Trong suốt nhiệm kỳ 2015-2020, các cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Tân Uyên đã chủ động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI, đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra. Nhân dịp Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Bắc Tân Uyên lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với đồng chí Thái Thanh Bình, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên để làm rõ thêm những thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội của huyện trong nhiệm kỳ qua.
Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ huyện Bắc Tân Uyên đã lãnh đạo thực hiện thắng lợi 3 chương trình đột phá về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển công nghiệp nhanh, bền vững. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Kết quả từ các chương trình đột phá
- Thưa đồng chí, giai đoạn 5 năm (2015-2020) đánh dấu sự nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bắc Tân Uyên trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, trong đó trọng tâm là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI. Đồng chí có thể khái quát lại những thành tựu cơ bản trên các mặt của huyện trong nhiệm kỳ qua?
- Trong 5 năm qua, huyện đã thực hiện cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng quát và các chương trình, kế hoạch thực hiện nghị quyết đề ra của cả nhiệm kỳ. Huyện không ngừng củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo của toàn Đảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, tạo môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư; bảo đảm quốc phòng, ổn định an ninh chính trị, giữ vững trật tự an toàn xã hội; khai thác tối đa mọi nguồn lực để tập trung xây dựng nông thôn mới (NTM) và phát triển kết cấu hạ tầng ngày càng đồng bộ; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.
Đảng bộ huyện đã xây dựng và triển khai thực hiện nhiều chương trình hành động, trong đó có 3 chương trình đột phá về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển công nghiệp nhanh, bền vững. Qua đó, hệ thống kết cấu hạ tầng của huyện ngày càng được đầu tư đồng bộ và phục vụ tốt cho nhu cầu của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân và doanh nghiệp. Công nghiệp đã có những bước phát triển khá, duy trì mức tăng trưởng ổn định hàng năm. Giá trị sản xuất trên các lĩnh vực đều duy trì mức tăng trưởng ổn định, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Trong đó, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp tăng bình quân 3,97%/năm (nghị quyết 3,5% - 4,5%/năm); giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 12,47%/ năm (nghị quyết 11% - 13%/ năm); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân 14,31%/năm (nghị quyết 13% - 15%/năm); thu ngân sách tăng bình quân 19,5%/năm (nghị quyết 8% - 10%/năm). Tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM đạt 100% (nghị quyết 100%); tỷ lệ trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia đạt 68% (nghị quyết trên 50%); tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 99,9% (nghị quyết 99,9%); tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế đạt 100% (nghị quyết 100%); cơ bản thoát nghèo theo tiêu chí của tỉnh (nghị quyết cơ bản thoát nghèo theo tiêu chí của tỉnh). Hàng năm, huyện giải quyết việc làm cho 2.898 lao động (nghị quyết 1.500 lao động/ năm); tỷ lệ hộ gia đình đạt tiêu chuẩn về văn hóa hàng năm đạt 96,6% (nghị quyết 96%); tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt 99,9% (nghị quyết 99,9%). Tính đến cuối tháng 4-2020, Đảng bộ huyện đã kết nạp 661 đảng viên mới...
- Thưa đồng chí, đâu là những nguyên nhân cơ bản để huyện đạt được những kết quả như trên?
- Trước hết, Bắc Tân Uyên có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đặc biệt là việc phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái có múi kết hợp với du lịch sinh thái và tham quan các di tích văn hóa lịch sử. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ngành tỉnh luôn tích cực quan tâm hỗ trợ cho huyện trong việc đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo tiền đề thuận lợi để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Song song đó, sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân và sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp là những yếu tố hết sức quan trọng, thuận lợi để góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở luôn đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo và điều hành. Qua quá trình hoạt động và phát triển, kinh nghiệm, năng lực, trình độ lãnh đạo quản lý, năng lực chuyên môn của cấp ủy, chính quyền, cán bộ công chức, viên chức từ huyện đến cơ sở từng bước đã được nâng lên, đáp ứng tốt hơn quá trình chỉ đạo, điều hành và thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của huyện.
Tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm
- Trong thời gian tới, Bắc Tân Uyên sẽ đề ra các mục tiêu phát triển như thế nào và đâu là những giải pháp sẽ được huyện tập trung triển khai thực hiện, thưa đồng chí?
- Mục tiêu tổng quát trong 5 năm tới của huyện là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp. Bảo đảm phát triển kinh tế bền vững theo hướng ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đẩy mạnh phát triển công nghiệp - dịch vụ, tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với xây dựng NTM nâng cao, đô thị văn minh. Bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Xây dựng, phát triển huyện Bắc Tân Uyên ngày càng văn minh, hiện đại, thân thiện với môi trường”.
Để thực hiện được mục tiêu trên, huyện sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong lĩnh vực kinh tế, huyện tập trung rà soát, điều chỉnh các nhiệm vụ trên lĩnh vực nông nghiệp, tích hợp vào các quy hoạch ngành, quy hoạch của tỉnh, quy hoạch xây dựng vùng của huyện và quy hoạch xây dựng xã nông thôn gắn với đầu tư đồng bộ hạ tầng nông thôn và hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp; tái cơ cấu lại lĩnh vực sản xuất theo hướng ưu tiên phát triển chăn nuôi tập trung, ứng dụng công nghệ cao, trồng trọt theo quy mô trang trại, phát triển các cây trồng có lợi thế của huyện; tiếp tục thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp; tập trung quy hoạch các vùng sản xuất công nghiệp, thực hiện tốt các chương trình khuyến công, khuyến khích đầu tư ngành nghề áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến và không ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường; tạo mọi điều kiện thuận lợi để thương mại - dịch vụ tăng trưởng nhanh và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của huyện.
Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, huyện duy trì, nâng cao chất lượng dạy và học ở các cấp học theo mục tiêu Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị vật chất cho ngành y tế; đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; huy động tối đa mọi nguồn lực để tổ chức tốt các hoạt động an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa.
Huyện sẽ tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ, bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của các cấp ủy Đảng đối với công tác quốc phòng - quân sự địa phương, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo vệ Tổ quốc; lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên việc xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng vũ trang; tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp về xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Đảng bộ huyện đổi mới phương thức hoạt động và thực hiện tốt chức năng lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng; sắp xếp tổ chức, bộ máy hệ thống chính trị huyện tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; HĐND các cấp tiếp tục nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn, nâng cao chất lượng các kỳ họp và chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND, gắn với kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy chuyên trách; tiếp tục lãnh đạo quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở về vị trí vai trò công tác dân vận trong tình hình mới; tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội...
CAO SƠN (thực hiện)