Ngày 20-9, Chính phủ Cuba đã tố cáo cuộc bao vây cấm vận thương mại và tài chính mà Mỹ áp đặt đối với nước này trong hơn nửa thế kỷ qua tiếp tục gây ra những tổn thất không thể tính được đối với xã hội Cuba, đặc biệt là về y tế và lương thực, cũng như làm cho nền kinh tế quốc đảo này thiệt hại khoảng hơn 1.000 tỷ USD.
Người dân Cuba tuần hành trong ngày quốc tế lao động 1-5. Phát biểu tại buổi giới thiệu báo cáo hàng năm “Sự cần thiết của việc chấm dứt cuộc bao vây kinh tế, thương mại và tài chính của Mỹ chống Cuba”, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez cho rằng chính sách đơn phương này của Mỹ đã khiến Cuba gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn lương thực, thuốc men, thiết bị y tế và nguyên liệu sản xuất, và buộc phải mua thông qua nước thứ ba khiến giá thành đội lên rất cao.
Thiệt hai do chính sách bao vây cấm vận gây ra là vô cùng lớn và trở thành một gánh nặng đối với một nền kinh tế nhỏ như Cuba . Đó cũng là một trong những nguyên nhân và rào cản chính đối với sự phát triển kinh tế xã hội tại quốc đảo này.
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Cuba nhấn mạnh chính sách bao vây cấm vận phi lý và bất công do Mỹ đơn phương áp đặt đối với nước này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế, ngăn cản sự phát triển cũng như đời sống xã hội của người dân Cuba mà còn vi phạm trắng trợn và có hệ thống luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, và cả quyền lợi chính đáng của chính các công dân Mỹ.
Ông Rodríguez kêu gọi các ứng cử viên tổng thống Mỹ chấm dứt cuộc bao vây cấm vận chống Cuba ngay khi đắc cử và tận dụng cơ hội để sửa chữa những chính sách thù địch đã lỗi thời kéo dài suốt hơn nửa thế kỷ qua. Cuba sẽ trình lên Đại hội đồng LHQ báo cáo trên vào tuần tới để đưa ra thảo luận trước khi bỏ phiếu. Năm 2011, Nghị quyết của LHQ về vấn đề này đã nhận được sự ủng hộ của 186 nước trên thế giới.
Theo TTXVN