Chỉ trong một ngày, 11 hoàng tử, 4 bộ trưởng đang tại chức và hàng chục cựu bộ trưởng bị bắt. Mẻ lưới làm rúng động quốc gia Trung Đông này nằm trong chiến dịch cải cách Vương quốc Saudi Arabia, vốn từ lâu nay vẫn bị coi là có nhiều tham nhũng ở cấp cao nhất của chính quyền. Tuy nhiên, vì sao đến bây giờ Saudi Arabia mới tiến hành cải tổ?
Chưa từng có tiền lệ
Theo truyền thông Saudi Arabia, chiến dịch trong sạch hóa guồng máy vương triều được tiến hành nhanh chóng vào cuối tuần qua. Nhà vua Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz Al Saud tuyên bố thành lập Ủy ban Tối cao chống tham nhũng như một phần trong “chương trình cải cách nhằm giải quyết một vấn đề dai dẳng gây cản trở các nỗ lực phát triển bên trong vương quốc trong những thập niên gần đây”, thông cáo Bộ Thông tin Saudi Arabia đưa tin. An ninh tung lưới tóm gọn: máy bay riêng bị cấm bay, không một đại gia hay hoàng tử nào có thể trốn ra nước ngoài.
Vài giờ trước chiến dịch trên, Ryad thông báo thành lập xong Ủy ban Chống tham nhũng với nhiệm vụ trừng phạt “những kẻ dựa vào thế lực để biển thủ công quỹ”. The National cũng cho biết, các thành viên trong Ủy ban này gồm Chủ tịch Ủy ban Giám sát và Điều tra, Chủ tịch Cơ quan Chống tham nhũng quốc gia, Bộ trưởng Kiểm toán, Tư pháp và An ninh. Theo quyết định này, Ủy ban được trao quyền để "đối phó với những người có dính líu tới các vụ tham nhũng của công".
Người đứng đầu Ủy ban tối cao chống tham nhũng của Saudi Arabia - Thái tử Mohammed bin Salman.
Cụ thể, Ủy ban sẽ có nhiệm vụ xác định 'hành vi, đối tượng, cá nhân hoặc tập thể có liên quan đến các vụ tham nhũng”, theo nguồn tin Al-Arabiya. Theo giới phân tích, các vụ bắt giữ bất ngờ này là chỉ dấu quan trọng nhất cho thấy Thái tử Mohammed bin Salman, 32 tuổi, giữ lời hứa sẽ cải cách vương quốc, vốn từ lâu nay vẫn bị coi là có nhiều tham nhũng ở cấp cao nhất của chính quyền.
Vua Salman đưa con mình, Thái tử Mohammed bin Salman, vào chức vụ đứng đầu Ủy ban Chống tham nhũng, chỉ ít giờ trước khi có chiến dịch bắt giữ. Ngay trước khi chiến dịch này khởi sự, Vua Salman ra lệnh giải nhiệm Tư lệnh Vệ binh Hoàng gia, Hoàng tử Miteb bin Abdullah, người trước đây từng được coi là có thể được đưa lên trị vì Saudi Arabia.
Dường như việc bắt giữ này đã được chuẩn bị từ trước khi nhiều kênh truyền thông trong nước cho hay khách sạn Ritz Carlton ở Riyadh cũng đã được phong tỏa tối trước đó, dấy lên nghi ngờ rằng nơi đây sẽ được sử dụng để giam giữ những hoàng thân bị bắt. Cùng lúc, sân bay dành cho các máy bay riêng cũng đã bị đóng cửa nhằm ngăn chặn những đối tượng tham nhũng trốn chạy.
Trong số những hoàng thân bị bắt, giới quan sát đặc biệt lưu tâm tới Hoàng tử Alwaleed bin Talal, doanh nhân nổi tiếng nhất tại Saudi Arabia. Hoàng tử Alwaleed được xem là nhà đầu tư quan trọng nhất trong ngành công nghiệp công nghệ thông tin, đồng thời nắm giữ lượng cổ phần lớn của nhiều nhà cung cấp dịch vụ TV vệ tinh, công ty sản xuất nội dung, dịch vụ tài chính, bất động sản, du lịch, hàng không...
Song song với lệnh bắt hàng loạt hoàng tử, ba bộ trưởng quan trọng của Saudi Arabia đã bị cách chức, đó là Bộ trưởng Kinh tế và Kế hoạch Adel bin Mohammed Faqih, Đô đốc Tư lệnh Hải quân Abdullah bin Sultan bin Mohammed Al-Sultan và đáng chú ý là Tư lệnh Vệ binh Hoàng gia - Hoàng tử Miteb ben Abdalla - người từng coi là kế nhiệm vương vị.
Cùng lúc đó, Quốc vương Saudi Arabia Salman đã bổ nhiệm 2 bộ trưởng mới, ông Mohammed al-Tuwaijri thay cựu Bộ trưởng Kinh tế Adel Fakieh và ông Khaled bin Ayyaf thay Hoàng tử Miteb bin Abdullah. Kristian Ulrichsen, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu chính sách công Baker thuộc Đại học Rice (Mỹ) bình luận: “Quy mô đợt bắt giữ này dường như chưa từng thấy trong lịch sử Saudi Arabia hiện đại”.
Quả thật, quy mô của chiến dịch chống tham nhũng đã đủ sức cải tổ ngầm nội các và bãi nhiệm những vị trí tưởng như quan trọng bậc nhất, từng được đồn đoán sẽ được truyền lại ngôi vị cao nhất trong hoàng gia.
Hoàng tử Alwaleed bin Talal, một trong số 11 hoàng tử bị bắt hôm 5-11 là một tỉ phú, doanh nhân nổi tiếng nhất tại Saudi Arabia. Ảnh: Reuters.
Nỗ lực cải tổ
Ông Mohammed bin Salman được phong Thái tử sau khi Quốc vương Salman tước bỏ ngôi vị này từ cháu trai - Mohammed bin Nayef. Thái tử Mohammed bin Salman hiện là người kế vị của Saudi Arabia. Được ân sủng đúng vào thời điểm Saudi Arabia đang rơi vào khủng hoảng tài chính vì dầu mất giá.
Năm 2015, IMF đã đưa ra một báo cáo đáng lo ngại đối với Riyad cho thấy Saudi Arabia sẽ hết tiền vào năm 2020. Tăng trưởng kinh tế của Saudi Arabia trong quý II/2017 tiếp tục giảm so với các kỳ trước do giá dầu thấp và do việc nước này phải cắt giảm sản lượng dầu để tuân thủ thỏa thuận quốc tế.
Theo báo cáo của Cơ quan thống kê Saudi Arabia công bố ngày 1-10-2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Vương quốc này trong quý II/2017 giảm xuống còn 2,3% so với mức 3,7% của quý I. Đây là kỳ giảm thứ hai liên tiếp. Nếu xu hướng giảm tiếp tục thì năm 2017 sẽ là năm đầu tiên nền kinh tế của Saudi Arabia suy giảm kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008.
Theo giải thích từ phía Cơ quan thống kê Saudi Arabia, tăng trưởng kinh tế của nước này giảm là do giá dầu vẫn ở mức thấp và trong thời gian qua nước này phải cắt giảm sản lượng dầu khí để tuân thủ thỏa thuận cắt giảm ký kết giữa các nước trong và ngoài OPEC, có hiệu lực từ đầu năm 2016 đến nay. Saudi Arabia là quốc gia đứng đầu OPEC, nên việc tuân thủ thỏa thuận cắt giảm là điều kiện để giữ uy tín cho vương quốc này.
Từ một nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, nhưng đến giữa năm 2014, Saudi Arabia đã phải áp dụng hàng loạt biện pháp tiết kiệm chi tiêu do doanh thu từ dầu mỏ, chiếm hơn 90% tổng thu ngân sách của chính phủ, giảm mạnh do dầu mất giá. Trong 3 năm qua, ngân sách nước này đã bị thâm hụt hơn 200 tỷ USD và dự báo mức thâm hụt ngân sách trong năm 2017 là 53 tỷ USD.
Để bù đắp cho những thiếu hụt này, Ryad đã vay mượn từ các thị trường quốc tế và trong nước, cũng như phải rút khoảng 245 tỷ USD từ nguồn dự trữ ngoại tệ quốc gia.
Trong bối cảnh này, năm 2016, ông Mohammed bin Salman đã công bố "Tầm nhìn 2030" - một kế hoạch dành cho Saudi Arabia thời kỳ hậu dầu mỏ. Trọng tâm của kế hoạch trên là tập trung vào các cải cách kinh doanh và đầu tư. Trong đó, tỷ trọng đóng góp của nguồn thu dầu mỏ vào ngân sách sẽ giảm từ 72% xuống còn 16%. Ngoài ra, Saudi Arabia cũng đề ra các mục tiêu như giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng cường vai trò của ngành kinh tế tư nhân, và nâng cao tỷ lệ phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động.
Kế hoạch trên sẽ được hỗ trợ bởi một quỹ đầu tư lớn nhất thế giới, với quy mô 2.000 tỷ USD. Một phần số tiền này đến từ việc phát hành cổ phiếu ra công chúng của Tập đoàn Dầu mỏ quốc gia của Saudi Arabia là Aramco. Giới chức Saudi Arabia tin tưởng với kế hoạch đầy tham vọng này, đến năm 2020, nước này có thể tồn tại mà không cần dầu mỏ.
Cuối tháng 10-2017, Tập đoàn Dầu khí Aramco đã xác nhận rằng đợt IPO của tập đoàn sẽ diễn ra vào nửa sau của năm 2018. Việc bán 5% cổ phần của Aramco là xương sống của kế hoạch "Tầm nhìn 2030". Dự kiến, việc cổ phần hóa trên sẽ đem lại 100 tỷ USD cho vương quốc Vùng Vịnh này.
Ngoài ra, nhằm đa dạng hóa nền kinh tế trong bối cảnh nguồn tài nguyên dầu lửa cạn dần, Thái tử Mohammed bin Salman cũng đưa ra ý tưởng táo bạo đầu tư 500 tỷ USD cho một siêu đặc khu hành chính, rộng hơn 20.000km2 bên bờ Biển Đỏ.
Để thực hiện được kế hoạch trên, Saudi Arabia sẽ tiến hành tái cấu trúc chính phủ một cách toàn diện và liên tục dựa trên các kế hoạch ưu tiên. Theo đó, vương quốc này bắt đầu nâng cao hình ảnh bộ máy chính phủ bằng cách xóa bỏ Ủy ban Tối cao và thay vào đó thành lập Ủy ban Chính trị - An ninh và Ủy ban Kinh tế phát triển.
Ngoài ra, Saudi Arabia dự kiến thành lập Công ty cổ phần Quốc phòng - An ninh vào cuối năm 2017, bù đắp sự thiếu hụt lực lượng quốc phòng tại quốc gia. Vương quốc sẽ tổ chức lại và giải quyết vấn đề chi tiêu không hợp lý trong ngành quốc phòng - an ninh.
Bản kế hoạch có đoạn: “Chúng tôi hướng đến việc cắt giảm 50% chi tiêu nhập khẩu thiết bị quân sự bằng phương thức địa phương hóa. Một số ngành sản xuất ít phức tạp đã bắt đầu được triển khai như sản xuất phụ tùng, xe bọc thép và đạn dược cơ bản. Chúng tôi hướng đến mở rộng sản xuất những thiết bị phức tạp và có giá trị cao như máy bay quân sự”.
Trong bối cảnh đất nước thiếu tiền trầm trọng, tai tiếng ăn chơi trác táng của các hoàng tử Saudi Arabia lại không hề suy giảm, đây là lý do chính khiến Hoàng tử Mohammed bin Salman tung ra chiến dịch bài trừ tham nhũng chưa từng có ở Saudi Arabia.
Có hay không quân bài chính trị?
Giới quan sát từ lâu nhận định rằng, với đặc thù là một quốc gia quân chủ chuyên chế, không có các cơ chế như nghị viện, hạ viện hay chính đảng, cũng không có một hiến pháp cụ thể, việc quản lý quỹ công và tài sản của gia đình hoàng gia Saudi Arabia dường như không rõ ràng. Chính điều này khiến tham nhũng dễ xảy ra, nhưng cũng khiến việc trấn áp tham nhũng trở nên khó khăn gấp bội. Đó liệu có phải là lý do mà quyền hạn cao nhất của Ủy ban Chống tham nhũng được trao vào tay Thái tử Mohammed bin Salman, người vừa được thăng lên chức Thái tử Saudi Arabia vào ngày 21-6?
Dễ nhận thấy, công cuộc cải tổ tại Saudi Arabia trở nên mạnh mẽ sau khi Vua Salman bin Abdulaziz Al Saud quyết định thay đổi người thừa kế vào hồi tháng 6 năm nay từ người cháu trai là Hoàng thân Mohammed bin Nayef sang Hoàng tử Mohammed bin Salman, con trai ông.
Thái tử Mohammed bin Salman là phó Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng trẻ nhất trên thế giới. Ông cũng là người khởi xướng "Tầm nhìn 2030", một kế hoạch nhằm thay đổi toàn diện Saudi Arabia từ kinh tế đến xã hội. Ở tuổi 32, ông được xem là người kiểm soát thực tế tất cả những ngành quan trọng của Saudi Arabia, từ quốc phòng tới kinh tế.
Theo Straits Times, chiến dịch bắt giữ dường như là động thái mới nhất để củng cố quyền lực của Thái tử Mohammed bin Salman, người con trai được yêu quý và cố vấn hàng đầu của Vua Salman. Các nhà phân tích cũng cho rằng những người bị bắt giữ được cho là có lập trường chống lại chính sách ngoại giao của Thái tử như tẩy chay Qatar hay một số cải cách như tư nhân hóa tài sản nhà nước và cắt giảm viện trợ.
Cần phải lưu ý rằng, sau khi được thành lập, Ủy ban Chống tham nhũng sẽ trình một báo cáo chi tiết cho nhà vua về vấn nạn tham nhũng và những đề xuất, tuy nhiên không có thời gian chính xác cho thấy khi nào báo cáo được công bố. Không có một quy chuẩn nào trong việc định hình đối tượng tham nhũng, vì thế nên Ủy ban Tối cao chống tham nhũng do Thái tử Mohammed bin Salman đứng đầu sẽ là nơi "kiểm soát" tất cả diễn biến trấn áp nạn tham nhũng trong tương lai.
Đây sẽ là bước đà để Thái tử của Vương quốc Saudi Arabia khẳng định vị trí ngày càng quan trọng hơn của mình trong đời sống chính trị và xã hội nước này. Với những quyền lực tối thượng trong việc chống tham nhũng, Thái tử Mohammed bin Salman cùng những bước trấn áp và cải tổ mạnh mẽ của mình chắc chắn khiến giới hoàng thất và quan chức xứ dầu mỏ xôn xao.
Theo CAND