Dầu Tiếng: Khai thác tốt tiềm năngđể phát triển

Cập nhật: 22-06-2018 | 08:29:13

 Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ huyện Dầu Tiếng đã tập trung lãnh đạo nhằm tạo sự đột phá trên các lĩnh vực. Kết quả cho thấy, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trên lĩnh vực kinh tế, các ngành công nghiệp, nông nghiệp, thương mại - dịch vụ của huyện Dầu Tiếng đã phát triển mạnh mẽ.

 Phát triển đồng bộ các lĩnh vực kinh tế

Huyện Dầu Tiếng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế. Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Thường vụ Huyện ủy Dầu Tiếng đã chỉ đạo xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện với 5 chương trình đột phá. Thực hiện các chương trình đột phá này, trên lĩnh vực kinh tế, UBND huyện đã cụ thể hóa bằng chương trình phát triển nông nghiệp - nông thôn, phát triển đô thị và phát triển du lịch.

Một góc trung tâm huyện Dầu Tiếng. Ảnh: HỒNG NGA

Chiếm gần 35% trong cơ cấu kinh tế của huyện Dầu Tiếng, ngành nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế ở địa phương. Với mục tiêu phát triển nông nghiệp đa dạng, kỹ thuật cao, thời gian qua trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp tập trung, có giá trị kinh tế cao. Nhiều nông dân trong huyện, với sự cần cù, sáng tạo, dám nghĩ dám làm trong lao động sản xuất, đã biến vùng đất hoang vu, khô cằn thành những cánh rừng cao su xanh tươi ngút ngàn, những vườn cây ăn trái trĩu quả hay những trang trại chăn nuôi quy mô lớn, hiện đại, đáp ứng nhu cầu sản xuất sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Hàng năm, các mô hình kinh tế nông nghiệp trên địa bàn đã tạo công ăn việc làm ổn định cho 2.800 lao động nông thôn.

Đối với lĩnh vực thương mại - dịch vụ, cùng với việc đẩy mạnh đa dạng hóa các loại hình kinh doanh, huyện Dầu Tiếng đã chú trọng công tác ổn định thị trường, xúc tiến thương mại, cụ thể như đẩy mạnh các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Về du lịch, huyện đã giao Công ty TNHH Xuân Cầu làm chủ đầu tư với quy mô sử dụng đất 797,64 ha, tổng vốn đầu tư trên 1.544 tỷ đồng, phát triển du lịch sinh thái khu vực núi Cậu - hồ Dầu Tiếng nhằm tạo sức bật để ngành du lịch địa phương phát triển. Bên cạnh đó, lãnh đạo huyện chỉ đạo các ngành liên quan tổ chức liên kết xây dựng các tour du lịch núi Cậu - hồ Dầu Tiếng, Khu du lịch Đọt Chămpa, vườn cây cao su thời Pháp thuộc, vườn cây ăn trái xã Thanh Tuyền... Bên cạnh đó, huyện đã đầu tư xây dựng 3 bến hạ thủy với kinh phí 630 triệu đồng, nhằm tạo điều kiện cho các tàu du lịch cập bến đưa khách tham quan theo dọc tuyến sông Sài Gòn.

Ông Nguyễn Mạnh Hồng, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết tuyến đường trọng yếu ĐT744 nối liền Dầu Tiếng với TP.Thủ Dầu Một được khánh thành đưa vào sử dụng trong năm 2015 đã tháo gỡ khó khăn trong lưu thông, vận chuyển hàng hóa ở địa phương, mở ra cơ hội lớn để địa phương thu hút đầu tư phát triển công nghiệp. Hiện toàn huyện có 339 doanh nghiệp. Đáng chú ý, trên địa bàn huyện có dự án mở rộng Cụm công nghiệp Thanh An do Công ty TNHH ván sàn An Dương đầu tư đang giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 lao động trong và ngoài huyện. Địa phương cũng đã hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện dự án Cụm công nghiệp An Lập, quy hoạch mở rộng Khu công nghiệp Bàu Bàng về phía xã Long Tân với diện tích 969 ha. Hiện quy hoạch này đã được tỉnh phê duyệt 108,3 ha… Đây là tiền đề để Dầu Tiếng chuyển dịch nhanh, hiệu quả cơ cấu kinh tế sang hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, thương mại - dịch vụ.

Dấu ấn nông thôn mới

Dấu ấn nổi bật nhất của huyện Dầu Tiếng trong những năm qua là được công nhận huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Bình Dương. Triển khai xây dựng nông thôn mới, Dầu Tiếng đã huy động gần 1.426 tỷ đồng, trong đó huy động doanh nghiệp 327,5 tỷ đồng và nhân dân đóng góp 106 tỷ 860 triệu đồng để thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Đến nay, hệ thống hạ tầng giao thông của huyện ngày càng hoàn thiện, trong đó đường đô thị dài gần 50km, đường huyện quản lý 145km, đường xã quản lý 94km. Thu nhập bình quân đầu người ở các xã nông thôn mới của huyện đạt gần 50 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh ở các xã giảm còn 0,97%. Các công trình thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… trên địa bàn huyện cũng được quan tâm đầu tư, đưa diện mạo nông thôn ở địa phương ngày càng khởi sắc.

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở, cùng với đó là sự tham gia tích cực của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân trong huyện, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện Dầu Tiếng giai đoạn giữa nhiệm kỳ 2015-2020 bình quân 10%/năm; trong cơ cấu kinh tế, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng chiếm 37,42%, thương mại - dịch vụ chiếm 32,38%, nông nghiệp 30,2%. Kinh tế của huyện chuyển dịch đúng hướng, tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp và thương mại - dịch vụ; thu nhập bình quân đầu người đạt 45,5 triệu đồng/năm.

Những kết quả Đảng bộ huyện Dầu Tiếng đạt được trong nửa nhiệm kỳ qua khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng bộ huyện trong chặng đường xây dựng và phát triển của địa phương. Kết quả nổi bật là diện mạo nông nghiệp, nông thôn của Dầu Tiếng có sự chuyển biến mạnh mẽ; sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao; đã hình thành vùng hàng hóa gắn với thị trường, nhiều sản phẩm nông nghiệp được khách hàng ưa chuộng...

Bước chuyển mình của huyện Dầu Tiếng hôm nay là thành quả rất đáng ghi nhận, hứa hẹn vùng đất giàu tiềm năng này sẽ được khai thác tốt hơn nữa trong thời gian tới.

 HỒNG NGA

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=936
Quay lên trên