Ngày 13-8-2015, cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter thông báo ông mắc bệnh ung thư tế bào hắc tố (ung thư da) và bệnh đã di căn ra nhiều bộ phận khác trong cơ thể. Sau một thời gian điều trị, ngày 6-12, ông Carter lại thông báo ông đã hết bệnh ung thư. Chuyện này thực ra là như thế nào? Y học có phép màu nhanh đến thế sao?
Trong thông báo trên, ông Carter cho biết, kết quả quét chụp cộng hưởng từ (MRI) gần đây nhất vào đầu tháng 12 cho thấy ổ ung thư cũ và cả các ổ di căn trong gan và trên não của ông đã mất hẳn. Trong thông báo hồi tháng 8-2015, ông Carter nói rằng ông tình cờ phát hiện bệnh ung thư da khi đi khám bệnh hồi cuối tháng 5. Khi đó, ông đã phải bỏ hai buổi dạy học ở Nhà thờ Maranatha Baptist ở Plains, bang Georgia.
Bệnh đã đến giai đoạn di căn, cho nên các bác sĩ tiếp tục quét MRI toàn thân để tìm ổ di căn, và đã phát hiện ổ di căn ở khắp cơ thể ông, kể cả ở gan và 4 vị trí trên não. Tình hình rất nguy hiểm, các bác sĩ ở Viện Ung thư Winship thuộc Đại học Emory ở Atlanta đã tích cực điều trị cho ông.
Ông Jimmy Carter năm nay 91 tuổi, là một trong những tổng thống được nhiều người mến mộ nhất, đặc biệt là sau khi ông rời khỏi Nhà Trắng. Thế giới biết đến ông Carter qua những hoạt động vì hòa bình, hòa giải của ông. Ông là thành viên câu lạc bộ lãnh đạo thế giới mang tên The Elders. Đồng thời, ông cũng là một trong những người phê phán gay gắt Tổng thống George W. Bush và Thủ tướng Anh Tony Blair khi 2 ông này phát động cuộc chiến xâm lược Iraq năm 2003.
Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter tươi cười thông báo mình đã "hết bệnh ung thư".
Trong 20 năm qua, ông đã đến nhiều nơi, như đến CHDCND Triều Tiên năm 1994 để thúc đẩy ký kết Thỏa thuận Khung giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên về chương trình hạt nhân của nước này. Rồi ông đến Trung Đông, Nam Mỹ, châu Phi để vận động, làm trung gian hòa giải các mâu thuẫn, xung đột. Năm 2002, ông đến Cuba hội đàm với Chủ tịch Fidel Castro; năm 2008 đến Ecuador xúc tiến hòa giải thành công, góp phần xóa đi mâu thuẫn giữa nước này với Colombia.
Năm 2009, ông đến thăm Việt Nam và ủng hộ tài chính xây dựng nhà ở cho người nghèo ở tỉnh Hải Dương. Năm 2010, Carter trở lại CHDCND Triều Tiên lần thứ hai để giải cứu một công dân Mỹ bị giam cầm tại đây. Với những hoạt động ngoại giao vì hòa bình, hòa giải, ông đã được trao Giải Nobel Hòa bình năm 2002 cùng với Trung tâm Carter của ông.
Theo bác sĩ Leonard Lichtenfeld, người phụ trách theo dõi bệnh trạng của cựu Tổng thống Carter, bệnh ung thư tế bào hắc tố ở giai đoạn di căn là vô cùng nguy hiểm, nếu không điều trị kịp thời có thể đe dọa tính mạng. Bác sĩ Lichtenfeld nói, điều may mắn cho ông Carter là ngay từ khi phát hiện các thương tổn di căn ung thư, các bác sĩ đã kiểm soát tốt và đưa ra được phương pháp điều trị thích hợp.
Sự can thiệp kịp thời và tích cực của các bác sĩ chính là "phép màu" giúp cho việc điều trị ung thư của cựu Tổng thống Carter trở nên thuận lợi, dễ dàng và hiệu quả hơn. Một điều quan trọng nữa trong điều trị bệnh ung thư là ngay từ khi phát hiện bệnh, ông Carter đã biết rõ căn bệnh của mình và có tâm thế tốt, sẵn sàng đối phó với bệnh tật.
Theo bác sĩ Lichtenfeld, để điều trị các ổ di căn đó, các bác sĩ đã phải phối hợp nhiều biện pháp trị liệu. Ông Carter đã phải trải qua một ca phẫu thuật để cắt bỏ một phần lá gan nhiễm ung thư, đồng thời điều trị tích cực các ổ di căn trên não theo phác đồ 3 tuần một lần trị liệu bằng thuốc miễn dịch. Các vị trí di căn khác được điều trị bằng phương pháp xạ trị. Liệu pháp miễn dịch là cách tốt nhất để điều trị ung thư di căn nhiều nơi trong cơ thể.
Các tế bào di căn đã "khóa chặt" các tế bào miễn dịch khiến chúng không có phản ứng trước sự "xâm lăng" của các tế bào ung thư, dẫn đến việc cơ thể bị suy yếu. Vì thế, liệu pháp miễn dịch được sử dụng - bằng cách dùng thuốc hỗ trợ, tăng cường hệ miễn dịch - để giúp các tế bào miễn dịch hoạt động trở lại, giúp cơ thể hồi phục khả năng chống đỡ với bệnh tật.
Tháng 11 vừa qua, các bác sĩ ở Viện Ung thư Winship thông báo tình hình sức khỏe ông Carter có dấu hiệu khả quan, do cơ thể ông đáp ứng tốt với phương pháp điều trị.
Tuy nhiên, bác sĩ Lichtenfeld cho biết, thuốc hỗ trợ miễn dịch có tác dụng phụ là gây ra các triệu chứng như tiêu chảy, thổ tả và mất vị giác (ăn không biết ngon). Hơn nữa, loại thuốc này có công hiệu trong khoảng thời gian nhất định, dài hay ngắn tùy thể trạng người bệnh, chứ không kéo dài mãi mãi.
Bác sĩ Lichtenfeld nói, hiện tại vẫn chưa thể tuyên bố một cách chắc chắn rằng việc các tế bào ung thư và di căn biến mất có phải là dấu hiệu bệnh khỏi hẳn hay chưa, và hiện tại ông Carter vẫn tiếp tục điều trị theo phác đồ 3 tuần một lần theo liệu pháp miễn dịch. Vì một số ổ ung thư rất nhỏ có thể vẫn còn nhưng máy quét MRI không nhìn thấy được. Và trong điều trị ung thư, có khi bệnh đã khỏi hẳn, nhưng một thời gian sau bệnh vẫn có thể tái phát.
Bác sĩ Lichtenfeld cũng như những người mến mộ ông Carter hy vọng rằng, thời gian đó sẽ kéo dài, thậm chí họ cầu nguyện cho bệnh của ông đừng tái phát. Khi đó các liệu pháp y khoa mới thật sự là "phép màu" chữa khỏi hẳn bệnh ung thư của ông.
Theo CAND