Ngày 13-11, 6 tháng sau khi nhậm chức, Tổng thống Pháp Francois Hollande có cuộc họp báo đầu tiên của nhiệm kỳ 5 năm tại Điện Elysée. Đây là thời khắc quan trọng đã trở thành truyền thống trong nhiệm kỳ của mọi tổng thống Pháp, là dịp để tổng thống đánh bóng lại hình ảnh không còn “lung linh” trên mặt báo chí hay qua các cuộc thăm dò dư luận, là lúc lấy lại lòng tin của người dân nhưng đôi khi cũng là con dao hai lưỡi.
Cơ hội “vàng”
Tham dự cuộc họp báo này có tới 400 nhà báo Pháp và nước ngoài đến từ 190 cơ quan báo, đài và hãng tin. Cuộc họp được truyền hình trực tiếp trên kênh France 2 và các kênh tin tức. Nhân dịp này, các phương tiện truyền thông tranh thủ phát lại những câu nói khó quên của các cựu tổng thống trong những lần họp báo trước như “châu Âu, châu Âu, châu Âu” của Charles de Gaulle, Georges Pompidou trích dẫn Paul Eluard hay “với Carla, đó là chuyện nghiêm túc” của ông Nicolas Sarkozy. 4 năm trước, năm 2008, hơn 650 phóng viên đã đăng ký tham dự cuộc họp báo đầu tiên của ông Sarkozy.
Tổng thống Pháp F.Hollande. Cạnh tranh, tăng thuế VAT, vai trò của thủ tướng, hôn nhân đồng tính, nguy cơ suy thoái, căng thẳng giữa các thành viên đảng Cộng sản với các nhà sinh thái, các cuộc khủng hoảng quốc tế là những chủ đề thời sự được nhắc tới trong 2 tiếng đồng hồ họp báo của ông Hollande. Tổng thống Hollande đã chọn họp báo đúng vào thời điểm chính phủ đang tìm các bước chuyển tế nhị nhằm khôi phục lại sức cạnh tranh của kinh tế Pháp.
Trong những ngày vận động tranh cử, ông Hollande đã không quên nhắc tới truyền thống họp báo này. Ngay từ đầu tháng 4, ông tuyên bố là Tổng thống nước Cộng hòa, cứ mỗi 6 tháng, ông sẽ tổ chức họp báo kiểm điểm lại hoạt động của mình, đồng thời nhấn mạnh họp báo sẽ không diễn ra tại Điện Elysée mà tại một nơi mà “ai cũng cảm thấy như ở nhà mình”. Nhưng 6 tháng sau bầu cử, họp báo lại diễn ra tại phòng khánh tiết trong Điện Elysée. Lý do phía tổng thống đưa ra là ông muốn gửi thông điệp sẽ tới người dân Pháp từ nơi hàng ngày tổng thống suy nghĩ và đưa ra mọi quyết định. Theo lời các bộ trưởng, tổng thống sẽ chứng minh cho người dân thấy tầm nhìn và hướng đi ông đã chọn. Đây là thời khắc để hành động, thực hiện và hoàn thành các mục tiêu quan trọng như việc làm, tái công nghiệp hóa và đầu tư.
Theo Chủ tịch Viện CSA Bernard Sananes, Tổng thống Hollande trước hết đã “mang lại cho người Pháp lý do để hy vọng trong khi cuộc khủng hoảng vẫn đang hiện hữu và tinh thần người dân xuống mức thấp nhất”. Sau đó, ông Hollande lại chỉ ra rằng chính phủ đã chệch hướng khi Thủ tướng Jean-marc Ayrault mắc chuỗi sai lầm. Dư luận sẵn sàng chấp nhận những thay đổi, chẳng hạn về thuế VAT, nhưng họ sẽ phán xét nó trên 2 tiêu chí: điều đó có đúng đắn hay không và hiệu quả sẽ thế nào?
Mặt đối mặt
Những người thân cận kể rằng tổng thống rất nôn nóng chờ đến cuộc họp báo này. Ông Hollande hiểu đây là cơ hội để thuyết phục người Pháp hãy tin tưởng và sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi. Cuộc họp báo diễn ra trong bối cảnh 5 nghiệp đoàn giao thông dự định biểu tình quy mô lớn phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng ở Pháp; tỷ lệ tội phạm tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái; thất nghiệp vẫn không ngừng tăng… Trong 2 giờ họp báo, Tổng thống Hollande sẽ có khoảng 20 phút nói về thời sự trong nước, sau đó sẽ là phần hỏi - đáp mặt đối mặt. Đây là phần hồi hộp và khó đoán nhất, theo đánh giá của chính phủ. Có lẽ vì vậy mà 8 bộ trưởng đã báo vắng mặt.
Trái với tổng thống tiền nhiệm là ông Sarkozy, ông Hollande có một bất lợi là trước khi có cuộc họp báo, uy tín của người đứng đầu nước Pháp vẫn đang ở mức thấp. 3 cuộc thăm dò (của BVA, Ipsos và LH2) công bố hôm 12-11 cho thấy chỉ có 41%-44% số người được hỏi ủng hộ tổng thống và chính phủ, 55% người không ủng hộ. Ông Sarkozy 1 năm sau mới phải chịu cảnh này.
Tăng thuế là yếu tố đầu tiên khiến Tổng thống và chính phủ Pháp mất điểm khi đối diện với khủng hoảng mà không có giải pháp, theo thăm dò của Libération ngày 13-11. Người dân cũng không bằng lòng với thái độ của tổng thống cũng như các thành viên trong nội các. Trong đó, Thủ tướng Jean-Marc Ayrault bị đánh giá là quá xa rời thực tế người dân và không làm tốt vai trò của mình. 25% người được hỏi cho rằng không có bất kỳ yếu tố tích cực nào liên quan tới Tổng thống và chính phủ, khoảng 23% khác thì nhận định họ thấy có cải tiến trong công bằng xã hội, quyết tâm giảm thâm hụt ngân sách (19%) và ý chí của một vài bộ trưởng có vẻ tích cực.
Giới quan sát khẳng định tuy cuộc họp báo diễn ra tại Pháp nhưng sẽ được người Đức lắng nghe rất chăm chú. Từ nhiều ngày nay, Đức đã đánh tiếng (dù không chính thức) rằng họ đang lo lắng cho nền kinh tế của nước Pháp láng giềng, nhất là về sự thiếu sức cạnh tranh và tăng trưởng. Đức cũng đã hối thúc Paris tiến hành cải cách thị trường lao động, giảm chi tiêu ngân sách, những điều đã thành công ở Đức. Ngày 15-11 tới, Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault sẽ tới Berlin để tiếp tục tìm cách rút ngắn khoảng cách khác biệt giữa hai nền kinh tế đứng đầu EU.
Có thể nói ông Hollande được đánh giá là một chuyên gia thực thụ. Là người theo cánh tả, ông coi thuế như một công cụ để sửa chữa những bất bình đẳng xã hội, những tiến bộ về thuế đã làm tăng ngân sách cho năm 2013. Tuy nhiên, ông chưa tiến xa được như đảng của mình mong đợi. Vấn đề đặt ra là chính phủ đang thực sự thiếu chính sách cụ thể và thiếu phương pháp sư phạm. Hình ảnh vị tổng thống đảng Xã hội bình dị tươi cười giờ đã không còn được đánh giá cao như xưa. Dù vậy, ông Hollande vẫn tự tin khẳng định không buồn lòng về những lời kêu than của dân chúng mà ngược lại, đó sẽ là động lực để ông tiếp tục cố gắng để chinh phục lại nước Pháp.
Theo SGGP