Hiện nay, dịch vụ truyền hình trả tiền (THTT) như truyền hình cáp, truyền hình qua vệ tinh, truyền hình qua internet, truyền hình số... đang phát triển mạnh. Tại Bình Dương, hiện có 9 đơn vị cung cấp dịch vụ THTT với nhiều hình thức khác nhau giúp khách hàng có nhiều lựa chọn.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), hiện nay trên địa bàn tỉnh có 9 đơn vị cung cấp dịch vụ THTT như: Viễn thông Bình Dương, Viettel Bình Dương, Truyền hình cáp Saigon Tourist (SCTV), Bưu điện tỉnh, Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam - Chi nhánh Bình Dương (K+), Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện Việt Nam - Chi nhánh Bình Dương (VTC)… Những đơn vị này cung cấp dịch vụ THTT theo các phương thức, gói dịch vụ, chất lượng kênh khác nhau như truyền hình cáp, truyền hình internet (NextTV, OneTV, MyTV), truyền hình kỹ thuật số vệ tinh (K+, AVG), truyền hình kỹ thuật số mặt đất (VTC, AVG)…
Ông Trịnh Hữu Tình, Phó Giám đốc Công ty TNHH Truyền hình cáp Bình Dương- HTVC (BHTVC) cho biết, nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu cho người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh, đơn vị đã triển khai kênh truyền hình cáp với 160 kênh, trong đó có 40 kênh tiêu chuẩn HD. Với việc áp dụng cáp quang theo công nghệ GPON (kiến trúc mạng nhiều điểm), do sử dụng các thiết bị chia thụ động không cần cấp nguồn điện cho nên đạt được nhiều lợi ích như có thể đặt bất cứ đâu, gần như không bị ảnh hưởng bởi thời tiết sét, mưa bão... Bên cạnh đó, với tốc độ truyền tải rất lớn, có thể lên tới 10Gbps, công nghệ này sẽ bảo đảm việc truyền tín hiệu truyền hình cáp và các dịch vụ gia tăng đi kèm như truy cập internet, hội nghị trực tuyến...
Hiện nay, khách hàng trong tỉnh có nhiều lựa chọn tham gia dịch vụ THTT. Trong ảnh: Nhân viên BHTVC tư vấn gói cước truyền hình cáp cho khách hàng. Ảnh: H.PHẠM
“Hiện nay, khách hàng có nhiều lựa chọn khi tham gia dịch vụ THTT. Gia đình tôi cũng vừa lắp đặt dịch vụ truyền hình internet Next TV của Viettel, với gói cước FTTH TV được sử dụng đồng thời đường truyền internet cáp quang và dịch vụ truyền hình NextTV”, anh Lê Hoàng Nguyên ở phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một cho biết.
Với mục tiêu xây dựng và phát triển các dịch vụ viễn thông cơ bản và internet trong toàn tỉnh đến mọi tầng lớp trong xã hội, đồng thời phát triển nhanh các dịch vụ mới, dịch vụ gia tăng giá trị đáp ứng nhu cầu người dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo Quy hoạch phát triển bưu chính, viễn thông tỉnh Bình Dương đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 và mục tiêu Bình Dương phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2020, các đơn vị kinh doanh THTT đang đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, nâng cao chất lượng đường truyền cũng như tích hợp nhiều sản phẩm cùng một đường truyền...
Ông Phan Thanh Nam, Trưởng phòng Bưu chính viễn thông, Sở TT&TT cho biết, hiện nay hạ tầng của các đơn vị cung cấp dịch vụ THTT đã được triển khai khá tốt, đáp ứng được tốc độ truyền tải các dịch vụ truyền hình cáp, kỹ thuật số, truyền hình internet... Nhằm đạt kế hoạch phát triển dịch vụ THTT theo hướng hiện đại, sở cũng đã làm việc với các đơn vị viễn thông, đơn vị cung cấp dịch vụ THTT để có biện pháp triển khai đồng bộ các giải pháp để tận dụng đường truyền, tích hợp nhiều sản phẩm, tránh lãng phí trong đầu tư hạ tầng và bảo đảm mỹ quan đô thị.
Hiện nay, dịch vụ THTT tại Bình Dương đang cung cấp 192 kênh, trong đó có 124 kênh trong nước (65%) và 68 kênh nước ngoài (35%); có 11 ngôn ngữ được phát, trong đó tiếng Anh chiếm 59%. Các kênh được phát theo chuẩn SD và HD; một số kênh thử nghiệm phát 3D. Tổng số thuê bao trên địa bàn tỉnh đạt gần 100.000 thuê bao
HOÀNG PHẠM