Đất khó đã chuyển mình…

Cập nhật: 28-04-2023 | 08:08:24

Từ vùng đất sỏi bạc màu, những ruộng lúa bị bom đạn cày xới, Bình Dương hôm nay trở thành một trong những trung tâm công nghiệp - đô thị- dịch vụ của cả nước. Và trên mảnh đất này, cuộc sống của người dân địa phương cũng như người lao động ngoài tỉnh đang đổi thay từng ngày, thụhưởng thành quả từ sự phát triển đột phá của tỉnh nhà mang lại.

“Cú hích” từ khu công nghiệp

Bình Dương hôm nay đã trở thành địa phương đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN), chuyển dịch kinh tế từ thuần nông sang công nghiệp - dịch vụ. So với cả nước, Bình Dương hiện chiếm 9% về số lượng và 13% về diện tích KCN. Tính đến thời điểm hiện nay, tỉnh đã thành lập 29 KCN, với tổng diện tích quy hoạch trên 12.700 ha. Trong đó, có 28 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích trên 10.000 ha, các KCN đã cho thuê đất với tỷ lệ lấp đầy trên 90%.

Các KCN của tỉnh với hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có vị trí thuận lợi, liền kề các trục giao thông kết nối quan trọng, đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn, tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư. Trong ảnh: Một góc KCN - đô thị Bàu Bàng

Bình Dương là một trong những địa phương có ngành công nghiệp phát triển mạnh nhất cả nước. Ai đã từng gắn bó lâu năm với Bình Dương mới cảm nhận được sự đổi thay rõ rệt của vùng đất “Miền Đông gian lao mà anh dũng” này. Xuất phát điểm là một địa phương nông nghiệp lạc hậu, Bình Dương hiện trở thành một trong những trung tâm kinh tế lớn hàng đầu và là điểm sáng trong thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Đến nay, Bình Dương là một trong những địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất của cả nước (84%) với 4 thành phố và 1 thị xã; sở hữu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Hiện Bình Dương đã và đang là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về sản xuất công nghiệp, thu hút vốn đầu tư. 4 tháng đầu năm 2023, thu hút FDI của Bình Dương đạt hơn 843 triệu đô la Mỹ. Lũy kế đến nay, Bình Dương đứng thứ 2 cả nước (sau TP.Hồ Chí Minh) về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với gần 4.100 dự án, tổng vốn đầu tư gần 40 tỷ đô la Mỹ, chiếm hơn 11% tổng vốn đầu tư nước ngoài cả nước. Quy mô trung bình dự án khoảng 9,7 triệu đô la Mỹ. Toàn tỉnh có 60.748 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký trên 641.370 tỷ đồng.

Diện mạo của Bình Dương hôm nay đã thật sự thay đổi, xung quanh các KCN cả một hệ sinh thái đô thị hình thành để phục vụ cho đời sống cư dân. Một tỉnh nằm sâu trong nội địa, không cảng biển, sân bay, đã có một cuộc bứt phá ngoạn mục trên tất cả các lĩnh vực. Bình Dương cách đây hơn chục năm có hơn 1 triệu dân nông thôn, chiếm 70% dân số toàn tỉnh, đến nay, 84% dân số Bình Dương là người thành thị, tỷ lệ cao hàng đầu cả nước, cao hơn Hà Nội và ngang với TP.Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, từ Bình Dương, mô hình KCN VSIP, sau hơn 25 năm đi vào hoạt động, đến nay đã lan tỏa rộng ra cả 3 miền Bắc - Trung - Nam. VSIP đã trở thành một kiểu mẫu về phát triển KCN tập trung cả ở trong và ngoài nước. Tính hiệu quả và sức lan tỏa rộng của thương hiệu VSIP là minh chứng sinh động cho một Bình Dương năng động, đổi mới, hội nhập, phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Becamex IDC, chia sẻ một địa phương muốn phát triển và thu hút đầu tư dựa trên việc cung cấp một hệ sinh thái toàn diện với những điểm trọng yếu thông qua việc quy hoạch các KCN xanh, đan xen với các khu đô thị, thương mại và dịch vụ. Cùng với việc xây dựng các dự án nhà ở xã hội, khu tái định cư cho những người dân trong diện giải tỏa đền bù, các khu đô thị cao cấp dành cho các nhà đầu tư, Becamex IDC đã tập trung xây dựng hệ sinh thái giao thông, y tế, giáo dục chất lượng cao ở tất cả các cấp nhằm phục vụ cho nhu cầu học tập của con em những nhà đầu tư, chuyên gia, người lao động đang làm việc tại các KCN. Điều này giúp hình thành mạng lưới các khu dân cư mới, vừa có tác dụng phát triển thương mại và dịch vụ chung quanh các KCN; đồng thời bảo đảm chất lượng cuộc sống cho nhà đầu tư, bảo đảm lợi ích cho những người dân nằm trong diện quy hoạch, cũng như người lao động ngoài tỉnh. Đây chính là nền tảng vững chắc để đồng hành cùng địa phương phát triển bền vững.

Vững lợi thế thu hút FDI

Sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp đã góp phần đưa Bình Dương hiện đứng thứ 2 trong cả nước về thu hút vốn FDI, chỉ sau TP.Hồ Chí Minh. Nhận thức được vai trò đặc biệt quan trọng của việc thu hút đầu tư đối với phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đang tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, tích cực cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh, quảng bá hình ảnh Bình Dương vươn ra quốc tế.

Nếu như năm 1997, Bình Dương mới chỉ có 185 dự án FDI với tổng số vốn 961 triệu đô la Mỹ, tạo việc làm cho khoảng 35.000 lao động, thì đến nay, toàn tỉnh có gần 4.100 dự án FDI từ 65 quốc gia vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký gần 40 tỷ đô la Mỹ. Điều này cho thấy, ngoài môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, hạ tầng các KCN và hạ tầng giao thông kết nối của Bình Dương đang ngày càng phát huy lợi thế, hấp dẫn các nhà đầu tư.

Mới đây, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, bà Priyamvada Srivastava, Tổng Giám đốc Tập đoàn Procter & Gamble (P&G) Việt Nam, chia sẻ: “Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 cũng như những tác động đa chiều trong thời gian qua khiến chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và kinh doanh. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn có niềm tin và quyết định gắn bó lâu dài với Bình Dương. P&G đã đầu tư vào Bình Dương hơn 28 năm qua và sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư, sản xuất vào tỉnh trong thời gian tới”.

Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết cùng với quá trình phát triển của đất nước, Bình Dương đã có bước chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một trong những tỉnh, thành phố luôn dẫn đầu cả nước về công nghiệp, xuất khẩu, thu hút đầu tư. Tỉnh vẫn tiếp tục thực hiện lấy công nghiệp làm nền tảng, là khâu đột phá, mà hạt nhân chính là xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN gắn với đô thị hóa. Không ngừng cải thiện môi trường đầu tư nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện, thỏa mãn nhu cầu của nhà đầu tư nhằm tăng cường hiệu quả hợp tác; khai thác thời cơ từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để chủ động đón dòng vốn mới. Thu hút FDI là chủ trương nhất quán, lâu dài của Bình Dương, trong đó yêu cầu gia tăng về vốn và nâng cao chất lượng các dự án thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, bền vững của tỉnh. 

- Ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc DE HEUS châu Á, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam: Đầu tư vào Bình Dương từ năm 2008, chúng tôi hiểu rất rõ sự năng động, sáng tạo của tỉnh. Hiện có hơn 50 công ty châu Âu đầu tư vào Bình Dương, thu hút đầu tư nước ngoài của tỉnh Bình Dương chỉ đứng sau TP.Hồ Chí Minh. Tôi đánh giá rất cao tỉnh Bình Dương về hoạt động thu hút vốn FDI và những thành quả mà tỉnh đã đạt được.
- Ông Preben Elnef, Phó Chủ tịch Tập đoàn Lego kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lego Manufacturing Việt Nam: Bình Dương đang có một cơ sở hạ tầng rất tốt và hỗ trợ rất tốt cho quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Lego nhận được sự hợp tác và hỗ trợ vô cùng to lớn từ các cơ quan chính quyền tỉnh Bình Dương ngay từ những ngày đầu tiên. Tôi thực sự ấn tượng cách mà chính quyền tỉnh hỗ trợ, giải đáp và xử lý các vướng mắc để đưa ra các giải pháp thiết thực và hiệu quả. Đây là một trong những lý do chính mà Tập đoàn Lego đã chọn Bình Dương làm nơi để xây dựng nhà máy thứ 6 của tập đoàn. Tôi mong rằng chính quyền tỉnh Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hơn nữa để duy trì và phát triển cơ sở hạ tầng có thể đáp ứng kịp thời cho sự phát triển của doanh nghiệp trong thời gian tới.

NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=587
Quay lên trên