Xác định ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất nông nghiệp là nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân, huyện Bàu Bàng đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, huyện đã chú trọng quy hoạch vùng sản xuất tập trung, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, thu hút doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nông nghiệp CNC… Sau quá trình thực hiện, nông nghiệp CNC của huyện Bàu Bàng đã từng bước hình thành, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đã phát huy hiệu quả, góp phần tăng thu nhập trên đơn vị diện tích
Qua việc áp dụng các kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp đã giúp cho các hộ nông dân huyện Bàu Bàng có thu nhập ổn định. Trong ảnh: Mô hình nuôi heo trại lạnh của hộ ông Phạm Văn Tạo (thị trấn Lai Uyên)
Quy hoạch vùng sản xuất
Bàu Bàng triển khai thực hiện theo quy hoạch chi tiết ngành nông nghiệp huyện giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2025 gắn với thực hiện đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Quy hoạch vùng nông nghiệp CNC ở phía tây của huyện gắn với bảo đảm môi trường sinh thái, chú trọng vai trò của ngành nông nghiệp trong công nghiệp, đô thị với định hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật CNC trong canh tác để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, năng suất, sản lượng cây trồng theo tiêu chuẩn VietGAP...
Trong giai đoạn 2016-2020, ngành nông nghiệp huyện phát triển đúng định hướng theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp huyện tăng bình quân 5 - 6%/năm; tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC chiếm trên 15% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện. Đến nay, tổng diện tích cây trồng trên 23.000 ha; trong đó, tổng diện tích cây cao su 22.600 ha; cây ăn trái 403 ha và các loại cây trồng khác 10,5 ha. Trên địa bàn huyện bước đầu đã hình thành các vùng trồng cây ăn trái tập trung, giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất sản xuất đạt 130 - 135 triệu đồng/năm.
Có thể nói, hiện nay trên địa bàn huyện, các trang trại sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC với quy mô lớn, áp dụng công nghệ tiên tiến được người dân mạnh dạn đầu tư, nhất là trong lĩnh vực chăn nuôi và trồng cây ăn trái, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, thúc đẩy kinh tế huyện tiếp tục tăng trưởng ổn định trong nhiều năm liền. Cơ cấu kinh tế huyện chuyển dịch hợp lý, cho phép khai thác hiệu quả hơn các tiềm năng, lợi thế so sánh. Sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh, ứng dụng CNC được đẩy mạnh, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập của người dân. Bên cạnh đó, chăn nuôi theo quy mô trang trại tập trung trên địa bàn huyện đã và đang phát triển mạnh, đặc biệt là hình thức chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán theo hộ gia đình trong huyện cũng đang dần chuyển sang chăn nuôi quy mô trang trại tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.
Để có được kết quả trên là nhờ công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển nông nghiệp được huyện quan tâm thực hiện thường xuyên, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và nhân dân về phát triển nông nghiệp bền vững. Hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp như giao thông, điện... được huyện tập trung đầu tư, diện mạo của huyện đã có bước đổi mới, khởi sắc. Các chính sách hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ được các ngành, các cấp tập trung thực hiện hiệu quả.
Tăng cường liên kết
Để tạo hiệu quả trong việc chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật nông nghiệp, huyện Bàu Bàng đã tăng cường thực hiện liên kết “4 nhà” (Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà nông) nhằm thực hiện chuyển giao khoa học - công nghệ mới trong sản xuất, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và giúp nông dân được tiếp cận với các mô hình mới trong sản xuất, giống mới, kỹ thuật canh tác… Lãnh đạo UBND huyện Bàu Bàng đánh giá thông qua việc liên kết “4 nhà” sẽ thúc đẩy nông nghiệp của huyện phát triển theo hướng CNC và thị trường tiêu thụ, chế biến tại chỗ. Tất cả các vùng sản xuất đều theo tiêu chuẩn, quy trình VietGAP, GlobalGAP...
Nhiều chủ trang trại ở huyện Bàu Bàng cho rằng hiện nay cây có múi như bưởi, cam, quýt của các trang trại trên địa bàn đều đạt tiêu chuẩn VietGAP, tuy nhiên cần đặt vấn đề liên kết để tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, không chỉ liên kết các trang trại ở Bàu Bàng, mà còn liên kết được với các trang trại khác trên địa bàn tỉnh. Có như vậy mới bảo đảm được thương hiệu cây có múi của Bình Dương, tạo đầu ra ổn định và không bị thương lái ép giá.
Ông Nguyễn Văn Thương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng, cho biết thực hiện chương trình đột phá về chuyển dịch cơ cấu, sản xuất nông nghiệp theo hướng kỹ thuật CNC, huyện ưu tiên phát triển nông nghiệp theo hình thức trang trại, đẩy mạnh ứng dụng CNC vào sản xuất và xây dựng các vùng nông nghiệp chuyên canh. Các mô hình nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao, nông nghiệp đô thị, kinh tế trang trại có chiều hướng phát triển mạnh và được nhân rộng. Bên cạnh nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC phù hợp với điều kiện sản xuất của nông dân, huyện Bàu Bàng sẽ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác kinh doanh; hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa và xây dựng thương hiệu cho các loại nông sản đặc trưng của huyện.
THOẠI PHƯƠNG