Khi thấy con trai gọi điện báo kỳ nghỉ cuối tuần sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng người mẹ đầy hồi hộp, tò mò.
Hôm ấy, người mẹ dậy từ tinh mơ, đi bộ lên chợ đầu làng mua 2 con vịt về làm cơm đón “khách quý”. Khoảng gần 10 giờ thì hai cô cậu về đến nhà. Cô người yêu con trai bà trông cao ráo, trắng trẻo, mặt hoa da phấn. Chỉ có điều, cô mặc cái váy quá ngắn, chỉ che được một phần ba cặp đùi khiến bà rất ngại ngần khi nhìn vào. Đã thế, vừa chào hỏi qua bố mẹ người yêu, cô bé đã lôi tuột con trai bà ra vườn, ra bờ ao đòi chụp ảnh, trong khi bà định nhờ con trai xuống bếp làm thịt vịt giúp mẹ.
Mãi đến hơn 12 giờ trưa, ông Chủ tịch xã nhà bà mới từ Ủy ban về và mâm cơm mới được dọn ra. Người mẹ tỏ lòng quý khách, chọn một miếng thịt vịt ngon nhất gắp vào bát cho cô gái. Không ngờ, cô có vẻ hốt hoảng: “Ối, bác đừng gắp cho cháu!” và vội vàng gắp miếng thịt bỏ sang bát người yêu. Thấy mẹ sững người trước hành động của người yêu mình, anh con trai đành cười xoa dịu: “Huyền Trang từ bé đến giờ không ăn thịt vịt mà mẹ”. Bữa cơm tiếp khách quý chỉ có thịt vịt luộc, nồi canh măng xáo vịt và đĩa rau muống luộc. Người mẹ tỏ ra rất áy náy, kể từ lúc đó, bà chẳng còn biết nói năng gì. Sau bữa cơm, cô gái cũng sốt sắng cùng người yêu dọn mâm bát ra ngoài giếng để rửa. Nhưng một lúc sau thấy cô đi vào, chỉ còn mình con trai bà ngồi rửa bát. Tranh thủ ra lấy ấm nước vào đun, người mẹ nhìn con trai ái ngại. Biết mẹ thắc mắc việc bạn gái không rửa bát cùng mình, anh con trai lại phải giải thích: “Tay Huyền Trang luôn bị dị ứng với nước tẩy rửa. Mỗi khi rửa bát, cô ấy đều phải đeo găng tay, mà nhà mình lại không có sẵn găng tay nên con bảo cô ấy cứ để mình còn rửa là được”.
Sau ngày ấy, trong lòng bà chẳng còn chút hào hứng nào khi nghĩ về cô người yêu của con trai. Đã vài lần bà nói xa, nói gần để con trai hiểu rằng, bạn gái của nó chẳng biết giỏi giang tài cán đến đâu, nhưng về nề nếp sinh hoạt trong gia đình thì sợ là quá khác biệt với nhà bà. Nhưng con trai bà khẳng định người yêu nó toàn tài, toàn đức. Một vài thiếu sót, khác biệt trong thói quen ăn uống, sinh hoạt chẳng có gì nghiêm trọng cả. Đám cưới của cô cậu vẫn được hai bên bố mẹ tác thành. Để rồi, sự cố xảy ra ngay sau ngày cưới đã khiến mối quan hệ thông gia hai nhà bị rạn nứt, tình cảm vợ chồng trong tuần trăng mật bị tổn thương, khoảng cách mẹ chồng, nàng dâu chẳng biết đến khi nào mới được khỏa lấp.
Buổi chiều hôm đó, đón dâu về, nhà trai chuẩn bị chừng 20 mâm cỗ cho họ hàng đi đón dâu và họ hàng ở nhà chờ đón dâu về cùng ăn. Nếu là cỗ đám cưới mời rộng rãi thì có nhờ người làm cỗ và dọn dẹp mâm bát giúp. Còn “vài mâm” ăn trong nhà vào buổi chiều hôm đó theo lệ thường thì khi cô dâu về đến nhà, làm lễ bái gia tiên, mời trầu nước họ hàng xong sẽ trút bỏ váy áo ra ngồi rửa bát, dọn dẹp nhà cửa với người nhà chồng, có khi mãi đến khuya mới xong! Nhưng con dâu bà, sau khi chào hỏi họ hàng thì vào thẳng phòng riêng của hai vợ chồng đóng cửa lại. Ở ngoài sân, mấy chị em, họ hàng xúm vào dọn dẹp hộ, họ liên tục hỏi nhau cô dâu mới đâu không ra mà rửa bát đi! Người mẹ vội giục con trai vào gọi vợ ra cùng dọn dẹp với chị em. Nhưng anh con trai chạy vào nhà rồi lại ra không, nói với mẹ: “Huyền Trang nói mệt quá nên phải nằm nghỉ, chưa thể làm gì được”. Đâu đó vài người lên tiếng: “Xem ra nhà bà rước phải dâu Tây rồi!”. Và chỉ ít phút sau, người này rồi người kia cáo lỗi có việc ở nhà phải về, không giúp được nữa.
Vốn nhiều ngày vất vả, mất ăn mất ngủ lo cho đám cưới của con trai, thần kinh người mẹ đã quá căng thẳng. Giờ nhìn đống bát đĩa ngồn ngộn cả một góc sân, thấy thái độ bất cẩn của con dâu như thế, bà không sao kiềm chế được, quát mắng con trai. Rằng anh lấy vợ hay là lấy nợ đây? Học cao hiểu rộng sao một chút kiến thức đối nhân xử thế mà cũng không biết? Ngày đầu tiên ra mắt họ hàng mà như thế à?...
Kết quả là cô dâu mới đùng đùng bỏ về nhà mẹ đẻ ngay đêm hôm ấy. Anh chồng không thể để vợ đi một mình trong đêm nên cũng đi theo. Một tháng trôi qua mà con dâu bà vẫn chưa về thăm lại nhà chồng.
Người mẹ nói nếu hai đứa bỏ nhau thì bà càng mừng, vì bà ngán loại dâu tây ấy lắm.
Tình duyên cả một đời người sao để bị ảnh hưởng bởi những sự cố như vậy? Cả người mẹ chồng, mẹ đẻ cô dâu và đôi vợ chồng trẻ cần ngồi lại để tìm cách gỡ cái nút mà họ vô tình thắt lại. Từ vai trò người yêu đến vai trò cô dâu mới, cô gái đã ra mắt nhà chồng không đạt, đương nhiên lỗi một phần thuộc về cô. Còn người mẹ chồng, hãy lấy tấm lòng bao dung, đại lượng mà thể tất cho con dâu, làm hòa lại với thông gia. Đó mới là cách giải quyết hợp tình hợp lý nhất.
Theo PNVN