Tại Hội nghị kết nối cung cầu tiêu thụ nông sản do UBND huyện Bàu Bàng phối hợp với Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức vừa qua, các nhà quản lý, chủ trang trại, doanh nghiệp đã bàn nhiều giải pháp tạo ra chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng.
Tăng cường kết nối
Với tiềm năng nguồn quỹ đất dồi dào, khí hậu thuận lợi, huyện Bàu Bàng đã chú trọng phát triển vùng chuyên canh nông nghiệp chất lượng cao. Đến nay, toàn huyện có 397,3 ha cây ăn trái, trong đó có 296,6 ha cây ăn trái có múi, hơn 21 ha được sản xuất theo hướng VietGAP; phần lớn tập trung tại các xã Long Nguyên, Trừ Văn Thố, Lai Uyên, Cây Trường II. Nhiều gia đình nông dân trong huyện đã trồng các giống bưởi như bưởi da xanh, bưởi đường lá cam, bưởi đường da láng… với diện tích 201,1 ha, trong đó có 118,5 ha đang thu hoạch; sản lượng bình quân đạt từ 15 - 20 tấn/ha/năm, doanh thu từ 600 - 800 triệu đồng/ha/năm. Trên địa bàn huyện còn có 95,8 ha cam quýt, phần lớn đang thu hoạch; sản lượng bình quân đạt từ 40 - 60 tấn/ha/năm, doanh thu trên 1 tỷ đồng/ha/năm. Ngoài ra, nông dân trong huyện còn trồng nhiều loại cây ăn trái khác như ổi, chôm chôm, nhãn, chuối, cam sành...
Trang trại bưởi da xanh của ông Mai Bá Thọ, xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng. Ảnh: Q.NHIÊN
Ông Lê Thanh Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng cho biết, hiện nay Nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi để khuyến khích các trang trại phát triển nông nghiệp. Huyện Bàu Bàng xác định hướng phát triển nông nghiệp dựa trên việc áp dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật tiên tiến, công nghệ sạch; hiện đã có nhiều mô hình kinh tế áp dụng biện pháp này mang lại kết quả tốt. Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm để tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm của nông dân trong huyện làm ra, tránh tình trạng cung vượt quá cầu, giảm bớt các khâu trung gian nhằm tạo sự ổn định cho người sản xuất.
Hiện nay, huyện Bàu Bàng đang triển khai nhiều mô hình trồng trọt thí điểm mới. Dưới sự hỗ trợ của cơ quan chuyên môn về mặt kỹ thuật, giống cây trồng, địa phương chủ động mời các hộ sản xuất tham gia vào chương trình ứng dụng thí điểm về trồng rau sạch và các nông sản khác. Theo định kỳ, huyện tổ chức cho các chủ trang trại, doanh nghiệp tham quan các mô hình sản xuất công nghệ cao trong và ngoài tỉnh nhằm học tập và ứng dụng hướng đi có hiệu quả tại địa phương.
Liên kết là hướng tất yếu
Tại hội nghị, đại diện các hệ thống siêu thị có chi nhánh tại Bình Dương như Co.op Mart, Citi Mart, Lotte Mart đã trình bày khá chi tiết những yêu cầu về sản phẩm khi vào hệ thống phân phối của họ. Bên cạnh đó, đại diện các siêu thị cũng trao đổi, chia sẻ cách thức thu mua hàng nông sản với chủ các trang trại và nông dân trong huyện để thực hiện kết nối cung cầu trong thời gian tới, tránh khâu trung gian, nhằm đem lại hiệu quả kinh tế bền vững cho cả hai bên.
Hiện nay, nhiều hộ nông dân huyện Bàu Bàng đã tính đến các phương án liên kết chặt chẽ với nhau, không chỉ về mặt kỹ thuật mà còn về sản lượng thì mới bảo đảm nguồn hàng theo yêu cầu của các doanh nghiệp đưa ra. Trong khi đó, các chủ trang trại đã chú ý đến việc giới thiệu về quy trình trồng trọt sạch và ra mắt thành quả sản phẩm của chính mình làm ra với các doanh nghiệp bằng cách thực hiện các clip về quy trình ươm trồng, xử lý sâu bọ, thu hoạch sản phẩm… Các chủ trang trại cũng mong muốn được hỗ trợ nhiều hơn nữa về khoa học - kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hỗ trợ đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Theo các chuyên gia, việc kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa giữa các vùng miền trong những năm gần đây đã được tăng cường. Tuy nhiên, để thực sự hiệu quả và tạo sức lan tỏa rộng hơn cần sự vào cuộc mạnh mẽ từ các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là vai trò của doanh nghiệp. Trên thực tế, dù hiện nay, tỉnh có nhiều sản phẩm có thế mạnh nhưng vẫn còn ít doanh nghiệp lớn có đầu mối thu mua trực tiếp hàng hóa cho bà con nông dân. Điều này cho thấy, sự kết nối giữa các cơ sở, đơn vị sản xuất với các doanh nghiệp phân phối chưa chặt chẽ. Chính vì vậy, trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần tích cực tham gia hợp tác sản xuất, kinh doanh, chú trọng xây dựng phát triển thương hiệu hàng Việt bằng uy tín và chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, các doanh nghiệp, chủ trang trại cần tiếp tục linh hoạt trong việc tiếp cận công nghệ hiện đại nhằm đáp ứng quy trình sản xuất, cung ứng sản phẩm có giá trị cao.
Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, kết nối cung cầu hàng hóa là một trong những hành động cụ thể, thiết thực để hiện thực hóa việc đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh doanh, mở rộng sản xuất, có đầu ra sản phẩm ổn định theo đúng định hướng của tỉnh. Trong thời gian tới, các địa phương cần chủ động thúc đẩy hơn nữa hoạt động này trên cơ sở phối hợp giữa các sở, ngành liên quan, với các nội dung thông tin, định hướng cung cầu, hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở, hộ sản xuất áp dụng các tiêu chuẩn đã được chúng nhận như ISO, VietGAP, GlobalGAP… Đồng thời, các địa phương cần nhân rộng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo từng lĩnh vực theo hướng nâng cao chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Với chức năng của mình, ngành công thương sẽ hỗ trợ tối đa việc tiêu thụ các sản phẩm của địa phương vào trong hệ thống phân phối của các doanh nghiệp trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, cùng với đó tạo đầu ra ổn định cho người sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững.
TIỂU MY