Để bóng đá Việt Nam phát triển: Đổi mới từ gốc

Cập nhật: 19-09-2011 | 00:00:00

Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) là hệ quả của cấu trúc về các tổ chức xã hội trong thể thao không thực chất, và sẽ khó đi xa nếu không thay đổi từ gốc.

>>> VFF: Ghế trưởng giải "nóng ran"

 Trưởng ban tổ chức V-League 2011 Dương Nghiệp Khôi rút lui, điều đó không đủ để đảm bảo mùa giải tới sẽ khá hơn 

Thay đổi không chỉ VFF!

Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với cách đặt vấn đề của nhà báo Vũ Công Lập, khi ông bàn đến cái gọi là “cấu trúc” của tổ chức bóng đá. Hôm nay, người hâm mộ bóng đá VN bức xúc về một mùa giải 2011 sa sút mọi mặt, và chắc chắn trưởng giải Dương Nghiệp Khôi phải ra đi, ông chủ tịch Hội đồng trọng tài Nguyễn Văn Mùi cũng nối gót. Thậm chí nếu đòi hỏi của dư luận được đáp ứng, đó là tổ chức đại hội bất thường để thay cả ông chủ tịch, tổng thư ký... thì có gì đảm bảo VFF tới đây sẽ thay đổi nếu vẫn cứ tiến hành đại hội theo cách làm cũ: ai làm gì, ngồi vị trí nào đều được tính toán trước, chỉ đưa ra đại hội để hợp thức hóa?

Chúng tôi xin kể một câu chuyện: Trước đây, một doanh nhân tên tuổi được mời làm chủ tịch liên đoàn bóng đá. Ông hỏi chúng tôi có nên không. Chúng tôi trả lời: nên, nhưng với điều kiện là ông chủ tịch phải được quyền chọn người giúp việc cho mình.

Một tuần sau ông báo cho biết: “Thôi rồi. Khi mình đưa ra yêu cầu đó, người ta bảo rằng không thể. Thế là mình quyết định rút lui”!

Một võ sư, cũng là một người nghiên cứu võ thuật VN đầy tâm huyết, mới đây đã nói: “Dư luận chê VFF nhưng tôi chỉ mong liên đoàn võ cổ truyền mà tôi tham gia được như VFF”!

Ở đó, cũng một quan chức ngành thể thao về hưu ngồi ghế chủ tịch. Bao quanh là các cán bộ ngành thể thao, vốn đã quen thành nếp cái cung cách “sáng cắp ô đi, tối cắp về”. Rồi các liên đoàn quần vợt, bóng chuyền, xe đạp... có khác gì? Điểm lại tất cả liên đoàn thì dù sao VFF cũng vào loại khá nhất, chí ít thể hiện qua việc kiếm tiền, do được dư luận săm soi rất kỹ và ở thế mạnh là quản lý môn thể thao vua.

Còn nhớ khi chuẩn bị cho đại hội VFF nhiệm kỳ 4, chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện với cố thủ tướng Võ Văn Kiệt, và ông bảo rằng đã đến lúc phải thay đổi cách tổ chức các tổ chức xã hội trong thể thao, đó là các cơ quan quản lý nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào việc chuẩn bị nhân sự. Trên thế giới người ta làm như thế nào thì nên học như thế đó. Tiếc rằng góp ý đó đã không được thực hiện.

Luôn nói là làm chuyên nghiệp nhưng cấu trúc tổ chức chẳng khác nào thời bao cấp, nên cho đến giờ các liên đoàn thể thao ở VN chỉ mới là “cánh tay nối dài” - từ của ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên trưởng đoàn thể thao VN - cho các cơ quan quản lý nhà nước.

Chỉ mới “nói theo FIFA”

Một nguồn tin đáng tin cậy cho biết lãnh đạo Bộ Văn hóa - thể thao & du lịch đã có chỉ đạo “miệng” cho Tổng cục TDTT rằng phải làm việc lại với VFF về bốn nội dung sau: 1-Phải xem xét lại nội dung tổng kết mùa giải 2011, cái gì chưa được phải thẳng thắn nhìn nhận trước công luận. 2-VFF cần sớm áp dụng các mô hình quản lý, điều hành bóng đá theo mô hình của FIFA. 3-Rà soát lại nhân sự. 4-Tập trung cho việc giáo dục lối sống, đạo đức cầu thủ vốn đang có những biểu hiện không lành mạnh.

Trong bốn vấn đề nêu trên, ở phần hai là câu chuyện mà hai nhà báo Vũ Công Lập và Chiêu Nghi đã cho thấy các nền bóng đá chuyên nghiệp rực rỡ như Anh, Đức, Ý, Tây Ban Nha... đã làm như thế nào trong công tác điều hành một giải đấu. Họ chẳng có cái gọi là “ban tổ chức giải” như chúng ta. Một công ty được thành lập với sự có mặt của các CLB dự giải trong tư cách cổ đông, đó sẽ là bộ máy điều hành giải đấu. Chính các CLB sẽ quản lý cuộc chơi của chính họ, còn liên đoàn chỉ là phối hợp, định hướng cuộc chơi này. Người Thái đã bê mô hình này về áp dụng, giúp Thai-League qua mặt V-League ngoạn mục.

Lâu nay, cứ có chuyện là phần lớn quan chức VFF thường lấy FIFA làm bình phong rằng: “FIFA quy định thế này, FIFA quy định thế kia”. Nhưng mô hình quản lý, điều hành bóng đá chuyên nghiệp của FIFA thì chẳng áp dụng!

Giám sát quyền lực

Thật ra, giờ đây đòi hỏi VFF có ngay một công ty để điều hành V-League 2012 sắp tới là chuyện khó thể thực hiện. Tuy nhiên, không thể chỉ thay ông trưởng ban tổ chức giải, còn lại thì tiếp tục “lối cũ ta về” như mọi năm.

Trong các ý kiến nêu ra những ngày qua, chúng tôi hoàn toàn đồng ý với ông Lê Hùng Dũng khi cho rằng quyền lực mà không được giám sát thì hỏng bét. Trong các mùa giải đã qua, rõ ràng ban tổ chức giải, hội đồng trọng tài quốc gia gần như nằm trong tay một số ít người. Xin lấy một ví dụ để nói về chuyện quyền lực: báo chí, đội bóng, khán giả bức xúc về quyết định của trọng tài. Ngày hôm sau, ban tổ chức, hội đồng trọng tài, ban kỷ luật ngồi “mổ băng” và phán rằng trọng tài đúng; dù chẳng ai biết trong băng ấy có gì!

Đã một lần, trước áp lực của VTV, ban tổ chức đã phải công bố băng ghi hình và quả là chẳng xem được gì! Chính vì như thế nên dư luận đồn thổi hết sức tiêu cực về ban tổ chức giải, Hội đồng trọng tài rằng trọng tài phải có chi thì mới được ưu ái. Chẳng có bằng chứng để kết luận tiêu cực, nhưng chỉ nội dư luận xấu cũng đủ để không thể làm tốt được việc điều hành một giải đấu.

Trước mắt, một khi chưa thể học theo cách làm của bóng đá Anh, Đức, Ý, Tây Ban Nha..., chúng tôi cho rằng trong mùa tới nên có một đội ngũ cố vấn, giám sát ban tổ chức giải. Đội hình này có thể mời những người như nhà báo Vũ Công Lập, các ông Ngô Tử Hà, Nguyễn Văn Vinh, Trần Văn Phúc... Họ đều là những người quá rành rẽ về bóng đá, không tham gia VFF và có uy tín trong làng bóng... nên chắc chắn sẽ là đội ngũ giám sát quyền lực tốt nhằm giúp việc điều hành mùa giải tới khá hơn.

Theo TTO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên