Cuộc hành trình vĩ đại

Cập nhật: 03-06-2016 | 09:39:15

Vào những năm đầu thế kỷ XX, nước ta bị thực dân Pháp thống trị. Không cam chịu nô lệ, nhiều nhà yêu nước nổi tiếng như Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học, Hoàng Hoa Thám, Lương Văn Can... đi tìm đường cứu nước, nhưng kết cuộc đều bị thất bại. Sống trong bối cảnh nước mất, các thế hệ người dân Việt Nam lúc ấy đều mong muốn đánh đuổi giặc Pháp, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

Di tích lịch sử Bến cảng Nhà Rồng hôm nay Ảnh: T.L

Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành được sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đen tối của dân tộc. Sớm có tinh thần yêu nước, từ năm 15 tuổi, Người đã tham gia công tác bí mật, làm liên lạc cho các chiến sĩ yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh nhưng không tán thành đường lối cách mạng của hai người. Do vậy, khi trưởng thành, Nguyễn Tất Thành quyết định sang phương Tây để xem có gì ở đằng sau những khái niệm “tự do”, “bình đẳng”, “bác ái” mà bọn thực dân luôn rêu rao ở thuộc địa và đặc biệt là: “Tôi muốn đi ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”.

Với mục đích rõ ràng là ra đi để xem người khác làm rồi trở về giúp đồng bào, mùa thu năm 1910 Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn, đến ngày 3-6-1911 Người mới xin được làm phụ bếp trên tàu La Touche Tréville với tên gọi Nguyễn Văn Ba. Ngày 5-6- 1911, tàu nhổ neo mang theo hoài bão đi tìm con đường cứu nước của người thanh niên Việt Nam vừa tròn 21 tuổi. Từ đó Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc trở thành người vô sản, làm bất cứ việc gì để sinh sống, đi hầu hết khắp các nước châu Âu, châu Mỹ, châu Phi để tìm hiểu. Bôn ba gần 10 năm, mãi đến khi Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, được đọc bản sơ thảo “Đề cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lênin, Nguyễn Ái Quốc mới tìm được “cái cần thiết cho đồng bào chúng ta hoàn toàn giải phóng”. Từ chủ nghĩa yêu nước Người đã tìm đến chủ nghĩa Mác - Lênin. Đây là bước ngoặt quan trọng trên con đường cách mạng cứu dân cứu nước của Bác, đã mở ra một thời kỳ mới đưa cách mạng Việt Nam vượt qua phong ba bão táp đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước ngày 5-6-1911, cách đây hơn 105 năm được thực tiễn lịch sử khẳng định, đó là sự mở đầu cho một cuộc hành trình vĩ đại, vô cùng gian lao, quả cảm và sáng tạo suốt 30 năm đi tìm chân lý, tìm con đường giải phóng cho cả dân tộc Việt Nam của Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh. Và thật kỳ diệu, sự khởi đầu đó đã đi vào lịch sử dân tộc như một sự kiện lớn lao, một mốc son đánh dấu giai đoạn lịch sử vẻ vang, mở ra cuộc hành trình của toàn dân tộc Việt Nam đoàn kết một lòng, kiên cường đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, thống nhất non sông, vững bước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội...

Từ bến cảng Nhà Rồng, tàu đi qua cảng Côlômbô (nay là Xrilanca), cảng Poxait (Ai Cập) rồi đến Mác-Xây ngày 6-7-1911. Từ Pháp, Người tiếp tục đi Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Tuy-ni-di, An-giê-ri, Ghi-nê xích đạo… Trong cuộc hành trình của mình, làm thuê trên chiếc tàu vòng quanh châu Phi, Người đã tận mắt trông thấy những cảnh khổ cực, lầm than của người da đen dưới roi vọt của bọn thực dân. Đến cuối năm 1913, Người từ Mỹ trở qua Anh, rồi về Pháp. Sau những năm bôn ba, làm đủ nghề để kiếm sống, hòa mình trong phong trào quần chúng, người lao động ở các nước đế quốc, tư bản và nhận rõ ở đâu cũng có 2 loại người: người giàu, người nghèo, người áp bức và người bị áp bức.

Năm 1917, sau sự kiện Cách mạng Tháng Mười Nga, Người trở về Pháp, hòa mình trong phong trào đấu tranh chính trị sôi nổi của nước Pháp và tham gia Đảng xã hội Pháp. Tháng 7-1920, sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin đến được với Người. Từ bản luận cương của Lênin, Người đã tìm thấy phương hướng và đường lối cơ bản của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, trong đó có cách mạng Việt Nam, “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”. Tháng 12-1920, tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng xã hội Pháp, Người tán thành Quốc tế III và trở thành người Việt Nam đầu tiên tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.

Tháng 7-1920, sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin đến được với Người. Từ bản luận cương của Lênin, Người đã tìm thấy phương hướng và đường lối cơ bản của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, trong đó có cách mạng Việt Nam, “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”. Tháng 12-1920, tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng xã hội Pháp, Người tán thành Quốc tế III và trở thành người Việt Nam đầu tiên tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.

Năm 1920 đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, Người tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc ta, đó là: kết hợp tinh thần yêu nước với tinh thần quốc tế vô sản, Người đã đi từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác - Lênin. Sau khi tìm được con đường cứu nước đúng đắn để giải phóng dân tộc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tập trung truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị những tiền đề chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của một đảng cách mạng tiền phong của giai cấp công nhân Việt Nam.

Đến tháng 6-1925, Nguyễn Ái Quốc đã chính thức thành lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội và tổ chức “Cộng sản đoàn” làm nòng cốt cho hội, đào tạo cán bộ cộng sản để lãnh đạo hội và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam. Trước yêu cầu bức thiết của cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ, ngày 3-2-1930, Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ khi có Đảng lãnh đạo, phong trào cách mạng Việt Nam chuyển biến từ tự phát sang tự giác và giành được nhiều thắng lợi to lớn nâng dần chất và lượng.

Sự kiện ngày 5-6-1911 là một sự kiện vĩ đại của lịch sử dân tộc, không những đã chứng tỏ sự lựa chọn đúng đắn, sáng suốt và công lao to lớn của Bác Hồ trên hành trình tìm đường cứu nước và giải phóng cho nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam, mà còn là động lực giúp chúng ta càng phấn khởi, củng cố niềm tin, tiếp tục giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vững bước trên con đường Người đã chọn, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, đồng bộ, hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, xây dựng quốc phòng, an ninh vững mạnh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” theo mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” (còn tiếp).

 

P.V (tổng hợp)

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=694
Quay lên trên