Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) trên địa bàn huyện Bàu Bàng đã khẳng định chủ trương đúng của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc tích cực, có trách nhiệm của các ban ngành, đoàn thể; đặc biệt là các địa phương được thụ hưởng chính sách. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn ông Tô Tiến Quân, Phó phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bàu Bàng.
Lễ bế giảng lớp lái xe nâng hàng dành cho NLĐ trên địa bàn huyện Bàu Bàng
- Xin ông cho biết những kết quả nổi bật trong công tác dạy nghề cho LĐNT trên địa bàn huyện?
- Từ khi Đề án đào tạo nghề cho LĐNT được triển khai trên địa bàn huyện, đến nay công tác này luôn được nhận sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp hỗ trợ của các ban ngành, đoàn thể và UBND các xã, thị trấn. Vì thế, trong thời gian qua, công tác dạy nghề cho LĐNT của huyện đã thu được một số kết quả nhất định, đã có 1.067 người được học nghề.
Trong 5 năm (2014-2019) số LĐNT trên địa bàn huyện được tư vấn học nghề là hơn 3.600 người, số người có nhu cầu học nghề khoảng trên 1.200 lao động với nhiều ngành nghề khác nhau đáp ứng nhu cầu lao động của các công ty, xí nghiệp trú đóng trên địa bàn huyện, trong đó chủ yếu là nghề lái xe nâng hàng, may công nghiệp và các lớp dạy nghề đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động với mức lương từ 6 - 12 triệu đồng/người. |
Hầu hết các lao động sau khi học nghề đều tự tạo việc làm, người lao động đã biết vận dụng những kiến thức, kỹ năng đã được đào tạo vào công việc, từ đó làm tăng năng suất lao động, góp phần nâng cao đời sống kinh tế của hộ gia đình người lao động và tăng hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững của huyện. Điển hình như các mô hình chăn nuôi gà tại nhà, sau khi được đào tạo kỹ thuật chăn nuôi, các học viên đã tự chăn nuôi có hiệu quả tại gia đình, giúp tăng thêm thu nhập. Đối với nghề lái xe nâng hàng, sau khi được đào tạo, học viên đã xin vào làm việc tại các công ty, xí nghiệp trú đóng trên địa bàn… Hội Nông dân xã Trừ Văn Thố đã mở 2 lớp may công nghiệp cho 51 học viên, sau khi kết thúc khóa học hội cũng đã hỗ trợ phần vốn vay cho các học viên để mua máy may, may gia công tại nhà nhằm tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho học viên.
Để đạt được kết quả trên, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và một số trường nghề trong tỉnh đào tạo cho nghề cho LĐNT. Đồng thời, ngoài các lớp đào tạo trên do phòng tổ chức, phòng còn phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội huyện tổ chức lồng ghép các nội dung để tuyên truyền cho các hội viên, đoàn viên về các chính sách nghề và vai trò ý nghĩa của công tác đào tạo nghề là tạo công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho người lao động, nhất là LĐNT. Hàng năm, phòng phối hợp Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Huyện đoàn và các đoàn thể cấp xã tổ chức chiêu sinh, dạy nghề cho LĐNT trên địa bàn. Kết quả, phòng đã tổ chức được 38 lớp với 824 hội viên, đoàn viên tham gia.
- Bên cạnh những kết quả đạt được, Bàu Bàng có gặp khó khăn gì trong đề án đào tạo nghề cho LĐNT, thưa ông?
- Đề án đào tạo nghề cho LĐNT không chỉ là một chính sách có ý nghĩa an sinh xã hội mà còn là tiêu chí quan trọng trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện còn bộc lộ một số hạn chế, cụ thể như:
Một số địa phương chưa chủ động trong việc khảo sát, xây dựng kế hoạch và đào tạo nghề cho LĐNT nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nên kết quả thực hiện đề án chưa cao.
Một số LĐNT còn có tư tưởng đăng ký học nghề cho biết hoặc tự tạo việc làm nhỏ lẻ tại gia đình, chưa tập hợp được số lượng lớn theo kiến thức đã học để đầu tư những ngành nghề có quy mô lớn hơn, do vậy hiệu quả qua công tác đào tạo nghề mang lại chưa cao.
Cơ sở đào tạo nghề chưa gắn kết được với doanh nghiệp trong đào tạo nghề và công tác đào tạo, nâng cao tay nghề cho công nhân lao động; kinh phí phục vụ công tác đào tạo nghề cho LĐNT còn hạn chế; một số nghề chưa phát huy được hiệu quả sau đào tạo, người lao động sau khi học nghề chưa duy trì được nghề lâu dài.
Các lớp đào tạo phải từ 20 học viên trở lên được cấp chứng nhận mới được quyết toán, nếu trong quá trình học có học viên nghỉ không đủ 20 học viên phải dừng lớp, tiếp tục chiêu sinh đào tạo cho học viên mới theo kịp chương trình mới tổ chức học tiếp và quyết toán kinh phí.
- Thưa ông, để khắc phục những khó khăn vừa nêu theo ông cần có những giải pháp gì?
- Để khắc phục những khó khăn còn tồn tại trong công tác dạy nghề cho LĐNT, tỉnh cần quan tâm hỗ trợ cho người lao động tham gia học nghề; tăng mức tiền thù lao giáo viên giảng dạy sơ cấp nghề và mức hỗ trợ tiền ăn cho LĐNT để tạo điều kiện cho họ yên tâm tham gia học tập đầy đủ; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phụ trách cấp xã, thị trấn. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần tiếp tục nghiên cứu, tham mưu để có những chính sách ưu đãi thiết thực hơn, thu hút, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp vào đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh để tạo ra nhiều vị trí, việc làm cho người lao động phù hợp với nguồn LĐNT. Ngoài ra, cần có cơ chế thoáng hơn trong thực hiện kinh phí đào tạo nghề cho LĐNT.
Xin cảm ơn ông!
THỤC VĂN