Xác định tầm quan trọng của công tác bình đẳng giới (BĐG) trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống, huyện Dầu Tiếng đã nỗ lực triển khai thực hiện và đạt kết quả tích cực. Đặc biệt, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) huyện luôn chú trọng công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm gắn với BĐG.
Phụ nữ Dầu Tiếng học nghề nấu ăn đãi tiệc
Vui khi có việc làm
Đến ấp Đồng Sến, xã Định An, huyện Dầu Tiếng nhắc đến chị Hồ Thị Kim An, ai cũng khen ngợi chị là người phụ nữ (PN) đầy nghị lực, chăm chỉ, thành công. Đâu ai biết được sau sự thành công của ngày hôm nay, chị đã trải qua nhiều khó khăn trong quá khứ. Vợ chồng chị làm thuê, làm mướn không đủ trang trải cuộc sống. Thấy hoàn cảnh của chị, Hội LHPN xã Định An đã tạo điều kiện cho chị vay vốn; đồng thời đăng ký để chị tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi heo, bò. Có vốn làm ăn, cộng với kiến thức được tập huấn, chị mạnh dạn thuê đất trồng cỏ và chăn nuôi bò. Sau vài năm gầy dựng, giờ đây gia đình chị đã có đàn bò trên 30 con. Thu nhập mỗi năm từ 50 - 70 triệu đồng từ bán bò con, bò thịt giúp gia đình chị thoát nghèo và trở thành hộ khá giả.
Đối với chị Lê Thị Mừng, khu phố 2, thị trấn Dầu Tiếng cũng nhờ được dạy nghề, tạo việc làm mà cuộc sống hiện nay đã ổn định, nhà cửa khang trang. Chị Mừng kể lại, chị sinh ra và lớn lên tại Tây Ninh. Sau đó, chị lấy chồng và lập nghiệp tại thị trấn Dầu Tiếng. Ban đầu, chưa có công ăn việc làm, chồng chị chạy xe ôm, chị lượm mủ cao su. Thu nhập không ổn định nên gia đình luôn sống trong tình cảnh thiếu trước hụt sau. Sau đó, chị được cán bộ giảm nghèo của thị trấn Dầu Tiếng tạo điều kiện cho chị học nghề nấu ăn đãi tiệc. Có nghề trong tay, chị mở quán ăn nhỏ. Quán ăn giúp gia đình chị có cuộc sống ổn định, có vốn để nhận nấu ăn đãi tiệc. “Nếu không được học nấu ăn, không được định hướng công việc cho tương lai có lẽ giờ chị còn đang lượm mủ cao su. Chị cảm ơn sự quan tâm của địa phương để chị cũng như các chị em khác có việc làm ổn định, khẳng định được bản thân”, chị Mừng tâm sự.
“Đã làm phải làm cho tốt”
Đó là khẳng định của bà Ngô Thị Xuyến, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Dầu Tiếng khi nói về công tác BĐG trên địa bàn huyện. Bà Xuyến nhấn mạnh, để PN thực sự được bình đẳng, họ cần phải có việc làm ổn định, không sống dựa dẫm vào nam giới. Chính vì vậy, Dầu Tiếng xác định việc thực hiện Luật BĐG có hiệu quả hay không phải đi từ công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho PN.
Định hướng đúng công tác BĐG nên các hoạt động do Ban VSTBPN huyện đề ra đều nhận được sự đồng thuận của chị em PN huyện. Trong 10 năm qua đã có 13.608 PN được giới thiệu việc làm thông qua các kênh, các đoàn thể. Thực hiện công tác đào tạo nghề lao động nông thôn, Ban VSTBPN huyện phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH, Hội LHPN, Hội Nông dân, Trung tâm Khuyến nông huyện tổ chức 115 lớp tập huấn ngắn hạn với hơn 4.000 PN tham gia. Các nghề được chị em lựa chọn chủ yếu là may, cắt tóc, nấu ăn đãi tiệc, cạo mủ cao su… Với phương châm trao “cần câu” chứ không cho “con cá”, ngoài dạy nghề, Ban VSTBPN huyện còn tham mưu, đề xuất cho gần 21.000 PN được vay vốn với số tiền hơn 193 tỷ đồng từ năm 2007 đến 2016.
Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, huyện Dầu Tiếng tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng trong cơ cấu nhân sự nhằm tăng tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, đại biểu HĐND các cấp; bố trí kinh phí bảo đảm thực hiện các hoạt động BĐG và VSTBPN. Bên cạnh đó, bố trí thêm cán bộ chuyên trách công tác BĐG, VSTBPN ở huyện, xã, thị trấn và cộng tác viên khu phố, ấp. Họ sẽ là nòng cốt thực hiện tốt công tác BĐG, tích cực tuyên truyền để toàn thể nhân dân thực hiện đúng Luật BĐG.
THIÊN LÝ