Dấu xưa Đình Bình Dương

Cập nhật: 11-01-2014 | 00:00:00

> Bài 1: Đình thần Vĩnh Phước - Vàng son một thuở

Bài 2: Đình Tân An - “Hội hè đình đám”

 Là ngôi đình đầu tiên của tỉnh Bình Dương hiện đang được hoàn thiện hồ sơ để công nhận là di tích cấp quốc gia, đình Tân An (thuộc ấp 1, xã Tân An, TP.Thủ Dầu Một) thu hút không chỉ người trong tỉnh mà còn là điểm đến khá nổi tiếng của khách thập phương. Ngoài những cái hiện hữu là cảnh quan đẹp, không gian thoáng mát, là kiến trúc và lịch sử hàng trăm năm thì cái làm nên tinh thần vô giá của đình Tân An chính là “hội hè đình đám”.

   Người dân Tân An coi hát Bội trong lễ Kỳ yên.  Ảnh: Đ.T

 Đình Tân An, còn gọi là đình Bến Thế và xưa gọi là Tương An miếu do nhân dân 4 xã: Tương Bình (nay là Tương Bình Hiệp), Tương An (nay là Tân An), Tương Hòa (nay là Định Hòa) và Cầu Định (nay là Hòa Định) lập vào năm 1820. Khoảng 30 năm sau đó, tiên tổ dòng họ Nguyễn (làm chức Ban biện) đứng ra chủ trì xây dựng lại đình với quy mô lớn và hình dáng, quy mô của ngôi đình đó được nhiều đời con cháu xã Tân An giữ gìn, mở mang. Đình Tân An trở thành ngôi đình có kiến trúc cổ, quy mô, chứa nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể bậc nhất tỉnh. Dòng họ Nguyễn do có công xây dựng, giữ gìn đình trở thành Tiền Hiền, được đặt thờ trong đình và hàng năm hưởng cúng tế theo lệ đình. Sắc phong do vua Tự Đức phong cho thần Thành Hoàng đình Tân An năm 1869 cũng được lưu giữ tại nhà của con cháu Tiền Hiền (hiện nay là nhà ông Nguyễn Tri Quan), mỗi lần tới lệ cúng đều tổ chức rước sắc theo lệ cũ.

Khuôn viên đình Tân An gồm đình và phần còn lại là khu sân đình luôn rợp bóng cây cổ thụ. Kiến trúc của đình khá bề thế với các phần chính gồm hậu điện, cấm cung (nơi thờ thần Thành Hoàng), trung điện, tiền điện, nhà đãi (gồm đông lang, tây lang) và võ ca (nơi đoàn hát biểu diễn). Đình Tân An có lối kiến trúc khá mở, chỉ có cấm cung luôn đóng kín cửa, còn những phần khác, kể cả trung điện cũng luôn trống cửa tạo không gian mở, thông thoáng. Tuy vậy, lịch sử, thời gian ghi dấu qua những hàng cột to lớn, bóng lưỡng, qua những bức hoành phi, câu đối, qua nét chạm trổ của một thời luôn mang đến cho người chiêm bái cảm giác linh thiêng nơi thờ tự.

Theo đúng lệ xưa “tam niên đáo lệ Kỳ yên”, vào những năm Tí, Mão, Ngọ, Dậu tính theo lịch Can Chi là những năm đình Tân An đáo lệ tổ chức Kỳ yên trong dịp Hạ điền chạp miễu. Kỳ yên là dịp để những nông dân trước là bày tỏ tình cảm của mình với thần linh, sau là dịp gặp mặt nhau bàn luận công việc làm ăn và bày tỏ tình cảm, trao đổi kinh nghiệm. Trong lễ hội Kỳ yên, một mặt người nông dân đền ơn thần linh đã phù trợ, giúp sức cho họ vượt qua khó khăn trong cuộc sống, được “hòa muôn, triệu triệu; được an cư, lạc nghiệp, được quốc thái, dân an”. Nó có vị trí rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày 3 đêm từ 14 đến 16-11. Theo các cụ cao niên trong làng, sở dĩ chọn ngày từ 14 đến 16 là những ngày có trăng sáng, xưa không có điện nên phải nhờ ánh sáng từ thiên nhiên để bà con thuận tiện vui chơi và đi lại. Hơn nữa, đây cũng là những ngày mà thủy triều của sông Sài Gòn dâng cao và khi “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” là những điềm tốt để kết thúc một năm cũ, cầu một năm mới thắng lợi, bội thu, mùa màng tươi tốt, vạn vật ấm no…

Lễ Kỳ yên được bắt đầu bằng nghi Thỉnh sắc thần, tiến hành vào lúc 6 giờ 30 ngày 14- 11. Vốn dựa vào hình thức là một nghi lễ rước quan đại thần của triều đình xưa, lễ Thỉnh sắc thần của đình Tân An là một trong những nghi thức tô đậm nhất màu sắc truyền thống theo khuôn mẫu phong kiến cho thần Thành Hoàng và cho lễ hội đình nói chung.

Đi đầu đoàn rước thường là phải có cờ “lệnh”, hai bên là lễ bộ cùng với các nghi trượng khác. Lại có hai bảng đề những chữ “Túc tĩnh” (đứng yên) và “Hồi tị” (lùi ra) ở hai mặt của mỗi bảng dẫn trước để dẹp đường cho Thần đi qua. Tiếp theo là các đồ tự khí, tượng trưng cho uy quyền của thần như cờ soái, ấn kiếm, võng, áo mão… rồi đến Long đình bên trong đặt các lễ vật. Đi theo đoàn rước ngoài ban nghi lễ đình mặc áo dài khăn đóng màu vàng (màu chỉ dùng trong nghi thỉnh sắc và hồi sắc), màu xanh, quan viên chức sắc và nhân dân địa phương còn có những thanh niên, thiếu nữ đóng vai “Lễ sinh”, “Đào thài”, đặc biệt là đội “Lính áp hầu” đầy đủ nón chóp, quần áo đỏ nẹp vàng đùi quấn xà cạp, tay cầm giáo… Mặc dù vậy, đám rước sắc ấy vẫn chủ yếu mang không khí hội hè đình đám với tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng nhạc và có cả múa lân hết sức vui vẻ, náo nhiệt.

Với ý nghĩa để Thần thăm thú cuộc sống của nhân dân, trừ tà, phát lộc, đoàn rước đi một vòng qua khu dân cư, qua khu chợ rồi mới trở về đình. Sau lễ An vị, giờ đây mọi hoạt động của buổi lễ đều đặt dưới sự giám sát của Thần, không khí trong đình trở nên linh thiêng, trang trọng hơn.

Sau lễ Thỉnh sắc còn một loạt những nghi lễ khác, gồm: lễ Thỉnh sanh (trình lễ vật - ở đây là heo sống - trước Thần), lễ Túc Yết (lễ nghênh chào và ra mắt thần), lễ Đàn Cả (lễ tạ ơn thần), tế tiền hiền, hậu hiền, chiến sĩ là những lễ thức có ý nghĩa, nội dung, vị trí riêng nhưng hình thức gần như tương tự nhau gồm các bước nhạc lễ khai lễ, lễ sinh dâng lễ vật, Chánh tế đọc văn tế. Mỗi một nghi lễ đều phải thực hiện theo đúng từng bước dưới sự hướng dẫn của thầy lễ và của xướng quan. Cách thức thực hành nghi lễ của đình được ghi chép cẩn thận trong cuốn “sách lễ” và được trao truyền qua nhiều đời trưởng ban. Chính vì lý do đó mà những nghi thức tế lễ thực hành ở đình Tân An được bảo lưu tốt, đậm màu sắc truyền thống, không bị “lai căng” hay thiếu sót như nhiều ngôi đình trong tỉnh.

Cúng lệ Kỳ yên không thể không có hát Bội. Cho nên, dù kinh tế khó khăn, Ban quý tế đình vẫn luôn duy trì lệ cổ, mời đoàn hát về trước để làm vui cho Thần, sau để phục vụ bà con. Và cũng hiếm có một vùng ven nào mà người dân lại vẫn còn đam mê loại hình nghệ thuật cổ này đến thế. Hát Bội tuy là văn nghệ góp vui nhưng mỗi một bài diễn cũng đều mang ý nghĩa của một nghi lễ. Từ những màn của Đại bội: Thiên Lôi mở cửa trời, Thái cực sinh lưỡng nghi, Phước Lộc Thọ, Lưỡng nghi sinh tứ tượng, Ngũ hành và Gia quan tấn tước đến những tuồng tích trước là để giải thích một cách hình tượng thuyết dịch lý và ý nghĩa đằng sau đó là để cầu chúc cho mưa thuận gió hòa, nhân dân trong ấp nhà nhà sung túc, người người khang thịnh, vạn vật tốt tươi.

Mỗi dịp lễ Kỳ yên đúng là những ngày hội của những người dân trong làng và những vùng xung quanh. Đây là dịp để những người có hoa tay trổ tài khéo léo qua những bàn tạo hình rồng phụng bằng trái cây, là dịp để các bà, các mẹ trổ tài nấu nướng đãi khách gần xa. Tuy tổ chức trong ba ngày nhưng không ngày nào đình ngớt người ra vào. Không cúng xôi như ngày trước, người dân thường cúng trái cây kèm theo năm ba trăm ngàn, người khá giả hơn thì cúng heo quay và thường chỉ lấy một phần gọi là lộc, phần còn lại góp chung vào mâm cỗ cúng đình.

Sau nghi thức Tôn vương của đoàn hát Bội là nghi Hồi sắc, rước sắc Thần về lại nhà ông Nguyễn Tri Quan, kết thúc tốt đẹp một mùa lễ hội. Người dân trở về với cuộc sống thường ngày nhưng mang theo một niềm tin mới, niềm tin vào một cuộc sống ngày càng ấm no, tốt đẹp hơn.

Có thể nói, hội đình Tân An khá hoàn chỉnh từ phần “lễ” tới phần “hội”. Nghi thức tế lễ được thực hành đầy đủ theo lệ cũ, ngay cả nghi thức Xây Chầu là nghi thức mà hiện nay rất hiếm đình còn duy trì được cũng được các vị bô lão trong đình bảo lưu, thực hành. Những điều này rất có ý nghĩa trong việc nghiên cứu, bảo lưu, phục dựng, truyền bá một nét văn hóa đẹp trong kho tàng văn hóa phi vật thể của tỉnh nhà.

 Bài 3: Đình Phú Long - “Vang bóng một thời”

 ĐỖ THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=212
Quay lên trên