Phụ huynh chúng ta thường hay so sánh cách giáo dục con cái của Nhật Bản với của mình rồi... thở dài. Nhưng lại không biết rằng, mình rất ít khi “bắt” con cái chịu nhận trách nhiệm về việc làm của con. Đó là chưa kể có khi chúng ta còn “bao biện” cho những lỗi của con mà mình cho là không đáng.
Có thể nói, cuộc họp phụ huynh vào sáng chủ nhật (18-1) vừa qua ở các trường tiểu học là cuộc họp có nhiều tranh luận nhất từ trước tới nay mà tôi từng dự. Phụ huynh tranh luận bởi “bị sốc” trước đánh giá sát sườn của giáo viên. Lâu nay, phụ huynh chỉ nhìn vào điểm số và yên tâm rằng con mình “giỏi” bởi nhìn vào tập vở toàn thấy điểm 9, 10. Thế nên, nếu ai không “chuẩn bị tâm lý” trước sẽ rất khó chấp nhận sự thật, nhất là với kết quả bầu chọn của giáo viên và chính các bạn học sinh trong lớp cho những bạn học giỏi, đứng trong tốp đầu của lớp học.
Thông tư 30 của Bộ Giáo dục - Đào tạo đã hướng dẫn cách đánh giá học sinh tiểu học là những hoạt động quan sát, theo dõi, trao đổi, kiểm tra, nhận xét quá trình học tập, rèn luyện của học sinh; tư vấn, hướng dẫn, động viên học sinh; nhận xét định tính hoặc định lượng về kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh tiểu học. Cách đánh giá mới còn giúp giáo viên điều chỉnh, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động dạy học, hoạt động trải nghiệm ngay trong quá trình và kết thúc mỗi giai đoạn dạy học... Giúp học sinh có khả năng tự đánh giá, tham gia đánh giá; tự học, tự điều chỉnh cách học; giao tiếp, hợp tác; có hứng thú học tập và rèn luyện để tiến bộ hơn.
Theo lời một giáo viên tâm sự sau buổi họp phụ huynh thì thật khó để làm vừa lòng phụ huynh. Giáo viên đã rất vất vả, cố gắng để nhận xét sát sao, theo hướng động viên, khích lệ học sinh bởi không chỉ điểm số mà các em cần phải rèn luyện về thể thao, sinh hoạt cộng đồng. Các em phải biết tự trọng, tự tin và tự chịu trách nhiệm để sau này lớn lên có được nhân cách tốt. Đừng vì điểm số nữa mà hãy cùng giáo viên, gần gũi và giúp con cái định hướng tốt mới là vấn đề quan trọng của giáo dục.
HƯƠNG CẦN