Đầu tư nước ngoài đóng vai trò then chốt trong phục hồi kinh tế

Cập nhật: 19-03-2024 | 14:25:46

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên và gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với chủ đề "Doanh nghiệp FDI tiên phong thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh" do Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam phối hợp tổ chức sáng 19/3, tại Hà Nội. Dự diễn đàn có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, tổ chức trong và ngoài nước.


Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên.

Diễn đàn là cơ chế đối thoại liên tục và chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp nhằm cải thiện các điều kiện kinh doanh cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân, thuận lợi hóa môi trường đầu tư, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam.

Khai mạc diễn đàn, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, qua một năm 2023 với nhiều khó khăn, thách thức, cùng với rất nhiều biến động phức tạp, khó lường từ tình hình thế giới, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã bền bỉ và chủ động vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục phát triển, có đóng góp quan trọng vào các thành quả phát triển kinh tế của đất nước năm 2023.

Việt Nam tiếp tục duy trì được kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát được lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế và nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông. Từ năm 2022 đến nay, Việt Nam đã đưa vào khai thác thêm 730 km đường cao tốc, nâng tổng chiều dài cao tốc của cả nước lên gần 1.900 km. Hiện nay Chính phủ đang dồn nguồn lực đầu tư công rất lớn cho đường cao tốc, theo kế hoạch đến năm 2025 Việt Nam sẽ có 3.000 km và đến 2030 có trên 5.000 km cao tốc). Với mức tăng trưởng GDP Việt Nam tương đối tích cực, ở mức 5,05%, quy mô GDP Việt Nam năm 2023 đạt 430 tỷ USD, xếp thứ 34 trên thế giới. Dự kiến năm 2024 này Việt Nam sẽ gia nhập nhóm quốc gia phát triển có thu nhập trung bình cao.

Một dấu ấn quan trọng nữa của Việt Nam là về đối ngoại đã nâng tầm quan hệ với Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và mới đây là Australia, đây đều là những cường quốc và là những thị trường quan trọng của thế giới. Việt Nam tiếp tục khẳng định là một điểm đến hấp dẫn, an toàn cho các nhà đầu tư.

Về đầu tư nước ngoài, số vốn đăng ký năm 2023 đạt mức kỷ lục là 36,6 tỷ USD (tăng 32,1% so với năm 2022), vốn FDI thực hiện đạt gần 23,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Về đầu tư trong nước, vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước đạt gần 2 triệu tỷ đồng, tăng 2,7% so với năm 2022. Tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường năm 2023 cao nhất từ trước đến nay, đạt gần 218 nghìn doanh nghiệp, tăng 4,5% so với năm 2022.

Trong bối cảnh khó khăn chung thì những thành quả nói trên hết sức có ý nghĩa, là thành tích đáng tự hào của Việt Nam, ông Công khẳng định. 

Tại diễn đàn, ông Nitin Kapoor, đồng Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam chia sẻ, trước những thách thức toàn cầu chưa từng ghi nhận trước đây, Việt Nam đã thể hiện khả năng thích ứng vượt trội, nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho đầu tư FDI sau năm 2022. Dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng liên tục, trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng còn chậm ở nhiều quốc gia khác, nhờ một nền kinh tế năng động và linh hoạt.

Khi đã vượt qua những thời điểm khó khăn, các doanh nghiệp nước ngoài, với thái độ lạc quan thận trọng, mong muốn có một môi trường thuận lợi cho tăng trưởng bền vững.

Đi đầu trong hành trình tăng trưởng này là các sáng kiến Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG), ngày càng được các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam quan tâm. Tuy nhiên, việc thực hiện hiệu quả các chiến lược ESG vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Những quan điểm khác nhau về cam kết ESG của Chính phủ cho thấy Việt Nam cần có cách tiếp cận thống nhất để thúc đẩy phát triển kinh doanh và đóng góp toàn diện cho xã hội.

Ông Nitin Kapoor nhấn mạnh, khi bắt đầu hành trình hướng tới tăng trưởng bền vững, tất cả các bên liên quan phải hợp tác để khai thác tối đa tiềm năng của Việt Nam với vai trò là điểm đến hàng đầu cho đầu tư nước ngoài. Báo cáo này đưa ra khung kế hoạch hành động, trong đó trình bày ý kiến phân tích và khuyến nghị nhằm định hướng những nỗ lực chung, hướng tới một môi trường kinh doanh thịnh vượng, linh hoạt.

Năm 2024 đã được Chính phủ xác định là năm tăng tốc, bứt phá để thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 05/1/2024, Chính phủ đã xác định chủ đề năm là "Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tăng tốc sáng tạo; hiệu quả bền vững" và đưa ra 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành cùng 12 nhiệm vụ quan trọng, trong đó có việc thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh.

Diễn đàn VBF năm nay với chủ đề "Doanh nghiệp FDI tiên phong thực hiện các chiến lược tăng trưởng xanh" chính là một trong những hành động cụ thể của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thể hiện sự ủng hộ và sẵn sàng cùng Chính phủ hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024 và các năm tiếp theo.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên