- Thưa ông, mục đích của Tổng điều tra NT, NN&TS năm 2016 là gì?
- Tổng điều tra NT, NN&TS năm 2016 thu thập thông tin cơ bản về nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản và nông thôn ở nước ta nhằm mục đích:
Thứ nhất, biên soạn các chỉ tiêu kinh tế - xã hội phục vụ việc đánh giá thực trạng, phân tích xu hướng biến đổi, xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn và cải thiện mức sống dân cư nông thôn trên phạm vi cả nước cũng như của từng địa phương;
Thứ hai, biên soạn các chỉ tiêu kinh tế - xã hội phục vụ việc đánh giá kết quả thực hiện một số nội dung của các chương trình mục tiêu quốc gia về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới; phục vụ so sánh quốc tế về các chỉ tiêu khu vực nông nghiệp và nông thôn;
Thứ ba, xây dựng cơ sở dữ liệu về nông nghiệp và nông thôn phục vụ công tác nghiên cứu chuyên sâu và làm dàn chọn mẫu cho một số cuộc điều tra định kỳ hàng năm và các yêu cầu thống kê khác.
- Điều tra thu thập thông tin về Tổng điều tra NT, NN&TS năm 2016 được thực hiện ở phạm vi nào và với những đối tượng nào, thưa ông?
- Tổng điều tra NT, NN&TS năm 2016 được thực hiện trên phạm vi cả nước, đối tượng của Tổng điều tra bao gồm: Lao động của hộ dân cư sống ở nông thôn và hộ có tham gia hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp và thủy sản ở khu vực thành thị; Điều kiện sản xuất của các đơn vị có tham gia hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp và thủy sản; Điều kiện sống của hộ nông thôn, hộ có tham gia hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp và thủy sản ở khu vực thành thị; Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn.
- Thưa ông, nội dung của Tổng điều tra NT, NN&TS năm 2016 bao gồm những gì?
- Nội dung của Tổng điều tra NT, NN&TS năm 2016, tập trung vào 3 nhóm chủ yếu sau:
Thứ nhất, Nhóm thông tin về thực trạng nền sản xuất khu vực nông nghiệp bao gồm: Đơn vị sản xuất và lao động gồm: Số lượng đơn vị sản xuất (hộ, trang trại); Số lao động và cơ cấu lao động phân theo giới tính, tuổi, ngành hoạt động, trình độ chuyên môn, hình thức làm việc; sử dụng thời gian lao động. Tư liệu sản xuất gồm: Đất đai; máy móc, thiết bị; gia súc, gia cầm; khoa học, công nghệ. Hoạt động trợ giúp cho sản xuất gồm: Thông tin về hoạt động hỗ trợ sản xuất; thông tin thị trường đầu vào, thị trường tiêu thụ sản phẩm trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; các thông tin cần thiết khác gồm: Thông tin về liên kết, hợp tác trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; bảo quản sản phẩm; tiêu dùng các sản phẩm nông sản chủ yếu; phát triển kinh tế trang trại; tác động của sản xuẩt nông nghiệp tới môi trường…
Thứ hai, Nhóm thông tin về nông thôn bao gồm: Thực trạng và sự chuyển dịch cơ cấu hộ và lao động nông thôn; thực trạng về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn; thông tin về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng; vệ sinh môi trường nông thôn và các thông tin cần thiết khác: Tổ hợp tác và làng nghề; cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của UBND xã;…
Thứ ba, Nhóm thông tin về cư dân nông thôn bao gồm: Thông tin phản ánh điều kiện sống của cư dân nông thôn; thông tin về tích lũy và khả năng huy động vốn, tình hình vay vốn, khả năng tiếp cận tín dụng của cư dân nông thôn; thông tin về đào tạo nghề; nhu cầu chuyển đổi, đào tạo nghề nghiệp của lao động nông thôn và kết quả thực hiện các chính sách khác ở nông thôn; thông tin cơ bản của một số chức vụ lãnh đạo xã.
- Thời điểm và thời gian điều tra được quy định như thế nào trong Tổng điều tra NT, NN&TS năm 2016 và Bình Dương đã chuẩn bị như thế nào để cuộc Tổng điều tra đạt hiệu quả nhất, thưa ông?
- Thời điểm Tổng điều tra là ngày 1-7-2016. Thời gian thu thập thông tin tối đa 30 ngày, từ ngày 1 đến ngày 30-7-2016.
Tại tỉnh Bình Dương, công tác Tổng điều tra đã thực hiện theo kế hoạch của Ban chỉ đạo đề ra. Tháng 1-2016: Thành lập Ban chỉ đạo và Tổ thường trực các cấp. Tháng 2-2016: Tổ chức triển khai hướng dẫn lập bảng kê các loại đơn vị điều tra. Tháng 3-2016: Tổ chức hội nghị, hướng dẫn lập bảng kê, xác định địa bàn điều tra. Rà soát địa bàn, lập bảng kê các loại đơn vị điều tra, báo cáo kết quả về Ban Chỉ đạo huyện, cấp tỉnh.
Từ tháng 4 đến tháng 5-2016: Xây dựng kế hoạch thực hiện cuộc Tổng điều tra trên địa bàn. Xác định số lượng địa bàn mẫu và danh sách địa bàn mẫu để gửi cho các Ban Chỉ đạo Tổng điều tra cấp huyện. Triển khai kế hoạch Tổng điều tra và tập huấn nghiệp vụ cho Ban Chỉ đạo Tổng điều tra cấp huyện.
Tháng 6-2016: Tuyển chọn điều tra viên và tổ trưởng; Tập huấn nghiệp vụ điều tra cho Ban Chỉ đạo Tổng điều tra cấp xã, tổ trưởng và điều tra viên hoàn thành trước ngày 25-6- 2016; In ấn, vận chuyển, phân phối biểu mẫu và các tài liệu liên quan về các địa phương; Mua vật tư, văn phòng phẩm để trang bị cho điều tra viên, tổ trưởng; Cập nhật địa bàn và đơn vị điều tra (hộ và trang trại) phát sinh sau thời điểm lập bảng kê; Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về cuộc Tổng điều tra NT, NN & TS năm 2016.
- Xin cảm ơn ông!
KIM HÀ