Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng đang chuyển mình mạnh mẽ để phù hợp với điều kiện hiện nay. Trước tình hình biến động mạnh về giá mủ cao su, công ty đã kịpt hời điều chỉnh các phương án sản xuất, kinh doanh… để đưa công ty ngày càng lớn mạnh.
Công nhân Công ty Cao su Dầu Tiếng khai thác mủ cao su Ảnh: P.V
Tăng năng suất cây cao su
Theo lãnh đạo Công ty Cao su Dầu Tiếng, vượt qua khó khăn trong năm 2016 là sự nỗ lực rất lớn của đội ngũ hơn 7.000 cán bộ, công nhân viên công ty. Năm vừa qua, hoạt động kinh doanh, xuất khẩu cao su của công ty gặp nhiều khó khăn do nguồn cung vẫn còn cao hơn cầu, kinh tế thế giới vẫn có nhiều bất ổn; bên cạnh đó là sự cạnh tranh gay gắt từ khu vực cao su tư nhân. Đặc biệt, giá mủ cao su lên xuống khó lường; đầu năm giảm mạnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Tuy vậy, đến tháng 7-2016, giá mủ cao su bắt đầu tăng lên, việc kinh doanh của công ty đã có nhiều thuận lợi hơn.
Trong năm qua, nhiều chỉ tiêu quan trọng đã được công ty hoàn thành và vượt kế hoạch. Cụ thể như công ty đã thu hoạch được 26.778 tấn mủ quy khô, đạt 100,48% kế hoạch; thu mua 12.818 tấn, đạt 122% kế hoạch; chế biến gần 40.000 tấn sản phẩm, đạt hơn 105% kế hoạch… Để đạt được kết quả nói trên, trong năm qua, Công ty Cao su Dầu Tiếng đã nỗ lực kiện toàn bộ máy tổ chức, quản lý, điều động nhân sự hiệu quả. Cùng với đó, phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất và chế biến cũng được công ty thực hiện tốt…
Tuy nhiên, trong năm qua công ty vẫn còn những khó khăn, như năng suất cho mủ bình quân chỉ đạt 1,57 tấn/ha, thấp hơn so với bình quân nhiều công ty trực thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam. Ông Trần Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam, cho biết Công ty Cao su Dầu Tiếng cần tranh thủ thời điểm giá mủ cao su cao để khai thác triệt, cùng với đó tăng cường cải tiến các phương pháp kỹ thuật để nâng cao năng suất mủ cho cây cao su. Có như thế, công ty mới có thể tăng giá trị mủ cao su, đem lại nguồn thu lớn cho công ty.
Mở rộng hoạt động kinh doanh
Trước sự thất thường của giá mủ cao su của thế giới, thời gian gần đây, Công ty Cao su Dầu Tiếng đã có những bước đi đa dạng hóa giống cây trồng, mở rộng hoạt động kinh doanh. Cụ thể, năm 2016, công ty đã tổ chức trồng xen canh các loại cây trồng khác tại các nông trường trực thuộc. Theo đó, đã có gần 90 ha cây dó bầu, hơn 168 ha cây chuối đã được trồng thử nghiệm để mở đường cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích gần 30.000 ha đất nông nghiệp mà công ty đang khai thác.
Hiện Công ty Cao su Dầu Tiếng đã hoàn thành phương án sát nhập 2 công ty cổ phần tại Lai Châu và Lào Cai và 2 công ty ở Campuchia. Trong năm 2017, công ty sẽ đầu tư mở rộng Khu công nghiệp An Điền, Công ty Cổ phần Gỗ Dầu Tiếng và góp vốn đầu tư xây dựng nhà máy chế biến mủ tạp tại Công ty Cao su Dầu Tiếng - Việt Lào. Bên cạnh đó, công ty tiếp tục thực hiện các dự án chiến lược như: Mở rộng Khu công nghiệp Bàu Bàng, liên kết trồng chuối với Công ty Cổ phần U&I, mở rộng Khu dân cư Rạch Bắp và quan trọng nhất là thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô hơn 2.000 ha.
Ông Lê Thanh Hưng, Tổng Giám đốc Công ty Cao su Dầu Tiếng, cho biết trong năm 2017, nhiệm vụ trọng tâm của công ty là ứng dụng khoa học - kỹ thuật, đưa năng suất cho mủ vượt 1,57 tấn/ ha như hiện nay. Đồng thời, các đơn vị trực thuộc tiếp tục vận hành không sử dụng hóa chất trong hoạt động sản xuất; nâng cao hiệu quả hệ thống xử lý nước thải tại các nhà máy chế biến và hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Công ty cũng sẽ nỗ lực nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm, giữ vững thương hiệu trên thị trường… Năm 2017, công ty phấn đấu thu nhập bình quân của cán bộ, công nhân viên đạt hơn 5,5 triệu đồng/tháng và góp phần tích cực vào chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại các địa bàn mà công ty hoạt động.
XUÂN VĨ