm ơn ông!
Tính đến tháng 8-2017, toàn tỉnh có 4.195 trường hợp mắc bệnh SXH, tăng 1,59 lần so với cùng kỳ năm 2016, trong đó có 3 trường hợp tử vong. Địa phương có số ca SXH cao nhất là TX.Thuận An với 1.134 ca, TX.Dĩ An 820 ca, TX.Bến Cát 514 ca và TP.Thủ Dầu Một 504 ca. Số ca mắc bệnh tay chân miệng là 2.240 ca, tăng 3,9 lần so với cùng kỳ năm 2016; 2 ca mắc bệnh Zika. Các bệnh truyền nhiễm khác như rubella 19 ca, thương hàn 2 ca, ho gà 2 ca...
THIÊN LÝ (thực hiện)