Đặt người dân là chủ thể trong công tác phòng cháy, chữa cháy

Cập nhật: 13-09-2022 | 08:55:04

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại hội nghị trực tuyến về công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 83/2017/NĐ-CP. Cũng tại hội nghị, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh đã thông tin về vụ cháy tại cơ sở kinh doanh karaoke An Phú (TP.Thuận An) xảy ra tối 6-9, công tác khắc phục hậu quả cũng như một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của tỉnh Bình Dương trong thời gian tới…


Sau khi xảy ra vụ cháy cơ sở kinh doanh karaoke An Phú (phường An Phú, TP.Thuận An), Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã đến hiện trường chỉ đạo nhanh chóng điều tra làm rõ nguyên nhân. Ảnh: HẢI ĐĂNG

Đẩy mạnh công tác kiểm tra PCCC

Tại hội nghị vào sáng 12-9, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh đã thông tin về vụ cháy tại cơ sở kinh doanh karaoke An Phú (TP.Thuận An) xảy ra tối 6-9 vừa qua; công tác khắc phục hậu quả cũng như một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của tỉnh Bình Dương trong thời gian tới.

Theo đó, vụ cháy tại cơ sở kinh doanh karaoke An Phú đã làm chết 32 người, gồm 16 nam và 16 nữ; bị thương 17 người, có 15 nạn nhân bị thương nhẹ đã xuất viện, 2 nạn nhân bị thương nặng đang điều trị tại bệnh viện. Đến thời điểm này, Công an (CA) tỉnh đã xác định được danh tính của 32/32 nạn nhân và đã làm thủ tục bàn giao cho gia đình.

Hiện CA tỉnh đang phối hợp chặt chẽ với Viện Khoa học hình sự và Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ CA tiến hành điều tra, khám nghiệm hiện trường để xác định nguyên nhân vụ cháy. Tuy nhiên, theo thông tin lời khai ban đầu của các nạn nhân và nhận định của cơ quan chức năng, nguyên nhân vụ cháy có khả năng là do chập điện. Những ngày qua, CA các địa phương trong tỉnh đã đồng loạt ra quân kiểm tra công tác an toàn về PCCC ở các cơ sở kinh doanh có điều kiện về bảo đảm an ninh trật tự và PCCC như karaoke, massage, quán bar… và đã đình chỉ, tạm đình chỉ nhiều cơ sở vi phạm.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc để xảy ra nhiều vụ cháy nghiêm trọng thời gian qua là hồi chuông cảnh báo khẩn cấp về tình hình cháy, nổ. Vấn đề này cần phải được phân tích, đánh giá, làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước và đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ, thậm chí là tư duy mới để đáp ứng yêu cầu PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH) trong tình hình mới.

Thủ tướng Chính phủ cũng gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc đến các nạn nhân, gia đình nạn nhân trong các vụ cháy vừa qua; đồng thời chỉ đạo trong bối cảnh kinh tế - xã hội phát triển thì PCCC rất quan trọng. Cần được đồng bộ về quy hoạch, khắc phục ngay những bất cập trong quản lý nhà nước, kiểm tra thẩm duyệt và đồng bộ triển khai để tạo những bước chuyển biến tích cực, thực chất trong cả nước, bảo đảm sức khỏe và tính mạng của người dân là trên hết và trước hết.

Không để xảy ra chết người do cháy

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng công tác PCCC&CNCH là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân, góp phần tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho phát triển kinh tế - xã hội. Với tình hình hiện nay, nhìn nhận lại công tác PCCC&CNCH vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, từ đó cần phải rút kinh nghiệm nghiêm túc. Phải quyết liệt, mạnh mẽ hơn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, công tác kiểm tra, giám sát, công tác quản lý nhà nước. Với những vụ cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng, cần phải có biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi.

Thủ tướng Chính phủ cho rằng việc chế tài xử phạt vi phạm trong lĩnh vực PCCC chưa đủ mạnh, chưa bảo đảm tính răn đe, dẫn đến tình trạng chây ỳ, kéo dài không khắc phục vi phạm. Việc xử phạt vi phạm nhiều nơi, nhiều lúc còn chưa nghiêm, thậm chí buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến công tác PCCC&CNCH chưa toàn diện, đồng bộ, xuyên suốt. Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định 83/2017/NĐ-CP, đến nay mới có 3 bộ và 40/63 địa phương ban hành kế hoạch triển khai thực hiện.

“Tình hình trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Đất nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, nhiều vấn đề không thể giải quyết trong ngày một, ngày hai. Nhưng trong những nguyên nhân chủ quan, có công tác quản lý nhà nước không ít nơi bị buông lỏng, lỏng lẻo; các lực lượng chưa phối hợp chặt chẽ với nhau. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật PCCC chưa nghiêm, chưa quyết liệt, chưa đủ sức răn đe, còn nhiều nơi làm hình thức, chiếu lệ, qua loa, chưa mang lại hiệu quả. Khi các vụ cháy xảy ra nhiều lần trên một địa bàn, một lĩnh vực thì phải chỉ ra nguyên nhân, kiểm điểm, xác định tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm hình sự và trách nhiệm kỷ luật trước Đảng, Nhà nước”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Trong phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ cũng đề ra 9 nhiệm vụ trọng tâm và mục tiêu cụ thể, trong đó nhấn mạnh việc ngăn chặn, đẩy lùi và tiến tới chấm dứt việc chết người và hậu quả nghiêm trọng do nguyên nhân chủ quan; nâng cao ý thức và kỹ năng của người dân trong phòng, chống cháy, nổ, CNCH.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ CA, trong 5 năm (từ 2017-2021), toàn quốc xảy ra 17.055 vụ cháy, gồm 15.484 vụ cháy nhà dân, cơ sở, phương tiện giao thông và 1.571 vụ cháy rừng. Thiệt hại do cháy gây ra làm chết 433 người, bị thương 790 người, tài sản thiệt hại sơ bộ ước tính hơn 7.000 tỷ đồng và hơn 7.500 ha rừng. Cũng trong thời gian này đã xảy ra gần 2.800 sự cố nhỏ liên quan đến cháy không thuộc diện phải thống kê như chạm chập thiết bị điện trên cột điện, cháy cỏ, rác do nắng nóng....

Về tình hình nổ: Xảy ra 149 vụ nổ, làm 64 người chết, bị thương 190 người, thiệt hại về tài sản 1,14 tỷ đồng. Trong 8 tháng năm 2022, toàn quốc xảy ra hơn 1.100 vụ cháy, làm 57 người chết, bị thương 52 người, tài sản thiệt hại sơ bộ ước tính 532 tỷ đồng và 39 ha rừng; ngoài ra xảy ra hơn 2.300 vụ sự cố nhỏ liên quan đến cháy. Xảy ra 10 vụ nổ làm 7 người chết, bị thương 11 người.

Cũng trong 5 năm (2017-2022), triển khai nhiệm vụ CNCH theo quy định tại Nghị định số 83/2017/NĐ-CP, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã điều động hơn 235.00 lượt cán bộ, chiến sĩ và hơn 30.000 lượt phương tiện tham gia tổ chức CNCH đối với 17.938 vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn; trực tiếp cứu được gần 6.800 người, hướng dẫn thoát nạn được hàng chục ngàn người; tìm được hơn 3.300 thi thể nạn nhân bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý.

TÂM TRANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=258
Quay lên trên