Thời gian qua, thực hiện chủ trương về xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (TDBVANTQ), Công an tỉnh nói chung và lực lượng An ninh nhân dân nói riêng đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm phát huy vai trò của các chức sắc tôn giáo trong công tác giữ gìn an ninh trật tự (ANTT), thực hiện chủ trương đại đoàn kết dân tộc. Đại tá Phạm Ngọc Việt, Phó Giám đốc Công an (CA) tỉnh đã dành cho phóng viên cuộc phỏng vấn liên quan đến vấn đề này…
P.V: Xin đồng chí cho biết kết quả chủ trương xây dựng phong trào TDBVANTQ trên địa bàn tỉnh thời gian qua?
- Nhận thức về công tác bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và cả hệ thống chính trị, phong trào TDBVANTQ nói chung và phong trào TDBVANTQ trong vùng giáo nói riêng những năm qua đã được lãnh đạo Bộ CA, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, CA các tỉnh đề ra nhiều chủ trương, kế hoạch, chỉ thị để quán triệt trong toàn lực lượng CA thực hiện nhằm tiếp tục duy trì, phát huy vai trò của các chức sắc tôn giáo trong tuyên truyền vận động người theo đạo tích cực tham gia các hoạt động, phong trào giữ gìn ANTT, xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương.
Cho đến nay, các tôn giáo trên địa bàn tỉnh về cơ bản đã thực hiện rất nghiêm túc các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về vấn đề tôn giáo, tuân thủ các quy định của chính quyền địa phương, thực hiện đúng chương trình đã đăng ký hàng năm. Có thể nói, các hoạt động tôn giáo trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, đi vào nề nếp, được sự đón nhận của các tín đồ tin đạo.
Những chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh chụp ảnh lưu niệm tại tượng đài “Khát vọng thống nhất” bên cầu Hiền Lương trong hoạt động của “Hành trình xuyên Việt”
P.V: Những giải pháp nào đã được tập trung thực hiện thưa đồng chí?
- Để có một phong trào quần chúng BVANTQ trong vùng tôn giáo mạnh, được duy trì thường xuyên với nhiều nội dung, hình thức phong phú, CA tỉnh đã tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều chỉ thị, kế hoạch và chương trình hành động với việc áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tổ chức quán triệt, nâng cao nhận thức và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, trong đó, lực lượng CA nói chung và lực lượng an ninh nói riêng là nòng cốt. Kết hợp lồng ghép các nội dung phong trào TDBVANTQ trong vùng giáo với các phong trào khác tại địa phương theo đặc điểm từng vùng, từng địa bàn...
Tuy nhiên, để có một phong trào TDBVANTQ trong vùng giáo đạt hiệu quả thì chúng ta phải biết quan tâm, chia sẻ, chăm lo cho đời sống vật chất và tín ngưỡng của các tôn giáo. Phải thật sự gần để hiểu, để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, trăn trở, ghi nhận động viên những kết quả, những đóng góp của các chức sắc và tín đồ.
Bình Dương hiện có 7 tôn giáo với khoảng 700 chức sắc, 500 chức việc, 600 tu sĩ và khoảng 280.000 tín đồ. Thời gian qua, chức sắc, tín đồ các tôn giáo trên địa bàn tỉnh luôn đoàn kết, thân ái, giúp đỡ lẫn nhau. Nhu cầu chính đáng của các tôn giáo được chính quyền các cấp quan tâm giải quyết kịp thời. Theo đó, hoạt động các tôn giáo tuân thủ đúng chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, đúng chương trình, nội dung đã đăng ký hàng năm; đúng Hiến chương, điều lệ, tôn chỉ, mục đích sống tốt đời, đẹp đạo, gắn bó với dân tộc, quê hương; mối quan hệ giữa chính quyền với tôn giáo ngày càng gắn bó chặt chẽ, hiểu và chia sẻ với nhau. Đạt được kết quả trên có nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng là cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã quan tâm đến việc quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả những chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về tôn giáo, từng bước tạo và củng cố niềm tin vững chắc của chức sắc, tín đồ các tôn giáo đối với chính quyền. Đây là cơ sở, nền tảng để tổ chức triển khai thực hiện phong trào quần chúng BVANTQ trong vùng giáo đạt kết quả cao.
Thực tiễn đã chứng minh, phong trào quần chúng BVANTQ trong vùng giáo tỉnh trong những năm qua đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần to lớn cho việc bảo đảm an ninh quốc gia, giữ vững ổn định chính trị, là một trong những điều kiện quyết định đến sự thành công của chủ trương thu hút đầu tư, phát triển kinh tế của tỉnh nhà.
Hàng năm, vào các ngày lễ trọng của giáo hội và những ngày kỷ niệm cá nhân của chức sắc, các ban, ngành, Tỉnh ủy, UBND và lực lượng CA đều quan tâm đến thăm, chúc mừng các tôn giáo để kịp thời ghi nhận, động viên sự đóng góp của chức sắc, tín đồ các tôn giáo. Vừa qua, chúng tôi cũng đã tham mưu cho tỉnh tổ chức cho chức sắc tôn giáo có chuyến hành trình xuyên Việt đến tham quan các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, căn cứ cách mạng nổi tiếng trên toàn quốc. Qua đó, các vị đã có dịp hiểu thêm sự hy sinh mất mát vô cùng to lớn của dân tộc Việt Nam. Chúng tôi nghĩ rằng qua chuyến đi như thế, tinh thần trách nhiệm công dân, sự đồng hành cùng dân tộc của các tôn giáo sẽ lớn hơn. Có thể nói rằng, đối với các tôn giáo, chúng ta phải làm việc bằng cái tâm thật sự.
P.V: Xin đồng chí cho biết chủ trương, định hướng trong thời gian tới cho lực lượng An ninh nhân dân?
Một khi quần chúng nhân dân nói chung, chức sắc, tín đồ các tôn giáo nói riêng tin tưởng, gắn bó và đồng hành cùng dân tộc, phải tạo được niềm tin của chức sắc tôn giáo, tín đồ đối với chính quyền thì ta phải gần gũi để chia sẻ, tăng cường đối thoại. Khi đối thoại, phải có sự yêu thương, sự chia sẻ, thông cảm hiểu biết và tha thứ lẫn nhau. Khi mà những nhu cầu chính đáng của các tôn giáo được sự quan tâm giải quyết kịp thời, những tâm tư vướng mắc kịp thời được tháo gỡ thì niềm tin của chức sắc, tín đồ các tôn giáo đối với chính quyền sẽ được hình thành, phát triển và củng cố, phát huy. Khi có niềm tin thì họ sẽ có ý thức đối với dân tộc, đất nước và trách nhiệm công dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đối với lực lượng An ninh nhân dân nói chung, trên trận tuyến của mình, phải xây dựng thế trận an ninh chủ động - chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn hành vi của các đối tượng trong mọi tình huống.
Để đạt được mục tiêu trên, trước hết, yếu tố con người là giữ vai trò quan trọng, Bác Hồ dạy: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, điều này cũng được Đảng ta khẳng định “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với sứ mệnh của Đảng, của đất nước, của chế độ…”. Do vậy, toàn lực lượng phải không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ về nghiệp vụ, pháp luật, ngoại ngữ, cập nhật những kiến thức mới của khoa học liên quan đến nhiệm vụ được giao. Phải đổi mới nhận thức, linh hoạt trong nhận diện đối tượng, đối tác để có tư duy an ninh chủ động. Tức là chủ động trong công tác nắm chắc, kịp thời tình hình; có khả năng phân tích, đánh giá, dự báo tình hình để kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền đề ra những chủ trương, giải pháp phù hợp, hiệu quả. Chủ động triển khai các biện pháp công tác cho công tác phòng ngừa hiệu quả. Muốn phòng ngừa tốt thì phải chủ động tấn công. Không chỉ chủ động ở “sân nhà” mà còn chủ động đấu tranh với địch từ xa.
Điều quan trọng là quá trình thực thi nhiệm vụ phải luôn học tập, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ là “phải dựa vào dân”, “đối với địch phải cương quyết, khôn khéo”, “thêm bạn bớt thù”, “cảnh giác, giữ bí mật”; phải hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng khác và cả hệ thống chính trị… Có như vậy chúng ta sẽ có được thành công.
“Những năm qua, lực lượng an ninh CA tỉnh nói chung và các đơn vị nghiệp vụ nói riêng đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện các chính sách đối với các tôn giáo, giải quyết kịp thời nhu cầu chính đáng của các tôn giáo. Thường xuyên gặp gỡ các chức sắc tôn giáo để trao đổi, hiểu được tâm tư, phát hiện vướng mắc để tháo gỡ, tạo ra niềm tin, sự gần gũi giữa chính quyền với các tôn giáo. Từ đó, phong trào TDBVANTQ nói chung và phong trào TDBVANTQ trong vùng giáo nói riêng đã tạo ra được sự đoàn kết giữa các tôn giáo, tạo ra sự đồng thuận giữa đồng bào có tôn giáo với đồng bào không có tôn giáo, với mục tiêu chung là xây dựng quê hương Bình Dương dân chủ, ngày càng văn minh, giàu đẹp…”, đại tá Phạm Ngọc Việt chia sẻ.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!