Sau hơn 2 năm tiến hành xét xử, Tòa án Quân sự Tối cao Bulgaria vừa ra phán quyết, tuyên phạt bị cáo - Trung tướng Kircho Kirov, 63 tuổi, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia (NRS) mức án 10 năm tù về tội biển thủ công quỹ khi còn đương chức, kèm hình phạt bổ sung là tịch thu một nửa tài sản, cũng như cấm đương sự giữ các chức vụ trong bộ máy nhà nước trong thời hạn 5 năm sau khi mãn hạn tù.
Ông K. Kirov (đeo kính) rời tòa sau khi có phán quyết.
Phiên tòa được mở vào đầu tháng 7-2013, do tính chất đặc biệt của vụ án liên quan đến những bí mật quốc gia nên tòa tiến hành xử kín, không cho các phóng viên báo đài tham dự như các vụ án tham nhũng cộm cán khác.
Theo cáo trạng của Viện Công tố Quân sự Tối cao, từ năm 2007 đến 2011 trên cương vị là Giám đốc NRS, Kirov đã nhiều lần ký phiếu thanh toán nhằm chiếm đoạt số tiền lên tới 4,7 triệu leva, tương đương 1,5 triệu USD từ ngân sách của NRS, thể hiện qua những khoản chi không có thực bị Cơ quan Kiểm toán Nhà nước phát hiện ra.
Để hợp thức hóa số tiền khổng lồ đã biển thủ, lợi dụng quyền hạn của mình, Kirov đã cho lập hơn 1.100 hóa đơn chứng từ, bao gồm các khoản chi khác nhau cho mục đích thực hiện những "chiến dịch bí mật" ở nước ngoài, trong khi các bộ phận hữu quan thuộc NRS lại không hay biết gì về việc tiến hành các chiến dịch này. Cáo trạng đề nghị áp dụng khung hình phạt đối với tội lạm dụng công quỹ có hệ thống với số tiền lớn, cùng mức án tối đa là 20 năm tù, đồng thời bị tịch thu toàn bộ hoặc một phần tài sản cá nhân có được do tham nhũng.
Trong quá trình xử án, nhiều nhân chứng thuộc giới chính khách cao cấp đã được tòa triệu tập đối chất với bị cáo, như Thủ tướng Boiko Borisov và Bộ trưởng Bộ Tài chính Ivailo Kalfin, cựu Tổng thống Georgi Parvanov, cựu Thủ tướng Sergei Stanishev... làm sáng tỏ quá trình phạm tội lạm dụng công quỹ của bị cáo. Theo lời thẩm phán Elin Aleksov, Phát ngôn viên của Tòa án Quân sự Tối cao Bulgaria thì hồ sơ xét xử gồm hơn 30.000 trang tài liệu, bao gồm các bằng chứng và lời khai của các nhân chứng liên quan, đã chứng tỏ hành vi tội phạm có hệ thống của cựu Giám đốc NRS K. Kirov.
Về phần mình, với lý do bị truy tố vì động cơ chính trị nên ông Kirov đã nhiều lần cố tình vắng mặt, không đến dự phiên xử trong vai bị trò cáo nên tòa phải tạm hoãn dẫn đến quá trình xử dây dưa kéo dài suốt hơn 2 năm. Sau khi nghe phán quyết, ông Kirov tuyên bố sẽ kháng cáo lên Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECtHR) tại Strasbourg (Pháp), để đòi công lý cho bản thân về quyền dân sự và quyền lợi chính trị. Chiểu theo Công ước châu Âu về Nhân quyền (ECHR) mà Bulgaria là một thành viên tham gia ký kết, những ai gửi đơn kháng nghị lên ECtHR được hưởng quyền tại ngoại, chưa phải chấp hành hình phạt theo án đã tuyên cho đến khi có quyết định cuối cùng từ ECtHR.
Phát biểu với phóng viên Đài Truyền hình Nova TV tại nhà riêng sau khi có phán quyết, Kirov phủ nhận mọi cáo buộc mang tính áp đặt đối với ông; đồng thời cho biết số tiền không có thất thoát đi đâu hết, mà thực ra đã được chi để trả tiền chuộc cho các nhân viên y tế người Bulgaria bị phía Libya kết án tù vào năm 2007, cũng như cho 2 phi công Bulgaria bị các phần tử Sudan quá khích bắt cóc năm 2011.
"Để giữ uy thế của mình, không một cơ quan tình báo nào trên thế giới này công khai thừa nhận rằng mình đã bỏ tiền chuộc các công dân, bởi như vậy sẽ tạo tiền lệ xấu khuyến khích nạn bắt cóc con tin - cựu Giám đốc NRS giãi bày - Tuy vấn đề thuộc phạm trù bí mật quốc gia, nhưng đã đến nông nỗi này tôi đành phải tiết lộ cho mọi người biết. Còn bản thân lương tâm tôi hoàn toàn thanh thản với đạo đức nghề nghiệp, bởi tôi đã làm đúng chức trách của mình là đem lại tự do cho những công dân bị cầm giữ ở nước ngoài, một lĩnh vực nhạy cảm vốn được công luận trong nước và quốc tế đặc biệt quan tâm".
NRS được thành lập vào tháng 2-1990 trên cơ sở Tổng cục I của Ủy ban An ninh Nhà nước (KDS) trước kia, là Cơ quan Tình báo đối ngoại chịu trách nhiệm trực tiếp trước Tổng thống. Trung tướng K. Kirov được Tổng thống G. Parvanov bổ nhiệm làm Giám đốc NRS vào cuối tháng 1-2002, cũng là người đứng đầu cơ quan tình báo trọng yếu này với thời hạn lâu nhất trong suốt 10 năm liên tiếp.
Theo CAND