Bài 24: Vùng lên giải phóng quê hương
Trong những ngày cuối tháng 4-1975, được sự hỗ trợ của các lực lượng chủ lực, quân và dân Tân Uyên đã nhất tề vùng lên, đoàn kết một lòng quyết tâm đánh thắng kẻ thù xâm lược, giải phóng quê hương.
Khu công nghiệp Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên hiện thu hút hàng chục doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư sản xuất
Trong những ngày rực lửa cuối tháng 4-1975, khi toàn miền Nam bước vào chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh, Chiến khu Đ, Tân Uyên trở thành nơi tập kết của các lực lượng chiến lược thực hiện trận chiến cuối cùng giải phóng miền Nam. Từ các ngày 24, 25, 26-4, ở khu vực Bắc Tân Uyên, các đơn vị bộ binh, cơ giới, công binh, phòng không… của chủ lực ta đã rầm rập tiến công với khí thế mạnh mẽ. Trong khi đó, tại Chi khu Tân Uyên và các khu vực xung quanh, lực lượng địch còn khá mạnh, gồm toàn bộ hậu cứ Trung đoàn 48 (Sư đoàn 5), một Đại đội pháo 105 ly, một Đại đội bảo an, một Đại đội thủy quân lục chiến.
Thực hiện phương châm “huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã”, Thường vụ Huyện ủy Tân Uyên lúc bấy giờ gồm các đồng chí Sáu Lập, Tám Hòa, Tám Sương, Bảy Hiệp đã chỉ đạo các chi bộ đẩy mạnh công tác binh vận, phối hợp 3 mũi giáp công. Trong khi đó, quần chúng quanh khu vực thị trấn truyền nhanh tin xe tăng của ta chuẩn bị tiến về giải phóng thị trấn, sẽ đi cắt ngang đường 16. Ban ngày dư luận quần chúng xôn xao, ban đêm tiếng xe cơ giới dội lại làm cho địch hoang mang, dao động mạnh. Trước tình thế này, ngày 27-4, tên quận trưởng Nguyễn Văn Thiệt đã sợ hãi chuyển gia đình qua Cù lao Mỹ Quới (nay là xã Bạch Đằng). Toàn bộ các cơ quan hành chính của địch tại đây ngưng hoạt động và bắt đầu tan rã, chỉ còn lại lực lượng quân sự trú đóng ở chi khu. Chỉ một bộ phận địch còn huênh hoang kêu gọi “tử thủ đến hơi thở cuối cùng”.
Đến chiều 28-4, lực lượng ta áp sát thị trấn. Bộ Chỉ huy tiền phương Tân Uyên gồm các đồng chí Một Hữu, Chỉ huy trưởng, Năm Thần, Chính ủy, các đồng chí Ba Tờ, Tám Hòa là chỉ huy phó, tổ chức tấn công vào chi khu quân sự Tân Uyên. Tại nơi đây, lúc này lực lượng địch mạnh hơn ta nhiều lần, chúng tiến hành phản công dữ dội. Trận đánh kéo dài đến nửa đêm nhưng ta vẫn chưa thể hạ được chi khu. Trong tình thế này, khả năng dùng lực lượng tại chỗ để giải phóng là vô cùng khó khăn. Do đó, đồng chí Huỳnh Tư đã chỉ huy một đại đội thuộc quân khu là người có nhiều gắn bó với vùng đất Tân Uyên đưa đoàn xe tăng qua thị trấn để phối hợp với lực lượng tại chỗ đánh chi khu. Đoàn xe tăng đến khu vực dốc Bà Nghĩa nã đạn như mưa vào chi khu. Các mũi tấn công của lực lượng huyện đồng loạt xông lên phối hợp. Dưới mưa đạn và tiếng xe tăng gầm rú, những đơn vị ngụy quân trong chi khu hỗn loạn tháo chạy ra bến sông. Chỉ với số ghe, xuồng ít ỏi vừa cướp được của dân trước đó, địch tự bắn vào nhau để tranh cướp và dìm nhau xuống sông Đồng Nai. Những tên lính cuối cùng của Đại
đội pháo 105 ly trước khi buông súng đầu hàng đã bắn tên đại úy Tâm là chỉ huy đại đội cùng các sĩ quan của đại đội và bắn chìm chiếc ca nô chở chúng. Đến 9 giờ 15 phút ngày 29-4 Tân Uyên được hoàn toàn giải phóng.
Lần lượt tại các xã trong huyện, quần chúng kết hợp cùng du kích áp đảo tinh thần địch. Trong trạng thái hỗn loạn, địch ở các đồn bót đều buông súng đầu hàng hoặc tìm đường tháo chạy. Tin Chi khu Tân Uyên bị san bằng làm nức lòng nhân dân trong huyện. Trưa 29- 4, gần 200 binh lính, sĩ quan của địch đã cởi bỏ giày, quần áo chạy bộ từ Phú Giáo qua cầu sông. Du kích các xã Tân Hòa, Tân Bình, Bình Mỹ đã tiêu diệt và bắt sống một số tên. Đến tối 29-4, nhân dân ở một số vùng đã nô nức trở về quê cũ làm ăn. Cuộc sống mới, cuộc sống tự do hòa bình đã đến.
21 năm kháng chiến chống Mỹ là thời kỳ gian khổ ác liệt nhất mà nhân dân Tân Uyên đã trải qua và làm nên những trang sử hào hùng nhất của lịch sử địa phương, một giai đoạn mà truyền thống và hào khí một vùng đất kiên cường đã phát huy một cách đầy đủ nhất. Chỉ tính riêng 30 năm chống Pháp và chống Mỹ, đã có 2.654 người con Tân Uyên ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng quê hương. Máu của họ đã thấm đỏ những tên đất đã trở thành lịch sử như Đất Cuốc, Nhà Nai, Bà Đả, ngã ba Sình, cầu Bà Kiên, dốc Bà Nghĩa, Nhà Đỏ, Bông Trang, Hố Đá. Không một thước đất nào trên mảnh đất Tân Uyên lại không lưu trữ một dấu tích nào đó về cuộc chiến tranh 30 năm, một cuộc chiến tranh mà chỉ trên 650 cây số vuông đã diễn ra 14.762 trận đánh Pháp và 21.313 trận đánh Mỹ và chư hầu.
Chiến tranh đã lùi xa 40 năm, Tân Uyên ngày nào giờ đây đã tách thành 2 đơn vị là TX.Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên. Bước đi trên con đường mới lộng gió, phát huy truyền thống quê hương cách mạng, hào khí của con người Chiến khu Đ anh hùng, quân và dân của 2 địa phương này đang tiếp tục ra sức thi đua sản xuất và gặt hái được những thành quả lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Đây sẽ là những tiền đề vững chắc để hai địa phương tiếp tục phát triển lên tầm cao mới trong thời gian tới.
Bài 25: Đập tan căn cứ Phú Lợi
CAO SƠN - KIẾN GIANG