Môn giáo dục thể chất (GDTC) trong chương trình giáo dục phổ thông mới giúp học sinh (HS) hình thành, phát triển kỹ năng chăm sóc sức khỏe, kỹ năng vận động, thói quen tập luyện thể dục thể thao (TDTT); đồng thời phát hiện và bồi dưỡng tài năng thể thao. Với tầm quan trọng ấy, ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) Bình Dương rất quan tâm đến công các GDTC và thể thao trong trường học.
Học sinh trường THCS Vĩnh Tân (TX.Tân Uyên) tham gia tập thể dục giữa giờ
Quyết liệt triển khai
Theo đó, ngành GD-ĐT đã có đề án tổng thể phát triển GDTC và thể thao trường học giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở này, ngành tập trung vào 4 nội dung: GDTC; hoạt động thể thao trường học; cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ GDTC và thể thao trường học; giáo viên, giảng viên TDTT theo từng cấp học và trình độ đào tạo.
Thực hiện các nội dung trên, ngành đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy và học, kiểm tra và đánh giá chất lượng GDTC trong nhà trường. Theo chỉ đạo của ngành, các trường tiểu học, THCS, THPT triển khai, tổ chức thực hiện đầy đủ các nội dung của chương trình môn học GDTC và hoạt động thể thao trường học nhằm tăng cường sức khỏe, phát triển thể lực, trang bị kiến thức, kỹ năng vận động cơ bản, hình thành thói quen tập luyện TDTT, thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện cho HS.
Bên cạnh đó, các trường học còn tiếp tục bổ sung, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất bảo đảm các điều kiện để tổ chức thực hiện hiệu quả dạy và học môn GDTC. Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, đánh giá từ khi triển khai thực hiện đề án vào năm 2016 đến nay, tất cả các trường phổ thông tổ chức giảng dạy theo khung phân phối chương trình của Bộ GD-ĐT và do Sở GD-ĐT ban hành. Ngoài 4 môn thể thao đối với THCS và 5 môn thể thao dành cho HS THPT được biên soạn trong chương trình và sách giáo viên, các trường học tùy theo điều kiện cơ sở vật chất và khả năng chuyên sâu của giáo viên chọn các môn thể thao khác để tổ chức giảng dạy.
Phát triển hoạt động
Ngoài dạy đúng, đủ môn GDTC theo phân phối chương trình, các trường còn phát triển hoạt động thể thao trường học. Sở đã chỉ đạo các trường phổ thông trong tỉnh tăng cường tổ chức các hoạt động TDTT nhằm nâng cao sức khỏe, phát triển thể lực toàn diện, trang bị kiến thức, kỹ năng vận động cơ bản và hình thành thói quen tập luyện TDTT thường xuyên cho HS, sinh viên; gắn GDTC, thể thao trường học với giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho HS.
Đến nay, 100% các trường phổ thông đã thành lập các câu lạc bộ TDTT và duy trì tập luyện thường xuyên các đội tuyển thể thao trong nhà trường. Sở GD-ĐT còn khuyến khích các trường tổ chức tập luyện, giảng dạy các môn võ thuật, đặc biệt là võ Vovinam, võ cổ truyền cho HS trong giờ học chính khóa hoặc ngoại khóa với mục đích dùng các môn võ thuật để HS làm phương tiện rèn luyện sức khỏe, giáo dục đạo đức, lối sống. Đến nay, có trên 80% các trường học đưa môn võ Vovinam, võ cổ truyền vào giảng dạy cho HS.
Thực hiện song hành với dạy học GDTC trong trường học, hàng năm, Sở GD-ĐT tổ chức các hoạt động thể thao cho HS, đặc biệt là giải thể thao HS tỉnh Bình Dương để đánh giá công tác GDTC và hoạt động thể thao trong các trường phổ thông; đồng thời phát hiện những em có thành tích, tài năng thể thao, tuyển chọn bồi dưỡng đào tạo nâng cao thành tích, bổ sung lực lượng cho các đội tuyển thể thao trẻ của tỉnh và quốc gia.
ÁNH SÁNG